Điều tra vụ tấn công hóa học ở Syria, Damascus tố chính Anh, Mỹ tuồn vũ khí cho khủng bố

Tất Đạt |

Chuyên gia chính trị Nga Mark Sloboda cho rằng cáo buộc từ chính phủ Syria là thất bại của truyền thông phương Tây.

Cáo buộc của Syria

Sau cuộc điều tra vụ tấn công hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun - sự kiện dẫn đến việc Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của chính phủ Syria ngày 6/4, Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cáo buộc ngược lại rằng chính Anh và Mỹ "hỗ trợ vũ khí phổ thông và vũ khí hóa học cho các tổ chức khủng bố trong khu vực".

Phát biểu tại hội nghị ở Damascus hôm thứ Tư (16/8), ông Mekdad cho biết: "Khủng bố sử dụng các chất gây dị ứng và ngứa rát trong các trận đánh ở Aleppo, Jobar, Qaboun, và miền đông Ghouta.

Thông thường, những hóa chất này được cảnh sát dùng để giải tán đám đông. Sau khi chiếm lại được các khu vực nói trên, quân đội Syria đã tìm thấy nhiều thùng đạn dược, vũ khí hóa học nhóm khủng bố chưa dùng tới."

Ông Mekdad công bố những bức ảnh chụp lại, và cáo buộc vũ khí hóa học được "sản xuất tại ‘Phòng Nghiên cứu Liên bang’ của Mỹ, một vài loại chất độc được cung cấp bởi các công ty của Anh".

Căn cứ vào các bằng chứng của Damascus, Ngoại trưởng Syria khẳng định Mỹ và Anh đã cung cấp vũ khí hóa học cho các tổ chức khủng bố, cũng như vi phạm Công ước Quốc tế về Vũ khí Hóa học.

Điều tra vụ tấn công hóa học ở Syria, Damascus tố chính Anh, Mỹ tuồn vũ khí cho khủng bố - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad. Ảnh: Independent UK

Phân tích của đại diện Nga

Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà phân tích chính trị Nga Mark Sloboda bày tỏ quan điểm về những động thái trái chiều của các bên liên quan.

Ông cho biết: "Các cáo buộc chỉ được xác nhận từ phía chính phủ Syria. Không cơ quan truyền thông phương Tây nào đăng tải sự kiện này. Chỉ có báo chí Nga và các nguồn dẫn lời chính phủ Syria thông báo về các cáo buộc trên.

Dường như truyền thông phương Tây mặc định không ai lắng nghe phát ngôn từ chính phủ Syria. Rõ ràng chúng ta không nên chỉ tiếp nhận thông tin từ một phía, chỉ từ chính phủ Mỹ, Nga hay bất kì chính phủ nào khác. Nhưng, cố tình làm ngơ trước các cáo buộc từ chính phủ Syria là… thất bại của truyền thông phương Tây."

Theo ông Sloboda, vũ khí hóa học cực kì kém hiệu quả, kể cả trên chiến trường hay dùng để giải tán đám đông. Hơn thế nữa, loại vũ khí này rất khó bảo quản, khó sử dụng và được coi như là "con dao hai lưỡi".

Điều tra vụ tấn công hóa học ở Syria, Damascus tố chính Anh, Mỹ tuồn vũ khí cho khủng bố - Ảnh 2.

Vũ khí hóa học phi sát thương tại căn cứ của phiến quân ở Aleppo. Ảnh: Sputnik

Nó có thể quét sạch quân địch nhanh chóng nhưng nếu gặp vấn đề trên đường vận chuyển, vũ khí hóa học sẽ gây hại cho chính người sử dụng.

Chính vì vậy, ông Sloboda tin rằng cáo buộc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học trên quy mô lớn là chuyện vô lí. 

Thêm vào đó, ông cho rằng Mỹ cũng không có cơ sở pháp lí để tiếp tục hoạt động tại Syria mà còn vi phạm hiến chương LHQ vì can thiệp vào nội bộ quốc gia này.

Ngày 20/4, các nước phương Tây phủ quyết yêu cầu của Nga và Iran về việc điều tra vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan-Sheikhoun.

Mỹ khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad chịu trách nhiệm cho vụ việc, nhưng Damascus phủ nhận cáo buộc. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh bắn tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của quân đội chính phủ Syria để đáp trả vụ tấn công trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại