CLIP: Xe tải đâm sập giàn giáo xây dựng cầu vượt khiến hầm Thủ Thiêm bị phong tỏa.
Trưa 15/10, chia sẻ với báo chí, ông Ngô Hải Đường (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP HCM) cho biết công an đang thụ lý điều tra sự cố chiếc xe tải chở cam lưu thông qua hầm Thủ Thiêm hướng từ quận 2 vào trung tâm thành phố đã tông sập giàn giáo xây dựng cầu vượt ở đầu hầm.
"Phía đầu hầm Thủ Thiêm đã có biển báo giới hạn chiều cao của các phương tiện là 4,2m, giàn giáo khu vực cầu số 19 cao 4,6m. Chiếc xe tải chở theo thùng hàng quá cao chạy qua nên mới gây ra sự cố trên"- ông Đường nói.
Ông Đường cho biết 2 đầu hầm luôn có lực lượng CSGT, nhân viên đơn vị quản lý hầm chốt chặn nhưng đã không phát hiện ra do phương tiện lưu thông bình thường.
"Đáng lẽ tài xế phải biết phương tiện mình điều khiển chở quá cao và nên chọn lộ trình khác di chuyển. Tuy nhiên, tài xế vẫn bất chấp…"- ông Đường nhận xét.
Sở GTVT TP HCM cho biết công an đang thụ lý điều tra sự việc.
Bước đầu kiểm tra, sự cố không gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình của đường hầm cũng như cầu số 19. Tuy nhiên một số khung giàn giáo đã bị hư hỏng. Ông Đường cũng cho biết thêm, theo kế hoạch, những giàn giáo này sẽ được tháo dỡ vào tháng 11 nhưng sau sự cố này, đơn vị sẽ thực hiện giải tỏa trước ở phía đầu quận 2.
Trước đó, sáng cùng ngày, chiếc xe tải mang BKS 64C-027.34 lưu thông từ quận 1 sang quận 2. Khi phương tiện này đến khu vực cưa thì va quẹt vào mái che phục vụ công tác thi công cầu 19 khiến giàn giáo bị sập, ngáng ngang đường. Tài xế xe tải sau đó lái xe bỏ chạy về hướng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Sự cố xảy ra làm một số người đi xe máy bị thương. Sở GTVT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành đóng cửa hầm cả hai hướng để khắc phục.
Hiện trường xảy ra sự cố sập giàn giáo trước cửa hầm Thủ Thiêm.
Sự cố xảy ra vào giờ cao điểm, dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở những tuyến đường xung quanh. Các phương tiện từ quận 2, 9, Thủ Đức… khi lưu thông về hướng hầm đã phải di chuyển qua cầu Thủ Thiêm về Nguyễn Hữu Cảnh hoặc đường Trần Não để hướng về phía trung tâm thành phố.
Các phương tiện giao thông ùn ứ kẹt cứng tại nhiều tuyến đường Trần Não, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh... Đặc biệt đường Nguyễn Hữu Cảnh kẹt xe cục bộ kéo dài hàng cây số. Khu vực cầu vượt Thủ Thiêm, cầu vượt và hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh đều tắc nghẽn giao thông hoàn toàn.
Nhiều người tấp vào đường để chờ bớt kẹt xe.
"Mới sáng thứ hai, mình chạy từ Thủ Đức lên quận 1 để đi học nhưng gặp ngay đám kẹt xe từ cầu Sài Gòn đến đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đúng 7h30 mình vào tiết học mà mãi hơn 9h chưa đến trường" - bạn Nguyễn Trúc Phương (sinh viên trường KHXH&NV) dở khóc, dở cười chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Thế Vinh cũng chia sẻ: "Mình đi vào đường Nguyễn Hữu Cảnh như thường lệ và mắc kẹt hơn 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng phải vào quán cà phê ngồi cho bớt xe cộ rồi mới thể đi tiếp đến cơ quan".
Nhiều người quá mệt mỏi chạy chạy xe lên lề khiến phần đường này cũng kẹt cứng. Trong khi đó, một số khác chọn cách ngồi bên vỉa hè, uống nước chờ hết kẹt xe. Những quán cà phê ven đường đông đúc hơn thường ngày.
Nhiều tuyến đường giao thông kẹt cứng, hỗn loạn sau sự cố phong tỏa hầm Thủ Thiêm.
Người dân mệt mỏi chen chúc trên đại lộ Mai Chí Thọ.
Khu vực cầu Thủ Thiêm (quận 2, quận Bình Thạnh) hỗn loạn hoàn toàn.
Hàng ngàn người trễ giờ học, giờ làm.
Xe cộ chen chúc, nhúc nhích từng chút một.
Người dân mệt mỏi giữa luồng giao thông hỗn loạn.
Xe cộ kẹt cứng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.