Có một nơi do điều kiện không thuận lợi cho sinh vật dưới biển cũng như không thể tiếp cận được, đã trở thành "nghĩa địa" của các vật thể không gian. Đó là Điểm Nemo.
Điểm Nemo nằm ở giữa Thái Bình Dương, cách xa đất liền và các vùng lãnh thổ mà con người sinh sống.
Dù vậy, trên thực tế, khu vực đất liền gần điểm này nhất nằm cách đó chưa tới 2.700 km.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, vị trí chính xác của điểm mà chúng ta gọi là "Cực bất khả tiếp cận của Thái Bình Dương" là 48 độ 52,6 phút vĩ Nam và 123 độ 23,6 phút kinh Tây.
Các bờ biển gần Điểm Nemo nhất là Đảo Ducie ở phía Bắc, Đảo Maher thuộc Nam Cực ở phía Nam, quần đảo Chatham thuộc New Zealand ở phía Tây và vùng lãnh thổ của Chile ở phía Đông.
Những con người sống gần điểm Nemo nhất không phải là ở trên Trái Đất mà là các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Sự sống dưới biển ở Điểm Nemo là khu vực đại dương ít đa dạng sinh học nhất thế giới, nhà hải dương học Steven D'Hondt nhận định với BBC.
Theo chuyên gia Steven D'Hondt, tại Điểm Nemo, không có sự đa dạng về loài, không có bề mặt hay đáy đại dương. Đó là một không gian "gần như không có sự sống".
Điều này xảy ra là do vị trí của nó nằm ở khu vực có dòng hải lưu Nam Thái Bình Dương - một dòng hải lưu xoay chiều cản trở các các dòng nước mang theo chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, có một thực tế là do nằm ở xa đất liền nên khu vực này cản trở gió mang các vật chất hữu cơ vốn là nguồn thực phẩm cần thiết để duy trì sự sống của các loài sinh vật.
Tất cả những điều kiện đó khiến Điểm Nemo trở thành một nơi lý tưởng cho các cơ quan vũ trụ trên thế giới tính toán quỹ đạo trở lại trái đất của các tàu vũ trụ đã hết nhiệm vụ.
Trên thực tế, đó cũng là nơi mà NASA dự định dành cho ISS khi trạm vũ trụ này kết thúc sứ mệnh của mình vào năm 2024.
Tại Điểm Nemo cũng từng có các trạm vũ trụ khác như Mir của Nga. Trạm vũ trụ này kết thúc sứ mệnh của mình và lao xuống đây năm 2001. Ngoài ra còn có 6 trạm vũ trụ khác trong chương trình Saliut của Liên Xô.
Mục đích của các cơ quan vũ trụ khi sử dụng Điểm Nemo là để ngăn cản các mảnh vỡ từ tàu vũ trụ rơi xuống bề mặt Trái Đất và gây nguy hiểm cho con người.
Điểm Nemo được đặt tên theo nhân vật trong cuốn tiểu thuyết "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của nhà văn Jules Verne. Nemo trong tiếng Latin có nghĩa là "không có ai".
Điểm Nemo được phát hiện, hay đúng hơn là được tính toán bởi kỹ sư người Canada gốc Croatia Hrvoje Lukatela vào năm 1992 khi tìm kiếm nơi xa xôi nhất Trái Đất.
Nhờ phát hiện ra Điểm Nemo mà chúng ta có thể loại bỏ các mảnh vỡ trong không gian theo cách ít ảnh hưởng nhất đến con người và các sinh vật dưới biển./.