1. Dạo gần đây, người lớn ở Pháp hay tặng cho trẻ con một món quà quen thuộc vào sinh nhật của chúng: chiếc áo đấu của đội tuyển Pháp. Bạn sẽ tự hỏi: thế thì có gì đặc biệt so với những quốc gia khác, nơi bóng đá cũng là môn thể thao vua?
Câu trả lời của ký giả Simon Kuper, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng về bóng đá, là: mãi đến tận vài năm trở lại đây, người Pháp không hề hào hứng với chiếc áo đội tuyển. Nói cách khác: họ đã ghẻ lạnh nó trong một thời gian dài.
Ở Pháp, bóng đá không đơn thuần là câu chuyện của quả bóng tròn và 22 gã đàn ông. Ở đây, đội tuyển Pháp được xem là hiện thân của nước Pháp, với tất cả những gì tốt đẹp lẫn xấu xa. Và suốt nhiều năm trời, người Pháp thất vọng với cả đội tuyển nước mình lẫn quốc gia mình. Nhưng bây giờ, họ đã cảm thấy lạc quan hơn với cả hai.
Hai mươi năm qua, đội tuyển Pháp khi ra sân đều không chỉ đấu với đối thủ của mình hôm đó. Họ còn phải đấu cả với bóng ma của chính mình: đội Pháp đã đánh bại Brazil 3-0 vào ngày 12/7/1998, để lần đầu tiên trong lịch sử chạm tay vào chiếc Cúp vàng thế giới. Người Pháp bảo đấy là ngày hạnh phúc và tự hào nhất trong lịch sử nước mình, đứng cạnh ngày giải phóng Paris vào năm 1994.
Sau năm 1998, mối quan hệ giữa đội tuyển Pháp và người Pháp diễn tiến hết sức phức tạp. Nó giống như một cuộc hôn nhân tồi mà hai người liên tục phản bội nhau, dày vò nhau. Tận cùng của nỗi thống khổ này diễn ra ở Knysna, Nam Phi vào năm 2010. Hôm ấy, các thành viên tuyển Pháp vì cự cãi với HLV trưởng Raymond Domenech đã làm một điều xấu hổ chưa từng có trong lịch sử World Cup: đình công.
Khi lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Pháp cách đây năm năm, Paul Pogba hết sức ngạc nhiên khi thấy người Pháp không chút hào hứng với đội tuyển nước mình. Năm 2015, Pogba nói khi chơi cho đội tuyển Pháp, anh luôn có cảm giác là mình phải đá trên sân đối phương dù rõ rành rành là đá trên sân nhà.
2. Người Pháp rất ưa thích những con số và những cuộc trưng cầu. Năm 2013, thống kê từ BVA (một tổ chức chuyên làm trưng cầu tại Pháp) cho thấy 21% người Pháp cảm thấy chán ngán với đội tuyển Pháp (và cũng… chán ngán nốt chính phủ Pháp). Một tập thể gồm những người da màu triệu phú khoác áo Pháp đã chạm đến những nỗi phức cảm trong lòng công chúng Pháp.
Ngày 13/11/2015, sự chán ghét của công chúng Pháp dành cho Les Bleus chạm đáy. Đấy là khi Karim Benzema dính vào scandal tống tiền người đồng đội Mathieu Valbuena liên quan đến clip sex của tiền vệ này. Trong đêm ấy, khủng bố tấn công và giết chết 130 người tại Paris.
Hai sự kiện tất nhiên không liên quan gì, nhưng nó một lần nữa nhấn vào nỗi sợ hãi, bồn chồn của người Pháp đối với những người đạo Hồi nhập cư. Một cuộc trưng cầu khác cuối năm ấy từ YouGov cho thấy chỉ có 3% người Pháp tin rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn.
Thế nhưng đến mùa hè 2016, sự bi quan ấy dần có chuyển biến. Kinh tế bắt đầu tăng trưởng, những vụ khủng bố thưa dần và mức độ thiệt hại giảm thiểu đáng kể. Đến tháng Ba năm nay, lại một cuộc trưng cầu nữa, lần này là trên Ipsos, cho thấy 35% dân Pháp tin rằng "mọi thứ đang diễn ra đúng hướng với Pháp".
Điều đó cho thấy: dù "cuộc hôn nhân" giữa đội tuyển Pháp và công chúng Pháp có tồi tệ đến đâu đi nữa thì hai bên cũng đang tiến vào giai đoạn… hòa giải và hâm nóng.
Người đứng ra hòa giải không ai khác hơn là Didier Deschamps, tức "DD", thủ quân của đội tuyển Pháp giương cao chiếc Cúp vàng thế giới 1998. Deschamps khích lệ tinh thần yêu nước nơi các cầu thủ, yêu cầu họ hát bản quốc ca Marseillaise một cách hào hùng hơn. Ông tổ chức nhiều cuộc gặp giữa các tuyển thủ và đại diện của các hội CĐV Pháp.
Kết quả là sau các trận đấu trên sân nhà, các cầu thủ đã tiến đến các khán đài để chào các CĐV, thỉnh thoảng lại tặng cho họ áo đấu hoặc một quả bóng. Ngược lại, các cầu thủ cũng thông qua các hội CĐV để mong mỏi họ hạn chế hát câu "Et un, et deux, et trois zéro" (tức là "Một, hai và ba không", nhắc lại tỷ số của trận chung kết World Cup 1998) trên khán đài để không gây thêm áp lực cho đội hình hiện tại.
Thay vào đó, các CĐV có thể hát gì đó về đội hình hiện nay. Đấy là lý do tại World Cup này, thỉnh thoảng ta lại nghe các CĐV Pháp cải biên bài "Hey Jude" của The Beatles để hát về tiền đạo Olivier Giroud. Mười ngày trước, một trưng cầu nữa từ Odoxa cho thấy: 61% người Pháp bây giờ đã ủng hộ tuyển Pháp
Tất nhiên 61% không phải là một con số lý tưởng, nhưng mối quan hệ ấy rõ ràng đang ngày một cải thiện, dù rất chậm. Người Pháp vẫn dễ dàng tức giận với đội tuyển, chẳng hạn việc Deschamps loại tiền vệ trẻ Adrien Rabiot, vốn rất được dân Pháp ưa chuộng, cũng đã gây ra một lùm xùm nhỏ.
Trước ngày lên đường đi Nga, tuyển Pháp nhận sự viếng thăm của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông nói với mọi người: "Điều quan trọng là tất cả chúng tôi đều ở sau lưng các bạn". Tất cả có lẽ là một từ hơi mạnh, nếu so với con số 61% trong cuộc trưng cầu nêu trên.
Thế mới nói, đối thủ đáng sợ nhất của Pháp ở trận đấu tới đây không phải là Lionel Messi mà là chính các khán giả nhà của họ. Vết thương ấy vẫn chưa khép miệng. Nếu không, Pogba đâu có úp mở đây là World Cup cuối cùng của mình, dù anh mới 25 tuổi.