Điều khó nói sau những màn "buôn thuốc ngủ" của U19 Việt Nam

Lập Trần |

U19 Việt Nam đang khiến cho nhiều người thất vọng vì lối chơi thực dụng đến thô ráp. Cái gì cũng có nguyên nhân và nó bắt đầu từ chiếc sa bàn của HLV Hoàng Anh Tuấn.

Chuyện 1 năm về trước

Tháng 8 năm 2015, trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về lứa U19 Việt Nam dưới thời HLV Guillaume Graechen và HLV Hoàng Anh Tuấn.

Những người thích Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… cho rằng, lứa U19 Việt Nam thời của HLV Guillaume Graechen "ăn đứt" những Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Nguyễn Trọng Đại, Nguyễn Trọng Hóa…

Còn những "antifan" lại đứng lên và bảo vệ đến cùng HLV Hoàng Anh Tuấn. Họ cho rằng, nhà cầm quân này đang đi đúng hướng. Tức, làm bóng đá là phải có thành tích, chứ đập nhả tí tách mà không có thành tích cũng vứt đi.

Trước những câu hỏi, tại sao lại không thể tiếp nối lối chơi của U19 Việt Nam trước đây?

Ông Tuấn lý giải, hai lứa U19 có xuất phát điểm khác nhau. U19 Việt Nam lần trước có nòng cốt là của HAGL-Arsenal JMG được huấn luyện bài bản, đầu tư kỹ, đa số chơi với nhau trong thời gian dài nên dễ gắn kết.

Còn lứa cầu thủ của ông đến từ 8 CLB khác nhau, quỹ thời gian eo hẹp nên không thể xây dựng một lối chơi đẹp như U19 Việt Nam trước đây. Và vị HLV người Khánh Hòa cũng không quên "giằng néo" lời hứa: "Về lâu dài, triết lý của tôi vẫn là phải đá đẹp về chuyên môn và đẹp về đạo đức".

Thực tế, tại giải Đông Nam Á 2015 diễn ra tại Lào, có những trận đấu U19 Việt Nam đã chơi rất tưng bừng. Xét về mặt thành tích, việc các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn lọt vào trận chung kết là quá ổn.

U19 Thái Lan 6-0 U19 Việt Nam

Ông Tuấn nhiều bằng cấp nhất Việt Nam

HLV Hoàng Anh Tuấn là HLV Việt Nam có nhiều bằng cấp quốc tế nhất.

Ông đã tốt nghiệp Đại học TDTT chuyên ngành bóng đá, sở hữu chứng chỉ cấp độ A của AFC, UEFA, chứng chỉ giảng viên FIFA, bằng HLV thể lực của FIFA.

Ông Tuấn cũng đã kết thúc khóa học Pro License, đây là bằng HLV chuyên nghiệp hạng cao nhất do FIFA cấp.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ trận chung kết và để thua "vỡ mặt" với tỷ số 0-6 trước U19 Thái Lan thì người ta có quá nhiều chuyện để nói.

Đầu tiên, người ta chẳng hiểu tại sao, HLV Hoàng Anh Tuấn lại sử dụng đến 7 cầu thủ của lò PVF là Thanh Tuấn, Việt Anh, Tiến Dụng, Minh Dĩ, Trọng Hóa, Lâm Thuận và Đức Chinh trong trận chung kết.

Cái lý của ông Tuấn đưa ra, chính là việc những cầu thủ chơi bóng với nhau lâu năm và rất hiểu nhau.

Tuy nhiên, đấy là luận điểm khó được chấp nhận khi mà trên băng ghế dự bị, ông Tuấn có những cầu thủ đã khẳng định tên tuổi như Quang Hải (HN.T&T) chỉ được vào sân khi đã thủng lưới. Một cầu thủ được xem là đột biến như Phan Thanh Hậu được cất trên băng ghế dự bị.

Đấy là nhìn từ một trận đấy, còn một giải đấu thì như thế nào?

Cả 5 trận đấu tại giải Đông Nam Á 2015, HLV Hoàng Anh Tuấn đã sử dụng 5 đội hình khác nhau.

Thật lạ lùng, bởi trong bóng đá, các HLV luôn hướng đến việc xây dựng một đội hình, bộ khung ổn định, rồi sau đó mới tìm ra những "kép phụ" trám chỗ. Nhưng ông Tuấn lại cho thấy được sự "đặc biệt" của mình, giống như ông Toshiya Miura khi liên tục xoay tua dẫn đến việc… loạn đấu pháp.

Rất nhiều người đã lên tiếng trước lối chơi của ĐT U19 Việt Nam , trong đó có HLV Lê Thụy Hải. Song ông Tuấn vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục áp dụng lối chơi thực dụng cho U19 Việt Nam .

Điều khó nói sau những màn buôn thuốc ngủ của U19 Việt Nam - Ảnh 3.

U19 Việt Nam sau 1 năm dưới quyền HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn rất thiếu thuyết phục.

Và chuyện 1 năm sau

Một năm trước U19 Việt Nam giành ngôi á quân giải Đông Nam Á nhờ lối chơi đầy thực dụng, nhưng người ta có thể "du di" cho HLV Hoàng Anh Tuấn vì thời gian của ông quá hạn hẹp và vì lực lượng đến từ nhiều đội bóng khác nhau.

Niềm tin ấy càng có lý khi U19 Việt Nam vô địch giải tứ hùng tại Myanmar cuối tháng 8 vừa qua. Trong số đó, các học trò cuả HLV Hoàng Anh Tuấn làm nức lòng những ai dõi theo khi đánh bại U19 Thái Lan với tỷ số 1-0.

Nhưng cần phải nói lại cho rõ, đó là giải đấu mà người Thái đã mang đến đội hình 2 chứ không phải là những gương mặt xuất sắc nhất sẽ tham dự vòng chung kết giải U19 Châu Á vào tháng 10 tại Bahrain .

Nói như thế để thấy, U19 Việt Nam không thể ảo tưởng sức mạnh. Và sự thật, với những màn trình diễn tại giải U19 Đông Nam Á 2016 đang tại Hà Nội, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã làm nhiều người thất vọng tràn trề.

Có lẽ vì thế, người ra lại lôi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… ra để so sánh, dù biết như thế là tội cho các học trò của ông Tuấn.

U19 Việt Nam 4-3 U19 Philippines

Điều đáng quan tâm hơn tất cả, các trận đấu của U19 Việt Nam có rất ít CĐV đến sân. Đã có những lời khóc lóc, than trách nhưng cần phải thẳng thắn với nhau, các CĐV có quyền được chọn lựa, gửi gắm tình yêu của mình, chứ phải "yêu" mù quáng và giết thời gian bằng những trò vô ích.

Thì đây, những ai ngồi trên sân chứng kiến màn tra tấn "nhạt như nước ốc" giữa U19 Việt Nam và U19 Philippines, hẳn sẽ chẳng bao giờ muốn đến sân lần nữa.

Rõ ràng, 1 năm trước và 1 năm sau của U19 Việt Nam chẳng khác nhau là bao nhiêu. Mặc cho trong tay của HLV Hoàng Anh Tuấn có thêm những cầu thủ xuất sắc hơn, dày dặn hơn ở độ tuổi 19.

Thật khó để đổ tội cho các cầu thủ, bởi họ là những người tuân thủ lối chơi của HLV đề ra. Vậy thì HLV Hoàng Anh Tuấn, người "vô địch" về khoản nhiều bằng cấp nhất của bóng đá Việt Nam cần phải xem lại triết lý, quan điểm của mình đang áp dụng cho U19 Việt Nam, thay vì đổ tội cho hoàn cảnh.

Có sai lầm khi giao U22 Việt Nam cho ông Tuấn?

Cuối tháng 9, HLV Hữu Thắng và đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị cho giải đấu quan trọng nhất năm là AFF Cup 2016. Trong thời gian này, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ được thành lập để chuẩn bị cho những chuyến tập huấn nước ngoài cũng như tham dự giải BTV Cup 2016 tổ chức tại Bình Dương.

Và HLV Hoàng Anh Tuấn đã được HLV Hữu Thắng trao quyền tạm thời dẫn dắt đội tuyển U22 Việt Nam .

Điều khó nói sau những màn buôn thuốc ngủ của U19 Việt Nam - Ảnh 5.

Giao thêm lứa U22 cho ông Hoàng Anh Tuấn là sai lầm?

Với những gì đã và đang diễn ra tại U19 Việt Nam , người ta đang đặt ra một câu hỏi: Liệu VFF có sai lầm khi chọn HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt U22 Việt Nam trong một khoảng thời gian dài như thế?

Ở đây, chúng tôi xin đưa ra 2 khía cạnh. Nếu HLV Hữu Thắng đưa ra giáo án huấn luyện cho U22 nhằm xuyên suốt hệ thống chiến thuật từ ĐTQG tới U22 Việt Nam (vì có nhiều tuyển thủ ĐTQG sẽ khoác áo U22) thì liệu ông Tuấn có chấp nhận trở thành một "người giúp việc" hay không?

Thứ hai, nếu ông Tuấn toàn quyền quyết định chuyên môn cho U22 Việt Nam thì đội bóng sẽ chơi như thế nào?.

Rõ ràng, nếu toàn quyền giao công việc chuyên cho ông Tuấn thì đấy có thể là sai lầm. Nguyên do, lối chơi, triết lý ông Tuấn đang áp dụng cho U19 Việt Nam khác hẳn với lối chơi của ĐTQG hiện tại.

Cũng nên nhớ, lứa U22 với những cầu thủ sinh năm 1995 trở về đây để chuẩn bị cho SEA Games 29 cũng như vòng loại U23 châu Á 2018, chứ không phải đi đá cúp ở đâu đó.

Bóng đá Việt Nam từng đã có bài học "xương máu" từ HLV Toshiya Miura. Trong vòng 2 năm không phủ nhận những gì mà nhà cầm quân người Nhật đã làm được về mặt thành tích.

Thế nhưng, thành tích ấy chẳng đi đến đâu khi mà ĐTQG cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, chơi thứ bóng đá không bản sắc, thực dụng đến khô cằn, dẫn đến việc mất niềm tin từ NHM.

Cho nên, đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần sự nhất thống, xuyên suốt hệ thống chiến thuật từ ĐTQG đến các đội tuyển trẻ, thay vì đội U19, U22 đá bóng dài, lên đội tuyển lại phải "gò" thành bóng ngắn.

Ngay từ bây giờ, chưa bao giờ là muộn cả, chí ít là U19 Việt Nam!

Từ Khánh Hòa đến Hải Phòng chỉ lo trụ hạng

Ông Tuấn được xem là HLV có đẳng cấp nhưng khi dẫn dắt các CLB Khánh Hòa cho tới khi dời đến Hải Phòng thì những đội bóng này đều chỉ lo con đường trụ hạng. Ngoài ra, ông Tuấn cũng nổi tiếng vì tính cách bảo thủ của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại