Hẳn đã có đôi lần, bạn nhìn thấy một vũ công múa, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua các đoạn video trên mạng hay sóng truyền hình.
Múa không phải là một khái niệm xa lạ. Nhưng xem múa mà hiểu hết về câu chuyện đằng sau nó, có lẽ là điều không phải ai cũng "cảm" được.
Clip: Nghe sinh viên trường cao đẳng múa Việt Nam chia sẻ về mức thu nhập và những gian khổ khi luyện tập. Thực hiện: Kingpro.
Thu nhập 2-3 triệu đồng/buổi diễn
Trong suy nghĩ của không ít người, múa là một môn nghệ thuật đã hết thời và ít được quan tâm. Thế nhưng sự thật thì ngược lại, nghề múa đang khá "khát" diễn viên. Cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường, không hề khó như nhiều người vẫn nghĩ.
Mỗi một bài biểu diễn, sinh viên trường múa được trả công thấp nhất là 500.000 đồng.
Dù không phải lúc nào cũng được múa nghệ thuật nhưng với nhiều bạn trẻ, có sân khấu, khán giả là đã đủ khiến họ cảm thấy vui.
Trương Thị Minh Hạnh (SN 2000, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng múa Việt Nam) chia sẻ, mỗi một bài múa, diễn viên như cô thường được trả công từ 500.000-700.000 đồng.
Một buổi biểu diễn, Hạnh thường múa trung bình 3 bài, nhiều có thể 4-5 bài. Thu nhập vì thế có thể đạt 1,5 đến 3 triệu đồng.
Ngoài múa, sinh viên năm cuối còn nhận làm biên đạo cho các sự kiện với mức giá từ 4 đến 5 triệu đồng/tiết mục được dàn dựng công phu trong khoảng thời gian 1-2 tuần.
Thời gian làm việc của diễn viên múa không nhiều, mỗi buổi tập hay biên đạo chỉ kéo dài khoảng 3-4 tiếng. Vì thế tính ra, số tiền họ thu được cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung.
Vì đang còn đi học nên việc biểu diễn của sinh viên còn chưa thường xuyên.
Tuy nhiên, số tiền làm thêm cũng đủ giúp họ tự trang trải tiền học và chi phí sinh hoạt cá nhân.
Không chỉ có Hạnh, ở trường Cao đẳng múa, hầu hết sinh viên đều "chạy show" để kiếm thêm thu nhập.
Vào những dịp lễ, Tết hay khi có nhiều sự kiện, số tiền họ kiếm được không hề nhỏ.
Lê Trần Thảo Nhi (SN 1995, sinh viên năm cuối) tâm sự: "Cơ hội việc làm với diễn viên múa rất nhiều, bọn mình có thể diễn ở sự kiện của doanh nghiệp, các khối cơ quan hoặc ở nhà hát...".
Tất nhiên, khi chạy show, không phải lúc nào sinh viên cũng được múa đúng các bài học trên lớp vì thường các bài múa bên ngoài đều phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu công chúng.
"Nhưng dù sao được múa ở nơi có khán giả chăm chú theo dõi là bọn mình đã vui rồi".
Những cơn đau xé người khi luyện tập
Trên sân khấu, cùng với ánh đèn hoa lệ, diễn viên múa luôn nở nụ cười rạng rỡ trong những bộ trang phục lấp lánh.
Hãy nhìn từng động tác của họ, tất cả đều chuẩn đến từng chi tiết nhỏ. Cơ thể họ phô diễn toàn bộ vẻ đẹp qua các động tác uốn dẻo, tay chân căng gập quanh người vừa mềm mại, điêu luyện, vừa dai bền sức sống.
Thế nhưng đằng sau mức thu nhập cao và vẻ ngoài hào nhoáng ấy, mấy ai biết, diễn viên múa đã phải đánh đổi biết bao giọt nước mắt rơi ngay trên sàn tập.
Những giây phút "căng người" luyện tập.
Bất kể là nam hay nữ thì cường độ tập luyện đều rất mạnh.
Và dù đau đớn, họ cũng không thể ngưng nghỉ việc luyện tập.
Phải đến trường CĐ múa Việt Nam (Mai Dịch, Hà Nội), bạn mới thấy sự khổ luyện của diễn viên múa khủng khiếp đến nhường nào.
Giữa buổi sáng, tiếng sinh viên la hét, kêu khóc vì đau đớn vang lên xé toạc không gian yên tĩnh ở sân trường, vốn được xem là chuyện "thường ở huyện".
Nước mắt rơi dài trên sàn tập. Không phải chỉ đau một lần rồi thôi, nỗi đau vì tập múa kéo dài hàng ngày, hàng giờ bởi sinh viên không thể dừng lại.
Trong luyện tập múa, dừng lại đồng nghĩa với việc quay về vạch xuất phát: cơ thể họ sẽ căng cứng và những lần tập luyện tiếp theo sẽ càng đau đớn. Bởi thế, các bạn trẻ ở đây luôn "lết" lên sàn tập trong tình trạng đau nhức sẵn có.
Nếu chúng ta tập gym hay vận động thể thao, chúng ta có thể chỉ đau trong những lần đầu và khi quen dần, cảm giác đó sẽ mất đi.
Nhưng việc học múa thì khác, sinh viên sẽ liên tục được học những động tác mới và sự đau đớn diễn ra triền miên... chẳng biết đến khi nào mới có hồi kết.
Để có thể làm được những động tác này, các bạn sinh viên phải trải qua thời gian dài luyện tập.
Trước khi đôi chân có thể xoay ngang dọc như thế này, tất cả sinh viên đều phải hoàn thành bài tập ép xoạc.
Vì thời gian đào tạo hệ cao đẳng múa thường kéo dài từ 4,5 đến 6,5 năm nên rất nhiều sinh viên ở đây theo học nghề khi mới chỉ vừa 12-13 tuổi. Riêng Nhi đã làm quen với múa từ năm lên 6.
Khi lên hình, diễn viên múa thường béo hơn bên ngoài nên họ phải tuân thủ chế độ ăn kiêng khá khắt khe.
Chịu đau nhiều, cơ thể của họ dường như cũng chai sạn hơn bình thường. Vậy mà không một ai ở đây có thể quên kỉ niệm nhập môn với cú ép xoạc đau xé rách cơ thể.
"Cảm giác ấy rất kinh khủng, nó giống như 2 chân như bị xé rách khỏi cơ thể, đau đớn vô cùng", Nguyễn Đức Hiếu (SN 2000) tâm sự.
Lúc học động tác ép xoạc này, cậu mới chỉ vừa bước sang tuổi 13. "Lúc đó còn nhỏ, sức chịu đựng kém nên mình khóc toáng lên, đòi đi về, không muốn tiếp tục tập múa nữa".
Vậy mà cuối cùng, tình yêu múa đã kéo Hiếu ở lại. Đau đớn như vậy nhưng cậu cùng bạn bè không được nghỉ ngơi quá lâu, chỉ tạm ổn một chút, ngày hôm sau, họ lại phải tiếp tục học ép xoạc.
"Lần thứ 2 còn đau hơn lần 1 vì đôi chân mình vốn đã nhức nhối, hơn nữa còn bị áp lực tâm lý nữa".
Không chỉ sở hữu thân hình cân đối, diễn viên múa còn có gương mặt rất thanh thoát.
Để làm được động tác ép xoạc, Hạnh đã phải kiên trì học trong vòng 1 tháng.
Ép xoạc là bài tập bắt buộc 100% sinh viên cần vượt qua. Không thể học luôn trong một ngày, nhiều sinh viên phải học nó ròng rã 1 tháng, cứ mỗi lần lên lớp là phải đối mặt với động tác đớn đau ấy.
"Mất 1 tháng mình mới làm được động tác này. Các thầy cô bắt mình phải ép xoạc âm, tức là từ trên ghế, ép hai chân dang rộng cho tới khi cơ thể từ từ tiếp đất", Hạnh chia sẻ.
Không cần tả thêm, hẳn bạn cũng hình dung việc ép xoạc từ trên cao ấy đau đớn như thế nào. Thế nhưng cú ép ấy cũng chỉ là lần "xé cơ" đầu tiên.
Trong thời gian theo học ở trường, không ít lần các bạn sinh viên ở đây bị chấn thương hoặc trải qua những nỗi đau còn kinh khủng hơn thế.
"Có một lần mình tập với bạn diễn nhưng vì không ăn ý nên mình bị ngã, cả cơ thể rơi vào cổ chân làm giãn dây chằng. Chấn thương ấy đến giờ vẫn không thể khỏi hẳn và cứ mỗi lần trời trở gió là mình lại bị đau nhức", Thảo Nhi chia sẻ.
Riêng Hiếu lại có kỉ niệm khó quên khác khi chỉ vì động tác trồng cây chuối mà cậu bị chấn thương ở đầu tới mức mưng mủ, phải nghỉ mất 3 ngày.
Có lần vì luyện tập, Hiếu bị chấn thương ở đùi và đầu đau tới mức mưng mủ.
Trong khi đó, Nhi vì không ăn ý với bạn diễn mà bị giãn dây chằng ở cổ chân.
Và chuyện bị thương do bạn diễn không hiểu ý nhau xảy ra khá thường xuyên.
Đối với diễn viên múa, việc đau nhức cơ thể hay gặp chấn thương là chuyện hết sức bình thường.
Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè hay nghỉ lễ, Tết, khi tập luyện trở lại, cơ thể họ lại đau mỏi như lần đầu học múa.
Liên tục chịu đau, nhiều bạn trẻ thậm chí còn lo sợ tương lai khi về già, xương cốt sẽ yếu đi vì khi còn trẻ đã tập luyện quá nhiều.
Vậy nhưng nếu bảo họ bỏ múa để đi theo một con đường khác thì tất cả đều từ chối. Đơn giản vì múa là niềm đam mê, là tình yêu mà họ đã đánh đổi bằng biết bao mồ hôi và những giọt nước mắt đắng cay.
"Giống như việc bạn học chơi một nhạc cụ, khi chưa biết đánh thì chưa yêu cây đàn nhưng khi thành thạo rồi thì lại rất thích. Cứ mỗi lúc nghĩa đến chuyện biết múa rồi mà không được múa nữa, chân tay mình lại thấy bồn chồn, rụng rời và rất buồn", Nhi chia sẻ.