Điều ít biết về đời thực của “Biệt đội cảm tử” từng cứu châu Âu cách đây 30 năm

CTV Lê Ngọc |

Nhiều người đều biết về thảm họa xảy ra vào ngày 25/4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những người từng cảm tử ngăn chặn một vụ nổ thứ hai lớn hơn nhiều xảy ra.

Một thảm họa lớn hơn đang cận kề

Mười ngày sau vụ nổ chính, các kỹ sư có mặt đã biết về một mối đe dọa mới lớn hơn nhiều. Vụ nổ đầu tiên đã làm hỏng hệ thống làm mát bằng nước của nhà máy, khiến một vũng lớn hình thành bên dưới lõi hạt nhân đang tan chảy. Nếu lõi hạt nhân tiếp cận với bể nước đó, nó sẽ gây ra một vụ nổ hơi nước.

Các chuyên gia phân tích vấn đề này nói rằng, vụ nổ có thể có sức công phá 5 megaton. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy - tất cả hơi nước thoát ra sẽ tung các vật liệu bức xạ lên bầu trời và cuối cùng sẽ lan rộng ra toàn bộ châu Âu và Nga. Nhà vật lý Liên Xô Vassili Nesterenko nhận định rằng vụ nổ sẽ khiến Châu Âu không thể sống được.

Những công nhân dũng cảm

Để ngăn chặn điều này xảy ra, nguồn nước từ hệ thống làm sạch phải được đóng thủ công bằng cách vặn một van nằm trong một khoang bên dưới lõi hạt nhân đang tan chảy. Nguy hiểm là căn phòng này chứa đầy nước có mức phóng xạ cực cao. Đội lính cứu hỏa đầu tiên đến hiện trường vào ngày 25/4, khi vụ nổ xảy ra đều đã chết vào ngày thứ 10 và họ chỉ hoạt động ở gần các phần của lõi phát nổ.

Ba trong số các công nhân Nhà máy điện đã tình nguyện tham gia một nhiệm vụ đơn giản được hiểu là cảm tử. Họ biết rằng có ai đó phải làm việc này và đó là nhiệm vụ của họ với tư cách là công nhân của nhà máy. Họ được cảnh báo rằng rất có thể họ sẽ chết ở ngay dưới khoang do mức độ phóng xạ quá cao.

Các công nhân dũng cảm đó là Alexei Ananenko, Valeri Bezpalov và Boris Baranov. Cả ba đều tình nguyện thực hiện nhiệm vụ cảm tử này và đều được hỏi trước khi vào “cõi chết” là họ có muốn thay đổi quyết định hay không. Ananenko là người quan trọng nhất, bởi vì là người duy nhất trong ca trực biết chính xác vị trí của van. Mặc dù được trang bị các phương tiện chống bức xạ tốt nhất có thể, nhưng cơ hội sống sót đối với ba anh hùng này rất ít.

Tất cả những người xả thân được trang bị đèn pin để làm nhiệm vụ và được hứa rằng trong trường hợp họ chết, chính phủ sẽ chăm sóc gia đình họ vì họ là những anh hùng. Các nhân viên cứu hỏa cố gắng bơm một ít ra trước khi các người hùng tiến vào, nên nước chỉ ngập đến đầu gối. Tuy nhiên, việc tìm thấy chiếc van đó trong một hành lang đầy đường ống cùng những chiếc van khác giống như mò kim đáy bể.

Họ còn bị áp lực bởi thời gian, vì họ ở dưới đó càng lâu, thì tuổi thọ của họ càng ngắn lại hay cơ hội sống sót của họ càng ít. Ananenko đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng thật kỳ diệu khi họ tìm thấy van kịp thời, vì nhiều đường ống đã bị lệch do vụ nổ. Sau khi đóng được van xả nước, họ đi ra ngoài và rất vui khi được nhìn thấy Mặt trời. Các người hùng được đưa đến một phòng khử nhiễm.

Những người này đã trở thành anh hùng vì họ không chỉ cứu Chernobyl khỏi một vụ nổ tồi tệ nhất mà còn cho cả châu Âu. Nếu vụ nổ hơi nước xảy ra, nó sẽ giải phóng bức xạ nhiều hơn ít nhất 400 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II.

Điều gì đã xảy ra với các anh hùng?

Trong khi tìm hiểu về ba anh hùng này, tác giả đã rất ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều thông tin không chính xác viết về họ. Hầu hết các tạp chí và bài báo đều cho rằng họ đã chết vài giờ sau nhiệm vụ. Một số người nói rằng họ đã xoay được van, nhưng không ai sống sót và tất cả đều chết ngay trong buồng, bên dưới lõi hạt nhân đang tan chảy.

Sự thật có thể được tìm thấy trong cuốn sách “Chernobyl 01:23:40” của Andrew Leatherbarrow xuất bản năm 2016. Khi viết cuốn sách này, tác giả đã nghiên cứu rất nhiều và thậm chí tìm kiếm ba người anh hùng này. Tác giả thực sự ngạc nhiên là họ đã sống nhiều năm sau khi thực hiện nhiệm vụ cảm tử của mình.

Boris Baranov là người đầu tiên trong số ba người chết vào năm 2005 vì một cơn đau tim. Không rõ liệu bức xạ mà ông bị phơi nhiễm trong nhiệm vụ có liên quan gì đến cơn đau tim hay không, nhưng có lẽ không phải như vậy vì nhiều năm đã trôi qua. Vào năm 2015, Leatherbarrow nhận thấy Valeri Bezpalov khỏe mạnh và vẫn làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân.

Cập nhật mới nhất về Alexei Ananeko là vào đầu năm 2021 khi ông được phỏng vấn về sự hy sinh của mình. Ananeko cũng đã được ca ngợi công khai ở Ukraine vào mùa hè năm 2019, khi ông được tân Tổng thống Volodymyr Zelensky trao tặng huy chương Anh hùng Ukraine vì sự hy sinh và lòng dũng cảm mà ông thể hiện vào năm 1986.

Bất chấp những gì các chuyên gia đã nói nhiều năm trước về tác động sức khỏe của ba người, tất cả họ đều đã về già và không phát triển thêm tay chân nào. Một số người cho rằng vì họ đã có rất nhiều năm làm việc trong một nhà máy điện hạt nhân, họ có thể đã tựu tạo ra được một loại hệ thống miễn dịch nào đó đối với các bức xạ giúp họ sống sót vào ngày hôm đó.

Cũng giống như các nhân vật trong bộ phim “Suicide Squad”, bất chấp rủi ro trong nhiệm vụ, họ đã sống sót. Dù sao, hậu thế cũng phải bày tỏ lòng kính trọng đối với những anh hùng đó vì họ đã cứu vô số sinh mạng và tương lai của Châu Âu.

Liên Xô từng cố gắng che giấu quy mô của thảm họa Chernobyl

Hơn một tuần sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, ngày 4/5/1986, có 1.882 người bị thương phải vào bệnh viện. Ngày hôm sau, theo ấn phẩm "Chernobyl 20 năm trôi qua" của tác giả Chris Busby và Alexey Yablokov, tổng số bệnh nhân lên tới 2.757 người. Một ngày sau, 3.454 người đã đến các cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người trong số họ đã “phục hồi” một cách bí ẩn. Lý do “hồi phục” của họ nhanh chóng được tiết lộ khi tham khảo Nghị định thư số 9 ngày 8/5/1986, được đóng dấu “Mật”.

Theo tác giả Michael Fishkin, quy trình này có các tiêu chuẩn tiếp xúc bức xạ mới do Bộ Y tế Liên Xô thiết lập - các tiêu chuẩn mới đã vượt quá các thông số trước đó 10 lần. Đáng chú ý là có trường hợp các tiêu chí đã được Bộ Y tế phê duyệt cho phép tăng gấp... 50 lần. Ngoài ra, khi xác định các tiêu chuẩn mới về mức độ phơi nhiễm của người dân với bức xạ hạt nhân, không có sự chiếu cố nào đối với phụ nữ mang thai hoặc trẻ em.

Theo Alla Yaroshinskaya và nhiều nhà nghiên cứu khác, việc thay đổi định mức phơi nhiễm phóng xạ là do các nhà chức trách muốn che giấu quy mô của thảm kịch Chernobyl. Các nhà chức trách thực sự đã làm hết sức mình để tránh lan truyền thông tin về số lượng nạn nhân thực sự và các dữ kiện khác liên quan đến vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân để tránh hoang mang - điều chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề nếu mọi người biết sự thật./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại