Điều gì xảy ra với Apollo 13?

Thiên Lý |

Theo kế hoạch, đây là phi vụ đưa người đổ bộ lên Mặt trăng lần thứ ba nhưng rồi Apollo 13 lại trở thành đối tượng giải cứu của NASA.

Sự cố nghiêm trọng

Gần 56 giờ sau khi được phóng vào ngày 11/4/1970, Apollo 13 có nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng, thuộc Chương trình Apollo của NASA dường như suôn sẻ nhất từ trước đến nay. Con tàu mang theo các phi hành gia Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise, lúc đó bay một quãng đường, cách Trái đất khoảng 320.000km và đang tiến gần quỹ đạo của Mặt trăng.

Trước 9 giờ tối ngày 13/4, phi hành đoàn hoàn tất một buổi nói chuyện trực tiếp qua truyền hình với trung tâm điều khiển chuyến bay. Họ cho biết đã đi một vòng trên tàu và báo cáo việc điều khiển tàu trong tình trạng không trọng lực.

Chỉ huy Lovell, một hạm trưởng của Hải quân Hoa Kỳ, từng thực hiện 3 nhiệm vụ không gian khác trước đây (trong đó có Apollo 8), gửi lời chúc buổi tối tốt lành đến trung tâm, trước khi kết thúc buổi nói chuyện.

Tuy nhiên, không đầy 10 phút sau, sự cố nghiêm trọng xảy ra khiến sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng lần thứ ba của Chương trình không gian Hoa Kỳ phải chuyển sang cuộc chạy đua gấp rút nhằm cứu tính mạng các phi hành gia.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của pin nhiên liệu cấp nguồn điện cho hầu hết các thiết bị trong suốt chuyến bay, các phi thuyền Apollo đều mang hai bình hydro lỏng và hai bình oxy lỏng.

Cuộc điều tra sau đó của NASA cho thấy, bình oxy số 2 trên phi thuyền Apollo 13 đã vô tình bị rơi trong quá trình bảo quản, trước khi thực hiện phi vụ Apollo 10 năm 1969, gây hư hại nhẹ bên trong, nhưng cuộc kiểm tra sau đó không phát hiện ra.

Trong cuộc thử nghiệm vào tháng 3/1970, bình được lắp lại nhưng không thành công trong việc tự làm sạch oxy. Các kỹ sư quyết định giải quyết vấn đề bằng cách đun nóng nó suốt đêm để làm cháy hết oxy lỏng còn lại.

Tuy nhiên, sự đột biến của nguồn điện từ hệ thống cao áp DC trên mặt đất đã khiến các công tắc ngắt tự động trên bộ cấp nhiệt của bình bị hỏng và nhiệt độ tăng vọt lên hơn 500 độ C.

Mặc dù không có dấu hiệu trục trặc ở bên ngoài, nhưng sức nóng dường như làm hỏng lớp cách điện của hệ thống dây bên trong bình, biến nó thành một quả bom nổ chậm.

Và trong khi thực hiện nhiệm vụ, các phi hành gia trên phi thuyền Apollo 13 đã bật những cánh quạt bên trong bình nhiên liệu để “khuấy động” định kỳ oxy siêu lạnh, có xu hướng phân tầng hoặc lắng xuống thành các lớp.

Tuy nhiên, khi Swigert bật quạt ở bình oxy thứ hai trong đợt “khuấy động” vào tối ngày 13/4, những dây điện bị hỏng đã phát ra tia lửa, gây cháy. 9 giờ 8 phút tối đó, áp lực bên trong tăng mạnh làm bình phát nổ.

“Houston, chúng tôi gặp sự cố!”, Swigert báo cáo, sau khi nhận thấy một đèn cảnh báo cháy sáng, rồi nghe tiếng nổ vang lên từ bình oxy. 13 phút sau vụ nổ, Lovell nhìn qua cửa sổ con tàu và thấy một điều đáng lo khác.

“Chúng tôi đang xả một thứ gì đó vào trong không gian”, ông báo cáo, “đó là một loại khí”. Thì ra, do hai bình oxy được đặt cùng một nơi trên tàu, vụ nổ đã ảnh hưởng đến chiếc bình bên cạnh và nó bắt đầu rò rỉ oxy vào không gian.

Sứ mệnh “thất bại thành công”

Làm việc suốt ngày đêm tại bộ phận kiểm soát phi vụ ở Trung tâm tàu không gian có người lái (nay là Trung tâm không gian Johnson), Houston, Texas, nhóm điều hành và kỹ sư phụ trách chuyến bay thực hiện một loạt công việc mang tính khẩn cấp để đưa Lovell, Swigert và Haise trở về an toàn.

Họ ra lệnh cho phi hành đoàn đi từ mô-đun chỉ huy mang tên Odyssey vào mô-đun đổ bộ riêng biệt, Aquarius, trong khi chờ Houston xử lý sự cố. Nếu mọi chuyện đúng theo kế hoạch, Aquarius sẽ không được khởi động cho đến khi các phi hành gia sẵn sàng đáp xuống Mặt trăng.

Phi hành đoàn tắt các hệ thống không quan trọng trên tàu để giảm tiêu thụ điện năng, và cắt giảm mức tiêu thụ nước của họ để đủ làm mát thiết bị kim loại làm việc quá mức của mô-đun đổ bộ.

Khi phát hiện quá nhiều carbon dioxide hình thành ở Aquarius, bộ phận kiểm soát phi vụ hướng dẫn phi hành gia làm một “hộp thư” từ các túi nhựa, miếng bìa cứng và băng keo, để chứa lithium hydroxide (LiOH) có ở mô-đun chỉ huy. Dụng cụ tự chế này có khả năng lọc carbon dioxide khỏi Aquarius.

Ngày 17/4, sau khi chuyên viên kỹ thuật ở Houston thành công trong việc cung cấp năng lượng trở lại cho Odyssey, phi hành đoàn chuẩn bị các giai đoạn cuối cùng của chuyến trở về Trái đất tại mô-đun chỉ huy.

Mô-đun Aquarius nhỏ bé đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ thành công 3 phi hành gia trước khi tách ra khỏi tàu vũ trụ và rơi vô định vào bầu khí quyển Trái đất. Những gì còn lại của phi thuyền Apollo 13 cùng 3 phi hành gia đáp nhẹ nhàng xuống Thái Bình Dương vào vào 11 giờ 53 phút sáng cùng ngày.

Do có nhiều kinh nghiệm vô giá đạt được trong tiến trình giải cứu Lovell, Swiger và Haise, NASA đã xếp Apollo 13 như một sứ mệnh “thất bại thành công”.

Bắt đầu với Apollo 14, mỗi tàu không gian sẽ được cung cấp thêm một bộ pin, cũng như một bình oxy dự trữ thứ ba, đặt ở khu vực khác của mô-đun điều khiển, cách xa hai bình khác, có thể dùng riêng để cung cấp dưỡng khí cho các phi hành gia.

Chương trình Apollo (Project Apollo) của Hoa Kỳ được thực hiện từ năm 1961 - 1975, có nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng và trở về an toàn.

Ngoài Apollo 13 thất bại, có 6 phi vụ đưa người lên Mặt trăng thành công, Đó là: Apollo 11 (phóng ngày 16/7/1969), Apollo 12 (14/11/1969), Apollo 14 (31/1/1971), Apollo 15 (26/7/1971), Apollo 16 (16/4/1972), Apollo 17 (7/12/1972).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại