Điều gì xảy ra nếu một con voi đụng độ rắn hổ mang chúa, kẻ nào sẽ thắng?

Hoa Hướng Dương |

Cả hai đều là những động vật có môi trường sống khá tương đồng nên khả năng đụng độ nhau ngoài tự nhiên là có thể xảy ra.

Nếu như voi là loài động vật to lớn nhất trên cạn và gần như không có đối thủ thì rắn hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới, là loài rắn độc nguy hiểm duy nhất đủ sức để có thể giết chết cả một con trăn trưởng thành rồi ăn thịt.

Lợi thế của voi và hổ mang chúa

Trong tự nhiên, đơn cử như tại những khu rừng rậm nhiệt đới Indonesia hay Ấn Độ thì cả hai đều có môi trường sống tương đồng với nhau nên khả năng chúng có thể gặp nhau ngoài tự nhiên là rất cao, vậy nếu điều này xảy ra thì loài nào mới là kẻ chiến thắng?

Điều gì xảy ra nếu một con voi đụng độ rắn hổ mang chúa, kẻ nào sẽ thắng? - Ảnh 1.

Điều gì sẽ xảy ra khi rắn hổ mang chúa đụng độ với voi? Ảnh minh họa: Pinterest

a, Hổ mang chúa và vũ khí lợi hại nhất của nó: Nọc độc!

Rắn hổ mang chúa (danh pháp hai phần: Ophiophagus hannah) được cho là có khả năng giết chết một con voi trưởng thành chỉ sau vài giờ (theo “Snake Bite in Elephants and Ferrets" của bác sĩ Debra Bourne làm việc tại Sở thú Twycross, Anh).

Ngoài ra chúng còn có khả năng giết chết 20 đến 30 người lớn khỏe mạnh (nếu không được chữa trị) chỉ sau một vết cắn. Như vậy việc một con rắn hổ mang có khả năng giết chết một con voi trưởng thành không phải là điều không thể.

Tuy nhiên thực tế thì điều đó cũng không xảy ra một cách dễ dàng vì chúng ta đều biết voi có lớp da rất dày bao phủ (2,5 đến 3 cm, theo Elephant encyclopedia - Bách khoa Toàn thư về Voi), trong khi đó răng nanh của hổ mang chúa chỉ dài 8 đến 10 mm, theo Nationalzoo).

Điều gì xảy ra nếu một con voi đụng độ rắn hổ mang chúa, kẻ nào sẽ thắng? - Ảnh 2.

Hổ mang chúa có thể nâng cơ thể lên cao tới 1,5 m. Ảnh: Wayfair

Do đó việc xuyên thủng lớp da dày của voi để tiêm nọc độc vào bên trong là điều không hề dễ dàng, mặc dù vậy điều đó cũng không có nghĩa là voi không có điểm yếu vì lớp da ở một số bộ phận khác như sau tai, gần mắt, bụng, ngực hay vai của nó cũng chỉ mỏng như... tờ giấy.

Như vậy, để có thể giết chết một con voi thì hổ mang chúa phải tấn công vào những điểm yếu này. Với khả năng leo trèo rất giỏi thì hổ mang chúa hoàn toàn có thể tấn công vào những điểm cao trên cơ thể voi nếu như voi đang ăn lá cây, còn hổ mang chúa nằm vắt vẻo trên cành cao.

Còn khi ở dưới mặt đất thì hổ mang rơi vào thế hạ phong so với đối thủ của mình, khi ở thế tấn công thì nó sẽ nâng phần trước (thường là 1/3) cơ thể lên (cao khoảng 1,5 m) để chờ đợi cơ hội lao đến tấn công đối phương.

Nếu so với chiều cao của voi châu Á (2,7m, tên khoa học là Elephas maximus) thì việc tấn công vào những điểm yếu như ngực, bụng của voi là điều hoàn toàn có thể trong khả năng của rắn hổ mang chúa.

Xem video:

Điều gì xảy ra khi một con rắn hổ mang chúa đụng độ với đàn voi

b, Voi với vũ khí lợi hại không kém: Chiếc vòi đủ sức kéo cả một cái cây lên mặt đất

Về phía mình, voi cũng đâu dễ đứng yên cho rắn hổ mang thỏa sức tấn công, với chiếc vòi dài linh hoạt của mình thì voi hoàn toàn có thể quật chết rắn hổ mang chúa vì đây là một trong 8 nhóm cơ mạnh nhất của voi (gồm 150.000 bó cơ).

Theo trang Treehugger thì sức mạnh của chiếc vòi này có thể giúp voi quật ngã một cái cây lớn hay nâng một khối lượng khoảng 318 kg (khoảng 700 pound), do đó sẽ là không quá lời khi cho rằng hổ mang có thể dính đòn và chết chỉ sau một cú quật mạnh của đối thủ.

Như vậy, có thể thấy cả hai đều có thể đoạt mạng đối thủ của mình khi giáp công và khả năng chiến thắng đều được chia đều cho cả hai.

Liệu điều gì sẽ xảy nếu chúng đối đầu?

Nhưng khi xét đến tập tính của cả hai loài thì một trận chiến nảy lửa "năm ăn năm thua" đầy sinh tử lại là điều rất khó xảy ra vì voi là động vật cực kỳ thông minh (có khả năng ghi nhớ siêu phàm, hiểu ngôn ngữ cơ thể, biết sử dụng công cụ...).

Điều gì xảy ra nếu một con voi đụng độ rắn hổ mang chúa, kẻ nào sẽ thắng? - Ảnh 4.

Vòi voi là một trong 8 nhóm cơ khỏe nhất của voi. Ảnh: Business Insider

Chúng sẽ cảm nhận được mối nguy hiểm và thay vì lao vào "lấy thịt đè người" thì chúng sẽ đe dọa hổ mang chúa để hòng đuổi con rắn khỏi đường đi của chúng.

Trong khi đó, hổ mang chúa tuy là loài rắn cực kỳ nguy hiểm nhưng cũng sẽ cố gắng trốn thoát nhanh chóng và tránh đối đầu kẻ thù (theo Cornett, Brandon (2012): King Cobra – Ophiophagus hannah, Reptile Knowledge).

Vì thế khi nhận thấy mối đe dọa cảnh cáo từ voi thì con rắn sẽ "tránh voi chẳng xấu mặt nào" và mau chóng bỏ đi để tránh một cuộc chiến vô nghĩa (rắn hổ mang chúa không xem voi hay con người là thức ăn của chúng).

Kết luận: Nếu gặp nhau ngoài tự nhiên thì chúng sẽ tránh một cuộc chiến vô nghĩa, còn về lý thuyết thì cả hai đều có khả năng giết chết đối thủ của mình với khả năng như nhau.

Nguồn: Discovery UK, Nationalzoo, Nytimes, Treehugger

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại