Điều gì xảy ra nếu Ai Cập có được tên lửa Trung Quốc?

Quang Hưng |

Địa chính trị nhạy cảm của Ai Cập khiến quốc gia này gặp nhiều khó khăn trong việc mua vũ khí, bởi Mỹ và phương Tây luôn muốn ưu tiên cho Israel duy trì ưu thế quân sự trong khu vực.

Một báo cáo gần đây của Israel nêu bật khả năng Trung Quốc có thể cung cấp cho Ai Cập tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến, Guangdong Hongda HD-1A. Loại tên lửa này có tầm bắn khoảng 290 km, có thể được tích hợp vào phi đội Không quân Ai Cập, đặc biệt là với máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất.

Sự hợp nhất này sẽ mang lại cho Ai Cập lợi thế đáng kể trong việc triển khai sức mạnh trong khu vực. Trước đó, Ai Cập đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mua tên lửa SCALP-EG của Pháp để trang bị cho trên những chiếc Rafale, do Pháp chịu sức ép từ Israel và Mỹ nhằm ngăn cản Ai Cập sở hữu loại tên lửa này, để bảo đảm ưu thế quân sự của Israel trong khu vực.

Điều gì khiến Ai Cập quay lưng lại với phương Tây để bắt tay với Trung Quốc - Ảnh 1.

 

Mặc dù Ai Cập vẫn thành công trong việc mua tên lửa SCALP sau các cuộc đàm phán căng thẳng, tuy nhiên điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của nước này vào các nguồn vũ khí phương Tây.

Hợp tác với Trung Quốc

Tên lửa Guangdong Hongda HD-1A của Trung Quốc nổi bật nhờ khả năng nhắm mục tiêu chính xác và tầm bắn xa, khiến nó trở thành sự bổ sung cần thiết cho kho vũ khí của Ai Cập. Loại tên lửa này sẽ cung cấp cho Ai Cập khả năng răn đe nâng cao, mang lại khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược vượt xa tầm bắn của các hệ thống tên lửa hiện tại.

Với mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Ai Cập, thỏa thuận tên lửa tiềm năng này được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Cairo nhằm mở rộng các lựa chọn cung cấp vũ khí, đặc biệt là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây.

Điều gì khiến Ai Cập quay lưng lại với phương Tây để bắt tay với Trung Quốc - Ảnh 2.

 

Một khoảnh khắc đáng nhớ tại Triển lãm hàng không Chu Hải ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đáng kể, khi một mô hình máy bay chiến đấu Rafale của Pháp được trưng bày với hai tên lửa Guangdong Hongda HD-1A. Điều này đã gây ra sự suy đoán, một số người cho rằng đó là một chiêu trò tiếp thị được thiết kế để quảng cáo cho năng lực của Trung Quốc. Ban đầu, các chuyên gia coi đây là điều không thể xảy ra, với lý do là rào cản chính trị do mối quan hệ căng thẳng của Trung Quốc với các nước phương Tây.

Tuy nhiên, báo cáo của Israel đưa ra một kịch bản khả thi hơn với sự liên quan của Ai Cập, quốc gia này có thể bỏ qua các hạn chế của phương Tây để mua tên lửa Trung Quốc. Kịch bản này phù hợp với chiến lược của Ai Cập nhằm đảm bảo vũ khí tiên tiến từ các quốc gia không phải phương Tây, mở rộng quan hệ đối tác quân sự với các quốc gia như Trung Quốc.

Một số báo cáo gần đây cũng tiết lộ các cuộc thảo luận ngày càng tăng giữa Ai Cập và Italia, đặc biệt là về việc mua 24 máy bay Eurofighter Typhoon, trị giá khoảng 3 tỷ đô la.

Hơn nữa, Ai Cập cũng sắp bổ sung một số máy bay chiến đấu F-15 do Mỹ sản xuất vào đội bay của mình. Nếu các thỏa thuận này thành hiện thực, Không quân Ai Cập sẽ gia tăng đáng kể về năng lực chiến đấu, cùng với sự kết hợp của các máy bay cũ được thừa hưởng từ thời Liên Xô.

Điều gì khiến Ai Cập quay lưng lại với phương Tây để bắt tay với Trung Quốc - Ảnh 3.

 

Tuy nhiên, tương tự như thỏa thuận Rafale, Ai Cập có thể không nhận được toàn bộ gói khi mua Eurofighter Typhoon. Cả Pháp và Mỹ từ lâu đã do dự trong việc cung cấp cho Ai Cập các hệ thống vũ khí tầm xa, do cam kết duy trì lợi thế quân sự của Israel trong khu vực.

Mặc dù Israel có thể không phản đối việc bán Eurofighter Typhoon cho Ai Cập, nhưng có khả năng họ sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến tên lửa không đối không như Meteor hoặc các loại vũ khí tầm xa khác.

Vì vậy, việc Ai Cập tăng cường hợp tác với Trung Quốc là bước đi phù hợp. Một thỏa thuận liên quan đến tên lửa Guangdong Hongda HD-1A có thể trở thành hiện thực, củng cố thêm sự hợp tác quân sự của Ai Cập với Trung Quốc và thách thức sự thống trị của phương Tây trong khu vực.

Tên lửa Guangdong Hongda HD-1A

Guangdong Hongda HD-1A là tên lửa hành trình siêu thanh do công ty Guangdong Hongda Blasting Co. Ltd. của Trung Quốc phát triển. Đây là một phần của họ tên lửa dựa trên công nghệ được thiết kế từ tên lửa Bliskavka của Ukraine. HD-1A dài 5,7 mét, đường kính 375 mm và có trọng lượng phóng khoảng 1.200 kg.

Điều gì khiến Ai Cập quay lưng lại với phương Tây để bắt tay với Trung Quốc - Ảnh 4.

 

Hệ thống đẩy của tên lửa sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, cho phép nó đạt tốc độ lên tới Mach 3.5. Điều này cho phép tên lửa bay xa tới 290 km chỉ trong vài phút. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường hình ảnh hồng ngoại cho phiên bản phóng từ trên không và radar chủ động cho phiên bản phóng từ mặt nước (HD-1C), chủ yếu được thiết kế cho vai trò chống hạm.

HD-1A sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính với cập nhật GPS, đảm bảo độ chính xác cao với xác suất lỗi vòng tròn (CEP) là 20 mét, cải thiện thêm 10 mét khi được hỗ trợ bởi dẫn đường hồng ngoại. Đầu đạn là loại nổ phân mảnh nặng 240 kg, được thiết kế để gây thiệt hại đáng kể cho cả mục tiêu trên biển và trên bộ. Đầu dò của tên lửa nằm ở phía trước và được bổ sung các bề mặt điều khiển ở phía sau để ổn định đường bay.

Về mặt triển khai, HD-1A thường được phóng từ các bệ phóng trên không, còn biến thể phóng từ mặt đất (HD-1C) sử dụng hệ thống phóng bằng hộp chứa được gắn trên xe tải 10×10. Thiết kế này mang lại sự linh hoạt trong tác chiến với thời gian phản ứng nhanh. Phiên bản HD-1C phóng từ mặt đất có bộ tăng tốc để tăng tốc tên lửa lên tốc độ siêu thanh.

Hệ thống radar và cảm biến của HD-1A giúp tăng cường khả năng nhắm mục tiêu chính xác trong môi trường phức tạp, với xác suất tiêu diệt mục tiêu di chuyển trên biển chỉ bằng một phát bắn là 75%. Nhìn chung, HD-1A là hệ thống tên lửa có khả năng cao, kết hợp tốc độ, độ chính xác và tính linh hoạt cho cả vai trò tấn công trên biển và trên bộ.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại