Thuyền đi qua một vùng nước bị thu hẹp ở hồ Titicaca. Nguồn: Reuters.
Từ lâu, người ta đã bị thu hút bởi làn nước trong xanh và bầu trời rộng mở của hồ Titicaca trải dài hơn 3.200 dặm vuông (1 dặm vuông tương đương 2.590km vuông), qua biên giới Peru và Bolivia. Nó còn được mô tả là “biển nội địa”, là nơi sinh sống của hơn 3 triệu cư dân các cộng đồng bản địa Aymara, Quechua và Uros.
Theo các nhà khí tượng học, mùa hè 2023 với những đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến lượng nước bốc hơi tăng lên khiến mực nước hồ Titicaca giảm xuống. Sixto Flores - Giám đốc Cơ quan khí tượng và thủy văn quốc gia Peru cho biết, lượng mưa năm nay thấp hơn 49% so với mùa hè năm 2022. Nếu hồ vẫn tiếp tục bốc hơi với tốc độ như mấy tháng qua thì điều đó sẽ rất nghiêm trọng. Một nghiên cứu hình ảnh vệ tinh từ trong vòng 25 năm cho thấy hồ Titicaca đang mất khoảng 120 triệu tấn nước mỗi năm.
Jullian Huattamarca, 56 tuổi - cư dân sống bên hồ Titicaca nói, nước hồ đã giảm rất nhiều. Vùng Puno, bao quanh toàn bộ phía Peru của hồ Titicaca, từ lâu đã được biết đến là một khu vực kém phát triển và bị gạt ra ngoài lề xã hội của đất nước. Nếu như nước hồ cạn kiệt, du khách sẽ không đến, trồng trọt lẫn chăn nuôi cùng thất bát thì người dân còn khổ hơn nữa. Trong khi đó, bà Grinia Avalos - chuyên gia khí hậu học dự báo nền nhiệt ở khu vực này còn tiếp tục cao cho đến ít nhất là tháng 2 năm sau.
“Các cộng đồng địa phương phụ thuộc vào hồ Titicaca để mưu sinh, họ rất dễ bị tổn thương. Điều này nhấn mạnh tính cấp thiết giải quyết những thách thức đặt ra khi nước trong hồ bốc hơi mạnh hơn” - bà Grinia nói.
Mùa hè dữ dội năm 2023 được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu trong nhiều năm dồn lại, dẫn đến thời tiết cực đoan. Không chỉ hồ Titicaca mà nhiều dòng sông, nhiều hồ nước trên khắp thế giới bị cạn nước. Vấn đề làm gì để “Mẹ thiên nhiên” không nổi giận. Đã có nhiều lời kêu gọi, nhiều hành động chống biến đổi khí hậu. Nhưng thật đáng lo ngại là khí thải carbon xả vào không khí vẫn ngày một nhiều. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lượng khí thải carbon dioxide từ than đá tăng 1,6%; còn từ xăng dầu tăng 2,5% trong năm 2022. Tổng lượng khí thải carbon dioxide trong năm 2022 là 37 tỷ tấn, mức cao nhất từ khi đo được kể từ năm 1900.
Như vậy, các hồ nước, các dòng sông, các hồ nước không “bốc hơi” mới là chuyện lạ.