Đối với ngành hàng không, việc những chú chim xấu số lao vào bên trong động cơ máy bay có lẽ đã trở thành chuyện thường thấy.
Thậm chí, hiện tượng này còn có một danh từ riêng là "bird strike", và hàng năm khiến ngành hàng không Mỹ tiêu tốn khoảng 1,2 tỉ USD. Các sân bay cũng tốn rất nhiều công sức để đuổi chim ra khỏi sân bay trước và sau khi các chuyến bay cất cánh và hạ cánh.
Tuy nhiên, trong 1,2 tỉ USD thiệt hại nói trên đến chủ yếu đến từ việc các chuyến bay bị trễ hay bị hủy vì trong sân bay có quá nhiều chim. Còn thiệt hại liên quan đến hư hỏng của máy bay đến từ việc chim bay vào trong động cơ chỉ chiếm một phần trong đó mà thôi.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi những chú chim lao vào bên trong động cơ máy bay?
Đương nhiên, chú chim xấu số đó thường sẽ tan xương nát thịt. Còn động cơ máy bay thường là sẽ không hề hấn gì nếu như chỉ có một chú chim lao vào. Tuy nhiên, nếu quá nhiều chim bị hút vào trong động cơ máy bay, có thể dẫn đến việc động cơ bị hư hỏng. Nhưng may mắn thay, những chiếc máy bay vẫn có thể bay được kể cả khi chỉ còn một động cơ hoạt động.
Vì lý do này, xác suất xảy ra tai nạn do chim bay vào động cơ là rất thấp. Thống kê tại Mỹ cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015, có tổng cộng 160.894 vụ "bird strike" diễn ra, tuy nhiên chỉ có 0,025% trong số đó dẫn đến tai nạn (tức khoảng 40 vụ).
Mặc dù tỉ lệ dẫn đến tai nạn từ các vụ "bird strike" là rất thấp, nhưng ngành hàng không thế giới vẫn luôn phải tìm cách để giảm thiểu tối đa những sự vụ như vậy xảy ra. Chẳng hạn như trước khi máy bay cất cánh hay hạ cánh, sẽ có những chiếc xe với loa công suất lớn được huy động để đuổi chim ra khỏi sân bay.
Nhìn chung, quan điểm của ngành hàng không vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Nói cách khác, giữ máy bay và những chú chim cách xa nhau càng xa càng tốt. Thường thì giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10, khi mà những chú chim bước vào mùa di cư, cũng là mùa dễ xảy ra bird strike nhất, và cũng là mùa mà những "người đuổi chim" vất vả nhất.
Kể ra có cách nào đó cho những chú chim hiểu rằng nên tránh mấy con "chim sắt" khổng lồ càng xa càng tốt thì có lẽ sẽ tốt hơn nhỉ?