Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần?

Hằng Nguyễn/ Thiết kế: Mai Linh |

Khi một thông tin được lặp đi lặp lại nhiều lần, con người thường có xu hướng tin vào điều đó bất kể đúng hay sai.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào con người cũng đủ tỉnh táo để phân tích và đánh giá một sự việc. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi ngày, chúng ta đưa ra trung bình 35.000 quyết định. Với tất cả những lựa chọn cần thực hiện và khối lượng thông tin khổng lồ đưa đến trong mỗi giây, chúng ta không thể hy vọng có thể xử lý mọi thứ một cách kỹ càng như bản thân mong muốn.

Khách quan mà nói, mỗi người đều giữ một số lượng đáng kể những niềm tin mù quáng. Điều đó không liên quan đến vấn đề tư tưởng hay quan điểm khác nhau. Những niềm tin sai lầm có thể bắt nguồn từ một lý do đơn giản: Sự lặp lại.

Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần? - Ảnh 1.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman từng nói: "Một cách đáng tin cậy để khiến cho mọi người tin vào sự giả dối là lặp đi lặp lại bởi vì sự quen thuộc thì không dễ phân biệt thật giả" .

Nếu ai đó nói rằng mặt trăng được tạo nên từ phô mai thì chắc chắn sẽ chẳng ai tin cho dù có lặp lại nó bao nhiêu lần đi chăng nữa. Câu nói đó quá phi lý và đôi khi chỉ được dùng để lừa trẻ con.

Nhưng nếu nói về điều gì đó hợp lý hơn một chút thì sao? Ví dụ như, đá mặt trăng có cùng mật độ với phô mai cheddar? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thấy thông tin này xuất hiện nhiều trên Twitter, blog hay thậm chí là nghe từ bạn bè hoặc những người nổi tiếng trên mạng? Có vẻ đáng tin hơn rồi đúng không?

Đó cũng chính là cơ chế hoạt động của Hiệu ứng chân lý ảo tưởng - Illusory Truth Effect. Tất cả chúng ta đều có xu hướng tin điều gì đó là sự thật sau khi tiếp xúc với nó nhiều lần. Chúng ta càng nghe thấy nhiều lần, thì điều đó dường như càng chân thật hơn. Hiệu ứng này mạnh mẽ đến nỗi có thể thuyết phục con người ta tin vào những thông tin mà bản thân đã biết là sai ngay từ đầu.

Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần? - Ảnh 2.

Hiệu ứng chân lý ảo tưởng không hoạt động vì lợi ích của riêng nó. Suy nghĩ là quá trình rất mệt mỏi. Hãy nhớ rằng bộ não con người sử dụng khoảng 20% năng lượng của một cá nhân, mặc dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể của họ. Vì thế hiệu ứng này sinh ra nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng cho não bộ.

Sự lặp lại cũng có nghĩa là việc xử lý thông tin sẽ trôi chảy và dễ dàng hơn. Hiệu ứng này tương tự như khi chúng ta đọc một văn bản phức tạp. Việc đọc đi đọc lại nhiều lần sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn về nội dung. Thật vậy, khi một thứ gì đó "cộng hưởng với chúng ta", bộ não có xu hướng ít phản biện hơn. Nói cách khác, chúng ta hạ thấp cảnh giác và chấp nhận dữ liệu mà chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, vì điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần? - Ảnh 3.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, hầu hết mọi người đều quá quen thuộc với cụm từ "tin giả". Internet là nơi sản sinh ra những tin đồn thất thiệt, thuyết âm mưu và những lời nói dối trắng trợn mà không ai trong chúng ta có thể miễn nhiễm. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, với cùng số lượng người xem, những câu chuyện bịa đặt có khả năng tiếp cận và thu hút nhanh hơn sáu lần so với những câu chuyện thật và khả năng được chia sẻ lại cũng cao hơn tới 70%.

Không chỉ vậy, khi được yêu cầu đánh giá mức độ trung thực rõ ràng của các tin bài, người dùng mạng xã hội cho rằng những tin tức mà họ đã từng đọc chân thật hơn nhiều lần so với những tin tức mà họ chưa từng thấy trước đó.

Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần? - Ảnh 4.

Danielle C. Polage, trong bài báo với tựa đề "Làm nên lịch sử: Ký ức sai lệch về những tin giả", đã giải thích rằng một câu chuyện sai sự thật mà ai đó đã tiếp xúc nhiều lần có thể đáng tin hơn một câu chuyện thật mà họ nhìn thấy lần đầu tiên. Vì thế, với việc tin giả xuất hiện đầy rẫy và tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay, việc người dùng rơi vào hiệu ứng chân lý ảo tưởng là một điều dễ hiểu.

Việc lợi dụng hiệu ứng chân lý ảo tưởng để đưa ra những thông tin sai lệch có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Trên khắp thế giới, tin giả có xu hướng thúc đẩy các hành vi bạo lực. Ví dụ, vào năm 2018, tin đồn lan truyền trên WhatsApp đã gây ra một vụ giết người ở Ấn Độ. Khi đại dịch COVID19 lan rộng trên toàn cầu, các thuyết âm mưu đã khiến đám đông người biểu tình tuần hành phản đối các quy định về giãn cách xã hội và việc đeo khẩu trang.

Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó kể một câu chuyện sai sự thật quá nhiều lần? - Ảnh 5.

Không khó để thấy rằng, tin giả và hiệu ứng chân lý ảo tưởng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cách nhìn của mọi người về sự thật vốn đã mang tính chủ quan. Nó đã trở thành một vấn đề lớn đến nỗi chính phủ Vương quốc Anh phải thành lập một đơn vị chống tin tức giả để ngăn chặn vấn đề này. Cũng có nghĩa là khi rơi vào tay kẻ xấu, mạng xã hội sẽ trở thành một trong những công cụ nguy hiểm nhất mà chúng có thể sử dụng để tác động đến tâm trí con người.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tự bảo vệ mình trước những tin tức sai sự thật và việc bị lôi kéo bởi những lời tuyên truyền do hiệu ứng chân lý ảo tưởng?

- Kiểm tra độ tin cậy của nguồn thông tin trước khi đọc: địa chỉ trang, chức vụ hoặc chuyên môn của người viết,...

- Học cách vận dụng tư duy phản biện trong việc phân tích dữ liệu: Đánh giá tính trung thực của sự việc dưới góc nhìn khách quan và tránh bị chi phối bởi cảm xúc. Đưa ra những giả định và đặt câu hỏi liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề.

Nguồn: Fs.blog, Exploringyourmind, Thedecisionlab

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại