Báo chí Trung Quốc khắc họa ChatGPT như một công cụ tuyên truyền của phương Tây. Ảnh: China Daily
Đầu tuần này, China Daily đăng video tựa đề "Mỹ dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để phát tán thông tin sai lệch như thế nào", trong đó cho rằng ChatGPT là một công cụ tuyên truyền của Mỹ.
Video cho thấy ChatGPT trả lời câu hỏi về Tân Cương bằng cách nhắc đến các báo cáo cho rằng Trung Quốc lạm dụng nhân quyền đối với những nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Người dẫn chương trình gọi đây là "câu trả lời biên soạn hoàn hảo theo các luận điểm của Chính phủ Mỹ". Video cho rằng ChatGPT và các dự án AI khác là công cụ giúp Mỹ và phương Tây phát tán thông tin sai lệch trên diện rộng.
Đầu tháng này, hãng công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc tiết lộ dự án phát triển chatbot dùng AI mang tên Ernie . Baidu cho biết, họ phát triển công cụ này từ năm 2019 và sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ trong tháng 3 tới, để có thể chính thức ra mắt công cụ vào cuối tháng.
Theo tin của Reuters, Ernie sẽ ra mắt dịch vụ độc lập giống như ChatGPT hồi đầu, trước khi tích hợp vào công cụ tìm kiếm của Baidu. Không rõ lịch trình của Baidu có bị tác động bởi quyết định mới hay không.
Dù các công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng đi đầu trong mảng AI, đang có một số lo ngại rằng nước này có thể đi sau trong xu hướng phát triển những công cụ như ChatGPT.
Theo New York Times, việc ra mắt ChatGPT và sự phổ biến nhanh chóng của dịch vụ này "gây sốc và làm mất tinh thần" ở Trung Quốc, khiến các hãng công nghệ nước này sợ rằng Bắc Kinh có thể tụt lại phía sau vì sự kiểm soát của chính phủ đối với ngành công nghệ.
Sau nhiều tháng cắt giảm chi phí và giảm nhân sự, nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Alibaba và NetEase nay đang hối hả phát triển dự án tương tự, Financial Times đưa tin.