Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận "ngựa ô", đòi ngôi vô địch?i

Quế Nam |

Chỉ có 11,5 triệu dân, vậy mà đội tuyển Bỉ đang sở hữu một dàn hào thủ khiến mọi quốc gia đều phải ngưỡng mộ. Và World Cup 2018 là thời cơ vàng để thế hệ vàng ấy bước lên đỉnh cao.

1. Các HLV không được thích khái niệm "thế hệ vàng" lắm. Vì lịch sử cho thấy những đội bóng sở hữu "thế hệ vàng" thường chẳng đi đến đâu cả. Thế hệ vàng của Bồ Đào Nha chỉ có thể làm á quân EURO. Brazil 5 lần vô địch thế giới, nhưng hai thế hệ vàng của World Cup 1982 và World Cup 2006 thì thất bại thê thảm. "Thế hệ vàng" của đội tuyển Anh thì chỉ mang đến những tiếng thở dài.

Nhưng Roberto Martinez không ngại khi người ta bảo đội tuyển Bỉ của ông sở hữu "Thế hệ vàng". Trong khi các HLV cố giảm sự kỳ vọng của đội mình xuống, Martinez lại có xu hướng… nâng nó lên. Ông thích nhìn thẳng vào sự thật hơn là tránh né nó.

"Tất cả mọi người đều biết chúng tôi đang có một thế hệ vàng. Người ta sợ nó, và cũng thích nó. Nhưng chúng tôi sẽ không chối bỏ nó," HLV của đội tuyển Bỉ nói.

Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận ngựa ô, đòi ngôi vô địch?i - Ảnh 1.

Trong tay Roberto Martinez là đội hình mà bất cứ HLV nào trên thế giới cũng phải thèm khát.

Về mặt ngôi sao, Martinez hoàn toàn đúng. Trong khi Gareth Southgate đau đầu vì nhiều tuyển thủ của ông chưa có kinh nghiệm chinh chiến ở những đấu trường khắc nghiệt nhất, Martinez lại quá dư thừa những sự lựa chọn.

Ngay từ vị trí thủ môn, ông đã có thể chọn giữa Thibaut Courtois (Chelsea) và Simon Mignolet (Liverpool). Ở hàng thủ, ông có bốn cái tên đẳng cấp: Toby Alderweireld và Jan Vertonghen (đều của Tottenham Hotspur), Vincent Kompany (Manchester City) và Thomas Vermaelen (Barcelona) cạnh tranh cho hai xuất đá chính ở trung tâm hàng thủ.

Ở hàng tiền vệ, ông có Kevin De Bruyne (Manchester City), Mousa Dembélé (Tottenham), Marouane Fellaini (Manchester United), Axel Witsel và Yannick Carrasco (rất được các CLB hàng đầu châu Âu săn đón trước khi quyết định… sang Trung Quốc).

Trên hàng tấn công, Bỉ đang có Dries Mertens (chân sút chủ lực của Napoli), Eden Hazard (Chelsea), Romelu Lukaku (Manchester United) và Michy Batshuayi (không thành công ở Chelsea nhưng lại tỏa sáng rực rỡ ở Borussia Dortmund theo dạng cho mượn).

Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận ngựa ô, đòi ngôi vô địch?i - Ảnh 2.

Cả Kevin de Bruyne lẫn Lukaku đều là những ngôi sao đẳng cấp của Premier League.

Bỉ thậm chí xông xênh đến mức cho Radja Nainggolan ở nhà, bất chấp anh là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất châu Âu hiện tại. Tài nghệ của Nainggolan vừa giúp AS Roma vào đến bán kết Champions League mùa rồi.

2. Vì sao một quốc gia chỉ có 11,5 triệu dân lại có thể sản sinh ra một dàn hảo thủ hùng hậu như vậy? Họ đã làm điều đó như thế nào?

Khi Kompany gia nhập Man City vào tháng 8/2008, cầu thủ người Bỉ duy nhất từng thi đấu ở Premier League trước đó là Carl Hoefkens, trong màu áo của West Bromwich Albion. Lúc đó, Bỉ còn đứng ở vị trí thứ 27 trên BXH FIFA. Mười năm sau, cầu thủ Bỉ là trụ cột của nhiều CLB ở Anh và Bỉ (hiện đáng xếp thứ 3 trên BXH FIFA) sẽ đến Nga với tư cách là ứng viên vô địch.

Vậy điều gì đã diễn ra trong 10 năm qua? Câu trả lời: đội tuyển Bỉ phản ánh xã hội Bỉ, một quốc gia ngày càng mở cửa và trở nên đa sắc tộc. Kompany, Lukaku và Batshuayi đều có gốc gác Congo, nguồn gốc của Dembélé và Fellaini lần lượt ở Mali và Ma-rốc.

Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận ngựa ô, đòi ngôi vô địch?i - Ảnh 3.

Đa sắc tộc làm nên sự phát triển của ĐTQG Bỉ.

Và khi một quốc gia trở nên đa sắc tộc, nền bóng đá của quốc gia ấy cũng phát triển theo, bởi những cầu thủ nhập cư sẽ mang đến những luồng gió mới.

Pháp vô địch World Cup 1998 và EURO 2000 nhờ vào đội ngũ nhập cư nhiều hơn là dân Pháp chính hiệu, tiêu biểu là Zinedine Zidane, con của một gia đình nhập cư Algeria. Khi nói về thành công của đội tuyển Đức thời gian qua, Thủ tướng Angela Merkel luôn nhấn mạnh vào sự mở cửa của quốc gia này. Mirolav Klose, chân sút số một trong lịch sử, là một người gốc Ba Lan!

Nhưng thành công của Bỉ không chỉ đơn thuần là chuyện mở cửa. Hệ thống đào tạo của Bỉ thời gian gần đây cũng rất tiến bộ, được hiện đại hóa và cập nhật liên tục.

Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận ngựa ô, đòi ngôi vô địch?i - Ảnh 4.

Hazard là sản phẩm xuất sắc của hệ thống đào tạo trẻ cực kỳ hiệu quả.

Bob Browaeys, HLV của đội U16 Bỉ và là nhân vật quan trọng trong sự tiến bộ của bóng đá Bỉ thời gian qua, cho biết: "Chúng ta phải trở lại năm 1998. Năm ấy Bỉ đến World Cup và chơi một giải đấu thảm họa. Chúng tôi bị loại ngay từ vòng bảng và không có nhiều cầu thủ giỏi. Chúng tôi đã nói với nhau trong cuộc họp của Liên đoàn: chúng ta phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào mới là vấn đề.

Lúc ấy, chúng tôi không có chút tầm nhìn lẫn cách thức nào để phát triển những tài năng trẻ. Chúng tôi bèn nhìn quanh và nhìn thấy nhưng bài học từ Hà Lan và Đức. Hà Lan phát triển cầu thủ trẻ rất nổi tiếng, còn Đức thì từng vô địch World Cup.

Và thế là chúng tôi thiết lập những trường học ‘Topsport’, cho những cầu thủ trẻ tập thêm 4 bữa/tuần để khai quật tiềm năng của họ. Chúng tôi cũng phát triển một hệ thống nhận diện tài năng trẻ. Chúng tôi không lấy những người giỏi nhất ở tuổi 13, 14 mà chọn những người có tiềm năng nhất. Mertens, De Bruyne và Hazard đã được tìm ra theo cách đó".

Các cầu thủ tiềm năng dần trưởng thành, với sự phát triển khác nhau cả về trình độ lẫn sức vóc. Kompany và Lukaku, cao to lực lưỡng hơn hẳn các bạn cùng trang lứa ở đội trẻ Anderlecht.

Họ khoác áo đội một rất sớm và lên tuyển không lâu sau đó. Courtois và De Bruyne, cao nhưng không quá to, tiến bộ rất nhanh tại Genk. Những tài năng của Bỉ rời khỏi quốc gia từ rất sớm. Vermaelen, Vertonghen và Alderweireld cũng sang Aajx, Hazard và Kevin Mirallas sang Lille trong khi Dembélé đến Willem II.

Điều gì khiến những Lukaku, Hazard... khinh phận ngựa ô, đòi ngôi vô địch?i - Ảnh 5.

Người ta từng lo sợ những cầu thủ này sẽ bị "lạc trôi" giữa một rừng cầu thủ giỏi ở châu Âu. Nhưng họ không chỉ trụ được mà còn phát triển không ngừng. Lukaku đã chơi cho Anderlecht 98 trận trước khi được Chelsea chiêu một ở tuổi 18. Hazard đá 194 trận cho Lille rồi mới sang Chelsea ở tuổi 21. Nhờ thế, Martinez có trong tay một đội ngũ tuy rất trẻ nhưng lại rất giàu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

Đấy là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải ghen tỵ với Bỉ. Martinez không cần phải khiêm tốn hay giấu diếm cơn khủng hoảng thừa của mình. Đội ngũ này phải đặt mục tiêu cao nhất là vô địch. Bởi vì họ có đủ phẩm chất để vô địch. Vấn đề còn lại là tài năng của Martinez đến đâu, phẩm chất lãnh đạo của ông ra sao mà thôi.

World Cup 2018 sẽ là thời cơ vàng để "thế hệ vàng" của Bỉ bước lên đỉnh cao thế giới. Không vô địch sẽ là thất vọng. Thà là đặt mục tiêu cao như thế để còn phấn đấu và trấn áp đối thủ, thay vì cứ rụt rè tự nhận là ngựa ô.

Giao hữu quốc tế: Bỉ 3-0 Ai Cập

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại