Tiến sĩ Alan Gropman, chuyên gia nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ phân tích trên tạp chí National Interest rằng Triều Tiên sẽ không dám liều lĩnh tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường, bởi vì cái giá đánh đổi đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và cả đất nước Triều Tiên sẽ vô cùng thảm khốc.
Theo ông, những tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo họ Kim thời gian qua có lẽ giống như thông điệp trấn an cho người dân Triều Tiên hơn là lời đe dọa dành cho Mỹ.
Nhưng Gropman nhấn mạnh một mối đe dọa khác còn nghiêm trọng hơn điều này, đó là khả năng Bình Nhưỡng bán công nghệ hạt nhân cho những đối thủ thực sự nguy hiểm của Mỹ, và nhiều trong số đó Washington khó có khả năng ngăn cản được.
Không phổ biến vũ khí hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ từ năm 1945. Đây được xem là một chính sách khá thành công khi mà hiện nay trên thế giới chỉ có 8 quốc gia có năng lực hạt nhân và một nửa trong số đó không phải là kẻ thù của Mỹ. Điều dĩ nhiên đó là Mỹ và hầu hết các nước khác đều không mong muốn xuất hiện thêm bất kỳ nước nào sở hữu công nghệ hạt nhân nữa.
Các đồng minh của Mỹ như Pháp và Israel đã đạt được những bước tiến đột phá về kỹ thuật hạt nhân mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ Washington.
Giờ đây, Triều Tiên cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công nghệ hạt nhân và luôn thể hiện tham vọng trở thành một quốc gia sở hữu năng lực hạt nhân.
Lãnh đạo Kim Jong Un trong sự kiện tôn vinh các nhà khoa học Triều Tiên đóng góp cho cuộc thử nghiệm bom H ngày 3/9 (Ảnh: KCNA)
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông Gropman tin rằng sở dĩ Bình Nhưỡng không dám phát động chiến tranh hạt nhân chống lại Mỹ bởi e ngại "đòn đáp trả quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo" từ quân đội Mỹ/đồng minh, như tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng James Mattis.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không bán công nghệ hạt nhân cho các kẻ thù của Mỹ nhằm thu lợi để xây dựng quân đội và làm giàu cho ngân sách của mình.
Kể từ vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hôm 3/9, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lặp lại đe dọa sử dụng vũ lực. Ông Trump cảnh báo Bình Nhưỡng "sẽ có một ngày rất buồn" nếu Mỹ tấn công quân sự, dù ông nói Mỹ không muốn lựa chọn phương án này.
Bên cạnh đó, đối tác then chốt và đồng minh trong quá khứ của Triều Tiên là Trung Quốc cũng đã không ngần ngại đe dọa sẽ không đứng về phía Bình Nhưỡng nếu nước này đơn phương phát động chiến tranh với Mỹ.
Vấn đề tiếp theo có lẽ sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu Triều Tiên có ý định chuyển giao công nghệ. Tiến sĩ Alan Gropman đánh giá, ông Kim Jong Un có thể là lãnh đạo cứng rắn và bảo thủ, nhưng ông "không phải một kẻ đánh bom liều chết".
Triều Tiên có GDP bằng khoảng 60% GDP của Iceland nhưng lại có dân số gấp tới hơn 50 lần. Khi quyết định theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã chấp nhận đầu tư một khoản chi phí khổng lồ, tiêu tốn nhiều nguồn lực quý giá.
Việc đem bán công nghệ hạt nhân trong trường hợp này có thể là một lựa chọn chiến lược nhằm bảo vệ nền kinh tế vốn đã rất mỏng manh trước những đòn trừng phạt nặng nề từ Mỹ, trong khi Trung Quốc cũng buộc phải siết chặt cấm vận và viện trợ đối với Triều Tiên do bị ràng buộc bởi các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Triều Tiên lấy nguồn thu ở đâu để chi cho chương trình vũ khí hạt nhân tốn kém của mình trong khi gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài sẽ luôn là một chủ đề nóng bỏng và làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược Mỹ.
Gropman cho rằng ngăn chặn Triều Tiên bán công nghệ hạt nhân ra bên ngoài không phải là điều dễ dàng với Mỹ và đồng minh trong thời điểm hiện nay.
Để làm được việc này cần phải áp dụng đồng bộ tất cả các công cụ trong chiến lược an ninh, bao gồm 4 thành tố ngoại giao, truyền thông, quân sự và kinh tế. Và tất cả những sự chuẩn bị trong thời gian gần đây của Mỹ có lẽ cũng chỉ nhằm ngăn chặn nỗ lực phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mà thôi.