Điều gì đằng sau cổ phiếu Sacombank âm thầm tăng mạnh?

Hoàng Trung |

Từ đầu tháng 12 tới đây cổ phiếu Sacombank tăng vọt cả về điểm số lẫn khối lượng giao dịch.

Tính từ đầu tháng 12/2016, cổ phiếu STB đã tăng giá 21%. Đây là mức tăng gây bất ngờ đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chung không mấy sáng sủa và nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn liên tục bán ròng.

Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 16/12/2016 chứng kiến một phiên giao dịch bùng nổ khối lượng giao dịch của cổ phiếu STB với gần 21 triệu cổ phiếu tự do chuyển nhượng, cao gấp nhiều lần so với bình quân những phiên giao dịch trước đó. Cổ phiếu này cũng ghi nhận mức tăng giá 2,5% lên 8.200 đồng/cổ phiếu.

Trong 2 phiên giao dịch gần nhất, STB tiếp tục tăng giá với thanh khoản cao hơn bình quân. Đáng chú ý là phiên giao dịch ngày 28/12, STB ghi nhận mức tăng giá 5,81%, giá trị giao dịch đạt 33 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Điều gì đằng sau cổ phiếu Sacombank âm thầm tăng mạnh? - Ảnh 1.

Sự bùng nổ cổ phiếu của STB trong thời gian gần đây khiến dư luận bắt đầu bàn tán về đổi chủ cho ngân hàng này.

Nguyên nhân là tại một sự kiện mới đây, khi được hỏi về khả năng quay trở lại ngành ngân hàng, ông Đặng Văn Thành, cựu chủ tịch Sacombank đã để ngỏ khả năng này khi nói: “Với bức tranh ngành ngân hàng như hiện nay, tôi nghĩ nên trở lại để dốc sức cùng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 phát triển nền kinh tế."

Hiện NHNN đang tiếp quản Sacombank thay ông Trầm Bê kể từ sau khi Southern Bank sáp nhập vào Sacobank.

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng cần có nguồn lực bên ngoài tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng yếu kém thay thế nguồn lực nhà nước.

Điều này khiến nhiều người cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn về sở hữu tại Sacombank trong thời gian tới thông qua việc mua gom cổ phiếu trên sàn. Dù vậy, đây cũng chỉ là những giả định chưa có cơ sở.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Sacombank trong 9 tháng đầu năm nay thực sự không có điểm gì nổi bật so với các ngân hàng khác, thậm chí là "bê bết" hơn rất nhiều.

Bộ phận phân tích Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, rủi ro từ một lượng lớn các khoản nợ xấu tiềm tàng là nguyên nhân khiến Sacombank khó có thể giải quyết hết các vấn đề trong tương lai gần.

Theo VCSC, các khoản cho vay khách hàng của STB có rủi ro cao do tỷ lệ nợ xấu cao tại PNB trước khi sáp nhập. Các khoản cho vay khách hàng nhận từ Ngân hàng Phương Nam (PNB) chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, con số nợ xấu tại Sacombank có thể cao hơn nhiều so với con số trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn tại Sacombank, theo báo cáo tài chính quý III/2016, tỷ lệ này ở mức 62,2% cho thấy Sacombank đang ra sức cơ cấu lại nợ vay để tránh nghĩa vụ trích lập dự phòng.

9 tháng đầu năm nay, Sacombank phải vật lộn với nợ xấu tăng mạnh do sáp nhập với PNB đã khiến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tăng chậm, chỉ đạt 4,9% so với mức tăng 20% của MB Bank và 18% của ngân hàng ACB.

Qua đó tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của STB chỉ đạt 1,86%. Và mặc dù ghi nhận 459 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm nhưng chỉ số thu nhập trên mỗ cổ phần (EPS) của STB vẫn âm do khoản lỗ 521 tỷ đồng trong quý IV/2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại