Một cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á đã trải qua năm 2022 đầy thách thức, một năm mà nền kinh tế toàn cầu kỳ vọng phục hồi sau những tác động xấu của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine bùng phát cùng với trở ngại của chuỗi cung ứng, các biện pháp phong tỏa vì COVID-19 tại Trung Quốc, lạm phát tăng mạnh và nhiều vấn đề khác đã giảm triển vọng tăng trưởng và gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát cũng khiến một số đồng tiền châu Á mất giá so với đồng bạc xanh Mỹ. Điều này làm trầm trọng thêm rắc rối về nợ của một số quốc gia, làm giảm sức mua và khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất tương ứng để hỗ trợ đồng nội tệ.
Chi phí nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của một số quốc gia và gây ra khủng hoảng kinh tế. Tại Nam Á, Sri Lanka và Pakistan nhận được hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi rơi vào cảnh nợ nần và gặp khó khăn trong cán cân thanh toán quốc tế.
Các nền kinh tế ASEAN đối mặt với những cơn gió ngược
Gạo được bày bán tại một siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia dự đoán môi trường kinh tế năm 2023 sẽ đầy thách thức trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc đều giảm. Ngân hàng Thế giới, IMF và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều đã hạ dự báo tăng trưởng cho châu Á.
Theo dự đoán, các nền kinh tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia... sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt do quá trình mở rộng toàn cầu chậm hơn. Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) nhận định rằng tăng trưởng trong ASEAN sẽ bị kéo xuống do nhu cầu bên ngoài yếu đi và điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn. Bà Alicia Garcia-Herrero lưu ý: “Khi nhu cầu bên ngoài yếu đi, xuất khẩu bắt đầu sụt giảm. Và chúng tôi dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục suy yếu trong năm tới”.
Nhà kinh tế học Rajiv Biswas tại S&P Global Market Intelligence có cùng quan điểm. Ông nói rằng xuất khẩu của các nước ASEAN sẽ đối mặt trở ngại trong năm 2023 với nguy cơ Mỹ cùng EU suy thoái và nhu cầu của Trung Quốc giảm. Ông Rajiv Biswas nhấn mạnh: “Các nền kinh tế ASEAN như Malaysia, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng kinh tế vừa phải vào năm 2023, nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục mở rộng, mặc dù ở mức vừa phải”.
Nới lỏng hạn chế COVID-19 sẽ thúc đẩy Trung Quốc?
Dự báo Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chậm vào năm 2023. ADB gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng của nước này từ 4,5% xuống 4,3%.
Nền kinh tế của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 cũng như cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, với việc các nhà phát triển vỡ nợ và gặp khó khăn trong huy động vốn sau khi Bắc Kinh áp đặt hạn chế cho vay rộng rãi vào năm 2020.
Bắc Kinh đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cắt giảm lãi suất chủ yếu và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, Trung Quốc trong tháng này đã từ bỏ chính sách zero-COVID sau thời gian liên tục đóng cửa, xét nghiệm hàng loạt, cách ly kéo dài và hạn chế người dân đi lại.
Có kỳ vọng rằng khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp đối phó dịch nghiêm ngặt, nhu cầu nội địa sẽ phục hồi. Điều này cũng sẽ có lợi một số quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan.
Bà Alicia Garcia-Herrero nói: “Lượng khách du lịch của các nước ASEAN vẫn chưa đạt mức trước khi COVID-19 bùng phát do thiếu khách du lịch Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng khách du lịch Trung Quốc sẽ quay lại ASEAN nhiều như trước khi COVID-19 bùng phát, nhưng có mong đợi rằng sẽ xuất hiện đợt tăng nếu Trung Quốc mở cửa”.
Ông Biswas chỉ ra rằng việc mở lại biên giới ở nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2022 đã cho phép khởi động lại dần dần du lịch quốc tế. Ông dự đoán: “Động lực dự kiến tăng lên đáng kể trong năm 2023 tại các nền kinh tế có ngành du lịch quốc tế lớn như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines".
Nền kinh tế Ấn Độ sẽ đi ngược xu hướng?
Người dân đếm tiền tại một khu chợ ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và thương mại toàn cầu giảm tốc. Trong khi đó, giá dầu thô và khí đốt tăng cao đã góp phần ảnh hưởng cán cân thương mại. Lạm phát tiêu dùng liên tục vượt quá phạm vi mục tiêu 2-6% của ngân hàng trung ương. Diễn biến này buộc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ phải tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2022, đẩy chi phí đi vay lên mức trước đại dịch.
Ông Biswas đánh giá: “Dự báo trong năm tài chính 2023-2024, kinh tế tiếp tục tăng ở mức 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với việc thiết lập chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và nhu cầu bên ngoài yếu hơn sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế”.
Bà Garcia-Herrero cho biết Ấn Độ phải đối mặt với một số thách thức trong năm tới như các điều kiện thanh khoản chặt chẽ hơn, xuất khẩu suy yếu và đà tăng trưởng giảm tốc. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2023 sẽ giảm xuống 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 là 6,9%”.
Các công ty đa dạng hóa nơi đầu tư
Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023 để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng như từng xảy ra trong năm nay cũng như do bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây. Một số quốc gia ASEAN có thể sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.
Bà Garcia-Herrero cho biết: “Dữ liệu về tổng dòng vốn FDI cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia gia tăng năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc dần dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19, mang lại đòn bảy không chỉ cho dòng vốn chảy vào mà còn cả nhu cầu về số lượng nhân công cho khu vực ASEAN và Ấn Độ".