Liên quan đến những thông tin vụ giáo viên ở TX.Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) được huy động để đi tiếp khách ở một lễ hội và hát karaoke cùng khách, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng:
"Trước hết, phải thấy làm giáo viên thì phải thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục, đó chính là dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Còn làm những việc như đi tiếp khách, làm lễ tân như vậy là phi giáo dục".
"Có những lúc cần thiết thì phải điều động như cứu hộ, cứu nạn, thiên tai nhưng bình thường mà điều động giáo viên đi làm những việc không đúng với chức năng của một nhà giáo như đi tiếp khách thì đó là hành động rất phản cảm.
Dù có biện hộ bằng cách nào thì cũng không thể chấp nhận được bởi ở huyện nào chả có bộ phận lễ tân, văn phòng. Trong trường hợp thiếu người phục vụ thì đề nghị với bộ phận văn phòng của các xã, các thị xã, huyện bên cạnh.
Bản thân giáo viên không phải là người đi tiếp khách, đi làm lễ tân mà phải tập trung cho giáo dục.
"Việc để cho người ta đi hát karaoke cũng là không thể chấp nhận được", ông Tiến khẳng định lại một lần nữa.
Còn PGS,TS.Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Nói chung, giáo viên ở địa phương thì có thể tham gia những hoạt động chính trị - xã hội khi được vận động hoặc mời.
Nhưng các lãnh đạo Phòng GD&ĐT, địa phương nên cân nhắc nên mời giáo viên tham gia vào những hoạt động nào có ích đối với họ hơn thì có lợi hơn".
PGS,TS.Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Thanh Hùng/PNVN)
Trong việc đi hát karaoke cùng khách, theo ông Nhĩ, đã có các khách sạn, nhà hàng, các đoàn nghệ thuật thì tốt hơn là huy động giáo viên.
Trước việc ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh nói rằng rằng việc đi hát karaoke là không ép buộc, ông Nhĩ cho biết ông không tin việc giáo viên đi hát karaoke cùng khách là tự nguyện bởi tự nguyện thì họ sẽ không bao giờ tỏ ra bức xúc về việc họ đi hát cả.
"Theo tôi, là người trong nghề, tôi thấy phần lớn nhà giáo ít khi tham gia chuyện hát hò, chơi bời. Đối với những sự việc nào mang tính giáo dục thì họ sẽ tự nguyện", ông Nhĩ chia sẻ.
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói:
"Người nào làm nghề nào thì hãy để cho người ta làm tốt, cho có tính chuyên nghiệp. Nghề làm giáo viên thì hãy để cho người ta dạy học. Người làm văn phòng hay lễ tân thì để cho người ta tiếp khách.
Các cụ có nói "dụng nhân như dụng mộc". Vậy thì dùng người phải dùng đúng việc mới có hiệu quả, không gây ra những sự phản cảm. Tất cả mọi sự lạm dụng quyền lực, hoặc bất kỳ một sự lợi dụng nào đều không tốt", ông Chức nói thêm.