Điều động 10.000 binh sĩ tới quần đảo Kuril, Nga chỉ dọa Nhật Bản?

Minh Thu |

Bộ trưởng Quốc phòng Nga từng tuyên bố nước này có ý định triển khai một sư đoàn tới quần đảo Kuril ngay trong năm nay.

Song, khả năng Nga chỉ muốn dọa Nhật Bản bởi việc điều động số lượng lớn quân nhân với Moscow hiện dường như không thể.

Bộ Quốc phòng Nga đang có kế hoạch điều động thêm một sư đoàn tới quần đảo Kuril, nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo, ngay trong năm 2017. Theo tạp chí The Diplomat, đây là tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra trước Quốc hội nước này hôm 22/2.

"Chúng ta sẽ hoàn thành việc triển khai 3 sư đoàn tới khu vực phía tây và tây nam biên giới. Đây là lực lượng đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Kuril và một sư đoàn sẽ được điều động tới đây ngay trong năm nay", ông Shoigu nói.

Quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc bao gồm các đảo Shikotan, Kunashiri, Etorofu và hòn đảo nhỏ Habomai.

Khu vực này nằm trên biển Okhotsk ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Quần đảo Kuril bị Liên Xô cũ chiếm đóng từ năm 1945 và kể từ đó, khu vực này trở thành nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản.

Ngay sau Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố điều động một sư đoàn tới quần đảo Kuril, đại sứ Nhật Bản tại Nga, ông Toyohisa Kozuki đã bày tỏ sự không hài lòng.

Còn trong buổi họp báo hôm 23/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga nhấn mạnh việc Nga tăng cường lực lượng quân sự tới Vùng lãnh thổ phương Bắc là một điều "đáng tiếc và gây ảnh hưởng tới Nhật Bản".

Về phần mình Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho biết bà sẽ thảo luận với những người đồng cấp Nga về các kế hoạch quân sự ngay bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Cuộc họp này sẽ diễn ra tại Tokyo vào ngày 20/3 tới với sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước.

Trong vòng 2 năm qua, Nga đã từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự ở quần đảo Kuril như triển khai các hệ thống tên lửa ngay tại bờ biển và cả các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Cụ thể, Nga đã cho lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E trang bị tên lửa chống hạm Kh-35 với tầm bắn từ 130 – 300 km.

Ngoài ra, Moscow còn cho triển khai tổ hợp tên lửa bờ biển K-300 trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks với tầm bắn tối đa là 600 km.

Thậm chí, Hải quân Nga đang cân nhắc triển khai một căn cứ không quân hoạt động lâu dài ngay trên quần đảo Kuril để phục vụ Hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo Diplomat, kế hoạch triển khai thêm hàng ngàn binh sĩ tới quần đảo Kuril lại dường như "không có cơ sở".

Thứ nhất, theo phân tích của Viện Jamestown Foundation, việc điều động một sư đoàn mới tới quần đảo Kuril như lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu có thể giống như mô hình dưới thời Liên Xô cũ.

Cụ thể, trong thời bình, Nga có thể cho triển khai khoảng 500 sĩ quan cùng 100 binh sĩ tới đây thay vì đưa cả một sư đoàn 10.000 người. Bởi thực tế, trong cả năm 2016, Nga cũng chỉ bổ sung hơn 10.000 binh sĩ vào các lực lượng vũ trang.

Thứ hai, tuyên bố của ông Shoigu cũng chỉ nhắc tới việc tăng quy mô Sư đoàn Pháo binh súng máy số 18 của Nga, đơn vị đảm nhận trọng trách bảo vệ quần đảo Kuril.

Theo giới truyền thông Nga, sư đoàn này gần đây đang được nâng cấp với những thiết bị quân sự mới như các hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm. Phần lớn hoạt động của sư đoàn 18 đang diễn ra ở đảo Iturup, hòn đảo lớn nhất và ở cực bắc quần đảo Kuril.

Thứ ba, cho tới này chính phủ Nga vẫn chưa có thông báo xác nhận nước này dự định điều động thêm các lữ đoàn tới quần đảo Kuril để thiết lập một quân đoàn toàn diện. Hiện tại, Lục quân Nga vẫn đang duy trì hoạt động của sư đoàn có từ 4.000 – 5.000 quân.

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt binh sĩ cùng việc dồn sự tập trung vào khu vực biên giới gần các quốc gia phương Tây khiến hoạt động triển khai các lữ đoàn đủ năng lực sẵn sàng chiến đấu là điều dường như không thể đối với Nga trong thời điểm hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại