Đã qua tuổi thi Đường lên đỉnh Olympia cũng lâu và không có thời gian ngồi xem các vòng thi tuần, tôi và gia đình vẫn giữ thói quen xem Chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 là màn tranh tài giữa bốn thí sinh gồm Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học - Thừa Thiên Huế), Nguyễn Nguyên Phú (THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội), Trần Trung Kiên (THPT Lê Hồng Phong - Phú Yên) và Nguyễn Quốc Nhật Minh (THPT Chuyên Hùng Vương - Gia Lai).
Phải nói rằng khoảnh khắc Phú Đức giành chiến thắng khiến tôi vô cùng hào hứng. Phú Đức đã chơi tốt từ đầu đến cuối cuộc thi và cách em thi triển chiến thuật ở câu hỏi cuối cùng càng khiến cuộc thi thêm kịch tính. Trước câu hỏi cuối cùng, Phú Đức đang hơn người về nhì 20 điểm. Đức biết rằng nếu thí sinh trả lời câu hỏi cuối cùng không trả lời được và em giành quyền trả lời thì dù trả lời sai cũng chỉ mất 15 điểm - vẫn hơn 5 điểm so với thí sinh về nhì Nguyên Phú. Trong khi nếu để cơ hội trả lời cho Nguyên Phú và Phú trả lời đúng, Phú Đức sẽ tuột mấy ngôi quán quân.
Đó là một tính toán có chiến thuật để người xem nhận ra một điều rằng, Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi chỉ với một người chiến thắng chung cuộc - dù tôi cũng tin rằng mỗi thí sinh vào vòng chung kết đã là những người chiến thắng rất xuất sắc và các em đều xứng đáng được ngợi khen.
Song, tôi cũng ngạc nhiên khi trên Facebook xuất hiện rất nhiều người, trong bình luận cũng có hay các bài đăng riêng cũng có, chỉ trích chiến thắng của Phú Đức. Họ nói rằng Phú Đức đã chơi tiểu xảo để giành chiến thắng.
Phú Đức không “đạp" thí sinh nào xuống để giành chiến thắng, Phú Đức không chạy sang phá chuông của thí sinh tạm thời đang về nhì Nguyên Phú, Phú Đức cũng không khiến các thí sinh khác xao nhãng bằng bất cứ hành động hay có lời nói nào không phù hợp, tại sao lại gọi đó là tiểu xảo?
Những bình luận so đo với một đứa trẻ 17 tuổi của một số ít người trên mạng xã hội khiến tôi nhớ tới câu nói của nhà văn người Đức Herman Hesse: “If you hate a person, you hate something in him that is part of yourself". Dịch thoáng ra rằng, nếu bạn ghét một con người, thực ra bạn đang ghét những tính cách bạn cũng thấy trong chính mình.”
Mỗi người khác là một tấm gương mà khi soi vào họ, bạn sẽ nhìn thấy chính mình, với một đặc điểm nào. Chúng ta chỉ nhìn thấy ở người khác những điều phản ánh con người mình. Vì sao ư? Vì mỗi người luôn coi bản thân mình là trung tâm và chúng ta sẽ nhìn thấy những điểm tương đồng trước khi chịu khó nhìn xa ra để thấy điều khác biệt. Một cách vô thức, điểm xấu chúng ta thấy ở người khác, điều chúng ta ghét ở họ cũng là điều chúng ta thấy ở bản thân mình - đôi khi chúng ta phủ nhận hoặc không nhận ra.
Tôi hiểu rằng đôi khi tôi ghét những điều không hoàn hảo ở bản thân. Việc tôi cố quên đi bản thân mình có những điều không hoàn hảo đôi khi thất bại khi thấy điều đó ở những người xung quanh (hoặc tôi tự giả định điều họ làm hoặc con người họ giống con người tôi). Chỉ trích phê phán người khác vì những điều không hoàn hảo bạn thấy trong chính bản thân mình là một cơ chế phản vệ - thay vì ghét chính bản thân mình, bạn đi ghét người khác với “thói xấu" giống như mình.
Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi chỉ có một người chiến thắng chung cuộc chứ không phải một sân khấu để diễn những hoạt cảnh cảm động, nhường nhịn của các thí sinh. Những người phản đối kỳ vọng điều gì? Rằng thí sinh sẽ nhường nhau từng câu một? Rằng một người đang dẫn đầu cuộc thi bỗng một lý do gì mà trao cơ hội cho người về nhì để chiến thắng?
Tôi từng nhớ nhiều người không thích Đường lên đỉnh Olympia vì cho rằng cuộc thi không đánh giá được độ thông minh hay năng lực tư duy của các bạn học sinh, chủ yếu thi xem ai có khả năng ghi nhớ kiến thức với nhiều câu hỏi mang tính học thuộc lòng, giống các câu hỏi trong những cuộc thi đố vui kiến thức thường thức. Phú Đức không chỉ chứng tỏ bản thân là một thí sinh có lượng thông tin kiến thức phong phú mà còn cho khán giả thấy được năng lực tư duy, khả năng thi đấu rất chiến lược với chiến thuật thông minh để chắc chắn giành chiến thắng. Liệu điều đấy không phải mong muốn của nhiều người hay sao?
Và đấy mới chính là thực tế các bạn học sinh trung học sẽ phải trải qua khi bước vào cuộc sống trưởng thành: Thông minh hay có kiến thức thôi là không đủ khi các bạn cần biết ứng biến linh hoạt trong các tình huống cụ thể.
Nhà phân tâm học nổi tiếng thế kỷ 20 Carl Jung đã từng nói, “Everything that irritates us about others can lead us to an understanding of ourselves".
“Mọi điều khiến chúng ta khó chịu ở người khác có thể khiến mỗi người hiểu bản thân mình hơn".
Những phản chiếu của bản thân từ người khác không chỉ cho chúng ta thấy rõ bản thân mình, mà còn cho chúng ta thấy làm sao để trở thành một người tốt hơn.
Bài học từ vòng Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 không chỉ cho những người đang chỉ trích em Phú Đức trong một câu chuyện cụ thể. Đó là bài học chung về những phản chiếu của chúng ta khi nhìn vào những người xung quanh. Hôm nay có thể là những người khác chê trách em Phú Đức, nhưng ngày mai có thể là tôi hay bạn khó chịu vì một người nào đó khác.
Những người chúng ta ghét như mặt biển trong một ngày lặng gió - họ không chỉ phản chiếu con người chúng ta, mà còn cho chúng ta biết con người chúng ta muốn trở thành.
Bạn muốn họ thay đổi hay bạn đang tự sự với chính mình, thủ thỉ rằng đó là những điều mình cần thay đổi?
Tôi nghĩ cả bạn và tôi đều có câu trả lời.