Trụ sở Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, miền Đông nước Pháp, ngày 8/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo tờ Politico, nhân viên mật vụ đó là Mohamed Belahrech, nổi lên là một trong những người điều hành chính trong vụ bê bối Qatar đã làm rúng động của Nghị viện châu Âu. Mật danh của điệp viên Maroc là M118 và người này đã hoạt động cùng các cơ quan gián điệp châu Âu trong nhiều năm.
Belahrech dường như là trung tâm của một mạng lưới phức tạp kéo dài từ Qatar và Maroc đến Italy, Ba Lan và Bỉ. Belahrech bị nghi ngờ đã tham gia vào các nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ và liên quan tới cáo buộc tham nhũng nhắm vào các thành viên Nghị viện châu Âu trong những năm gần đây. Thực ra, các cơ quan tình báo châu Âu đã biết Belahrech một thời gian.
Trong vụ bê bối Qatar tại Nghị viện châu Âu, Maroc ngày càng được chú ý. Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne đã tiết lộ một dấu hiệu cho thấy Maroc có liên quan đến cuộc điều tra.
Khi nói với các nhà lập pháp Bỉ, ông đề cập đến một quốc gia mà trong những năm gần đây được nhắc tới khi nói tới chuyện can thiệp. Điều này được hiểu là ám chỉ Maroc, vì cơ quan an ninh của Maroc đã bị cáo buộc hoạt động gián điệp ở Bỉ, nơi có một cộng đồng lớn người Maroc sinh sống.
Theo nhật báo La Repubblica của Italy và Le Soir của Bỉ, Belahrech là một trong những mắt xích kết nối cựu thành viên Nghị viện châu Âu Pier Antonio Panzeri với cơ quan mật vụ Maroc là DGED. Chính trị gia người Italy Panzeri đang ngồi tù, đối mặt với cáo buộc sơ bộ về tham nhũng trong cuộc điều tra để tìm hiểu xem liệu Maroc và Qatar có chi tiền mua ảnh hưởng trong Nghị viện châu Âu hay không.
Trong các điện tín ngoại giao của Maroc do một tin tặc tung ra vào năm 2014 và 2015, Panzeri được mô tả là người bạn thân của Maroc, một đồng minh có ảnh hưởng, có khả năng chống các hoạt động ngày càng tăng của kẻ thù Maroc tại Nghị viện châu Âu.
Ông Panzeri (trái) và bà Kaili. Ảnh: Ansa
Các nhà điều tra đang xem xét mức độ thân thiết của Panzeri với Maroc. Yêu cầu dẫn độ của Bỉ đối với vợ và con gái của Panzeri, những người cũng bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối Qatar, đã đề cập đến những món quà từ Abderrahim Atmoun - Đại sứ Maroc tại Warsaw.
Trong vài năm, Panzeri cùng với ông Atmoun, một nhà ngoại giao quan tâm đến thúc đẩy lợi ích của Maroc tại Brussels, làm đồng Chủ tịch Ủy ban Nghị viện hỗn hợp EU - Maroc.
Một quan chức biết về cuộc điều tra nói với tờ Le Soir rằng giờ đây người ta nghi ngờ Atmoun đã nhận lệnh từ Belahrech. Dưới sự giám sát của Belahrech, Panzeri được cho là đã liên hệ với DGED sau khi không được bầu lại vào Nghị viện châu Âu năm 2019.
Belharech cũng có thể là chìa khóa để làm sáng tỏ một trong những bí ẩn còn sót lại của vụ bê bối Qatar: dấu vết tiền bạc. Một yêu cầu dẫn độ của Bỉ đề cập đến một nhân vật bí ẩn có liên quan đến thẻ tín dụng được cấp cho người thân của Panzeri - người có biệt danh “người khổng lồ”. Người ta đồn đoán liệu Belahrech có thể là người khổng lồ này hay không.
Belahrech không phải là người mới trong giới gián điệp châu Âu. Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Belahrech xuất hiện trong một số vụ án gián điệp trong thập kỷ qua.
Belahrech lần đầu tiên thu hút sự chú ý của chính quyền liên quan đến cáo buộc xâm nhập vào các nhà thờ Hồi giáo Tây Ban Nha, dẫn đến việc trục xuất giám đốc người Maroc của một tổ chức Hồi giáo ở Catalonia vào năm 2013.
Belahrech phụ trách điều hành các đặc vụ trong các nhà thờ Hồi giáo trên theo lệnh của DGED, trong khi vợ bị tình nghi rửa tiền thông qua một công ty du lịch có trụ sở tại Tây Ban Nha. Mạng lưới này đã không còn tồn tại vào năm 2015.
Bà Eva Kaili. Ảnh: AP
Không lâu sau, Belahrech tái xuất ở Pháp, đóng vai trò chính trong vụ án tham nhũng tại sân bay Orly ở Paris.
Một đặc vụ Maroc là Mohamed B. bị cáo buộc đã lấy được tới 200 hồ sơ bí mật về các nghi phạm khủng bố ở Pháp từ một sĩ quan biên phòng Pháp.
Viên sĩ quan nói trên đã bị giam giữ và bị điều tra chính thức vào năm 2017. Người này bị cáo buộc đã cung cấp tài liệu bí mật cho Belahrech để đổi lấy các kỳ nghỉ bốn sao ở Maroc. Các tài liệu này liên quan đến các cá nhân trong danh sách theo dõi khủng bố.
Các nhà chức trách Pháp đã không buộc tội Belahrech. Belahrech đã biến mất khi mạng lưới hoạt động bị phá. Theo một quan chức Pháp biết về cuộc điều tra, Belahrech đang hợp tác với Pháp vào thời điểm đó thông qua hoạt động cung cấp thông tin tình báo về các vấn đề chống khủng bố và đã bị loại vì lý do nói trên.
Các nhân viên mật vụ Maroc có thể đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin tình báo cho các cơ quan châu Âu, đồng thời phối hợp các hoạt động gây ảnh hưởng ở những quốc gia đó. Vì lý do đó, các quốc gia châu Âu đôi khi nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi có thể bị coi là can thiệp, miễn là điều này không gây khó chịu.
Các cơ quan tình báo của Pháp, Tây Ban Nha và Maroc chưa trả lời yêu cầu bình luận về các thông tin trên.
Đối với Belahrech, 5 năm sau khi vào Pháp, M118 bí ẩn đã bị đưa ra ánh sáng, làm dấy lên câu hỏi về mối quan hệ đang diễn ra của điệp viên này với các mạng lưới tình báo châu Âu.
Vụ bê bối Qatar liên quan Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu thuộc đảng Xã hội và Dân chủ Hy Lạp (Pasok) Eva Kaili. Bà Kaili đã bị cảnh sát bắt giữ. Bà Kaili từng là một trong những người ủng hộ Qatar mạnh mẽ nhất.
Giờ đây, các nhà điều tra Bỉ đang xem xét cáo buộc Qatar và Maroc đã tìm cách gửi số tiền đáng kể và quà tặng lớn cho các quan chức có vị trí chính trị hoặc chiến lược quan trọng tại Nghị viện châu Âu để gây ảnh hưởng đến các quyết định của cơ quan này.
Chưa rõ bà Kaili có liên quan thế nào đến vụ việc trên, nhưng các nhân viên điều tra đã tịch thu tổng cộng 1,5 triệu euro tiền mặt trong các cuộc khám xét một số nơi liên quan đến bà Kaili và những người khác bị bắt. Đảng Pasok đã khai trừ bà Kaili vì bị điều tra tham nhũng.
Vụ bê bối gây chấn động Nghị viện châu Âu khiến Qatar bị đình chỉ quyền tiếp cận cơ quan này.
Chính phủ Qatar đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, cho rằng họ bị phân biệt đối xử và nhấn mạnh Qatar không phải là bên duy nhất có tên trong cuộc điều tra. Nhà chức trách Qatar nhấn mạnh: “Bất kỳ mối liên quan nào của Chính phủ Qatar với những tuyên bố trên cũng đều là vô căn cứ và sai lệch nghiêm trọng”.
Theo trang Financial Times, nhà ngoại giao cấp cao của Qatar cảnh báo rằng việc EU xử lý vụ bê bối tham nhũng này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề hợp tác an ninh và các cuộc thảo luận về an ninh năng lượng toàn cầu giữa khối này với Qatar.