Điệp viên Ba Lan phản quốc và cái giá của việc đào tẩu - Kỳ 1

Thùy Dương |

Vào ngày 18/4/1961, Tòa án Quân sự Warsaw mở phiên tòa xét xử Michał Goleniewski – điệp viên Ba Lan đào tẩu, bị kết tội phản quốc vì làm việc cho Mỹ.

Michal Goleniewski. Ảnh: Politico

Michal Goleniewski. Ảnh: Politico

Theo tờ Politico, Michal bị cáo buộc hai tội danh: ăn cắp số lượng đáng kể ngân quỹ nhà nước, hầu hết bằng ngoại tệ, và tội danh nghiêm trọng hơn là phản quốc theo Điều 83 của bộ luật hình sự của quân đội. Nếu bị kết án, tội thứ hai sẽ khiến Michal chịu bản án không thể thay đổi: tử hình.

Cho dù các cáo trạng rất nghiêm trọng nhưng phiên tòa dự kiến chỉ kéo dài một ngày. Chỉ có hai nhân chứng được triệu tập để đưa ra bằng chứng.

Trong gần ba năm, Michal là điệp viên quan trọng nhất của phương Tây, hoạt động bí mật trong các cơ quan tình báo ở Ba Lan và Liên Xô. Sử dụng mật danh Sniper, ông ta đã gửi hàng trăm trang về các bí mật tình báo và quân sự của Liên Xô cho phương Tây.

Kỳ 1: Động cơ phản quốc

Michał Goleniewski sinh ngày 16/8/1922 tại Nieśwież, một thành phố ở đông bắc Ba Lan, gần biên giới với Liên Xô. Trong những năm giữa hai cuộc chiến, gia đình Michał chuyển đến Wolsztyn, gần biên giới Đức.

Michał học tại trường trung học địa phương, tốt nghiệp ngay trước khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1939. Trong thời gian Ba Lan bị quân phát xít Đức chiếm đóng, Michal theo học luật tại Đại học Poznan. Có thời gian Michal bị chính quyền Đức Quốc xã bắt và bỏ tù vì nghi ngờ tham gia một tổ chức bất hợp pháp.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Michal đã nộp đơn xin gia nhập đảng Công nhân Ba Lan. Michal bắt đầu bằng công việc canh gác, sau đó là thư ký tại Bộ Công an của chính phủ mới (MBP). Dưới sự bảo trợ của cơ quan cảnh sát mật Ba Lan Urząd Bezpieczeństwa (UB), MBP có nhiệm vụ giám sát các cơ quan tình báo trong và ngoài nước của nhà nước.

Trong 12 năm tiếp theo, Michal thăng tiến đều đặn trong MBP và UB. Năm 1946, Michal đã được trao tặng một trong những danh hiệu cao quý nhất của Ba Lan, từ đó củng cố địa vị trong bộ máy của nhà nước mới.

Năm 1948, Michal được thăng chức làm trưởng bộ phận phản gián của khu vực Poznan, chức vụ mà ông ta nắm giữ cho đến năm 1950. Trong suốt hai năm đó, đồng nghiệp đã liên tiếp yêu cầu điều tra Michal vì cấu kết với Đức Quốc xã và hành động gây tổn hại cho công dân Ba Lan. Nỗ lực điều tra Michal đều nhanh chóng bị dập tắt.

Đến năm 1955, Michal là trưởng bộ phận Cục 1 thuộc MBP, chuyên kiểm soát hoạt động phản gián dân sự. Một phần nhiệm vụ của ông ta liên quan đến giám sát các thành viên của cuộc kháng chiến chống cộng. Michal làm nhiệm vụ này dưới danh tính vỏ bọc là Tiến sĩ Roman Tarnowski. Michal nổi tiếng là người thẩm vấn không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến.

Vào ngày 1/2/1955, Michal được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng khoa học và tình báo của Cục 1. Đây sẽ là vai trò cuối cùng của Michal và cũng giống như các vị trí trước đó, giúp Michal tiếp cận chặt chẽ với tất cả các cơ quan tình báo quân sự và dân sự của Ba Lan.

Theo bản cáo trạng, Michal đã tiếp cận tài liệu bí mật nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Michal nắm rõ công việc của cơ quan tình báo Bộ Nội vụ liên quan khoa học kỹ thuật, nắm rõ mạng lưới cộng tác viên bí mật của Cục 6… cũng như cơ cấu, nhiệm vụ, các hình thức và phương pháp làm việc của Cục 1 và các đơn vị hợp tác.

Nhưng trách nhiệm của Michal còn vượt xa biên giới của Ba Lan. Trong những năm 1950, Michal trở thành người hướng dẫn của KGB ở Warsaw, kết hợp với vai trò chính thức là liên lạc viên của UB với các cục trưởng cơ quan tình báo Liên Xô. Trong quá trình làm liên lạc đó, Michal bí mật thông báo tóm tắt cho Liên Xô về hoạt động của các đồng nghiệp của mình. Cả hai công việc đều đòi hỏi Michal phải đi khắp các quốc gia thuộc Liên Xô và thường xuyên sang phương Tây.

Các bằng chứng của công tố viên cho thấy họ chỉ biết Michal đã làm việc với tình báo phương Tây từ năm 1958.

Cho dù Michal phải làm cả hai vai trò nhưng UB nhận thấy Michal là một nhân viên có năng lực và hiệu quả. Tuy nhiên, cấp trên cũng lưu ý rằng tính kiêu ngạo và tham vọng không che giấu của Michal đã khiến ông ta không được lòng đồng nghiệp.

Ngoài ra, cuộc sống cá nhân phức tạp và trục trặc với vợ cũng ảnh hưởng tiêu cực tới công việc của Michal. Đây là một trong những động cơ khiến ông ta đào tẩu vào tháng 1/1961. Đến giữa năm 1958, Michal cảm thấy không thể chịu đựng vợ được nữa. Ông ta yêu cầu UB cho phép nộp đơn ly hôn.

Nhưng đó chỉ là một nửa của sự thật: Michał Michal có một lý do khác, cấp bách hơn, để thoát khỏi người vợ bất ổn định tâm thần. Đó là ông ta vừa bắt đầu một cuộc tình mới đầy đam mê với người tên là Irmgard Kampf – một thư ký trường học ở Đông Đức. Michal muốn kết hôn với Kampf, nhưng ông ta không tiết lộ rằng đang có vợ và có ba đứa con. Kampf chấp nhận lời cầu hôn và bắt đầu học tiếng Ba Lan để đón chờ một cuộc sống mới ở Warsaw.

Mặc dù Ba Lan và Cộng hòa Dân chủ Đức khi đó là đồng minh nhưng cơ quan tình báo của hai bên lại có quan hệ không thân thiện.

 Điệp viên Ba Lan phản quốc và cái giá của việc đào tẩu - Kỳ 1  - Ảnh 1.

Michal Goleniewski mặc quân phục Ba Lan cuối những năm 1940. Ảnh: The Guardian

Đến tháng 10/1960, khi đã nắm rõ về quan hệ của Michal và Irmgard, Erich Mielke, Bộ trưởng An ninh Nhà nước Đông Đức, đã gửi một báo cáo cho đồng cấp trong Chính phủ Ba Lan, nêu rõ chi tiết về “các cuộc tiếp xúc trái phép” của Michal với Irmgard Kampf. Giật mình trước báo cáo trên, UB đã yêu cầu Michal viết một bản tường trình đầy đủ và giải thích về cuộc sống bí mật nguy hiểm của ông ta, đồng thời cảnh báo ông ta phải kết thúc cuộc tình với người phụ nữ ở Berlin.

Vào ngày 11/11, Michal phản hồi cấp trên rằng không chịu được sự quấy rối từ vợ và một lần nữa xin ly hôn với vợ để kết hôn với Irmgard. Michal nói rằng nếu UB nhất quyết từ chối lời cầu xin này và buộc ông ta phải cắt đứt mối quan hệ, ông ta yêu cầu tự mình thực hiện.

Michal còn 14 ngày nghỉ phép không sử dụng trong năm 1960 và xin phép sử dụng 7 ngày nghỉ phép ở Đức để thực hiện mục đích duy nhất là giải quyết vấn đề cá nhân theo quyết định của cấp trên.

Tuy nhiên, UB biết Michal còn ngoại tình với một phụ nữ ở Ba Lan và cũng đã hứa sẽ kết hôn với người này. Trước lễ Giáng sinh năm 1960, UB đã triệu tập điệp viên Michal đến một cuộc họp chính thức, ra lệnh cho ông ta cắt đứt mọi liên lạc với Irmgard và thông báo sẽ cách chức Michal khỏi vị trí hiện tại.

Cấp trên cho Michal tới Đông Đức lần cuối để cắt đứt với Irmgard với điều kiện chuyến đi phải kết hợp công việc là thắt chặt quan hệ với các đặc vụ ở Đức, rồi trở về Warsaw ngày 6/1/1961. Liệu Michal có làm theo lời của cấp trên?

Đón đọc kỳ II


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại