Anh và gia đình đã có chuẩn bị như thế nào đối với sự ra đi của NSND Lý Huỳnh?
Ba tôi đã yếu, thời gian qua phải nhập viện. Rất may là trước lúc ra đi, tất cả 6 người con và các cháu của ông đều có mặt, gia đình xum vầy. Ông đảo mắt nhìn mọi người lần cuối rồi ra đi thanh thản.
Gia đình đã chuẩn bị tâm lý và hậu sự hết cho ba. Nhưng lúc tiễn biệt tôi không thể nào chịu được. Mất mát này với tôi là quá lớn. Suốt những năm tháng tuổi già, ông đã bị quá nhiều bệnh, tuần nào cũng chạy thận, mệt mỏi vô cùng.
Trước khi về với thế giới bên kia, ba tôi đã căn dặn các con phải chăm lo mẹ. Thêm nữa, ông mong muốn tôi theo đuổi nghề nghiệp một cách vững vàng, thái độ đúng mực của "con nhà võ".
Diễn viên Lý Hùng nghẹn ngào nhớ về kỷ niệm với ba mình, NSND Lý Huỳnh.
Thành công nghệ thuật của anh có dấu ấn như thế nào từ ba anh?
Từ khi 6 - 7 tuổi, tôi đã được ba dạy võ thuật. Chính võ thuật giúp tôi thuận lợi hơn khi đến với điện ảnh, đặc biệt các phim hành động.
Hồi 12 tuổi, tôi đi theo ba đến phim trường, lúc đó ông đóng phim của đạo diễn Lê Văn Duy. Thấy tôi têu tếu và nhanh nhẹn nên bác Duy mời tôi đóng vai cậu bé bán báo. Chỉ một vai nhỏ nhưng niềm yêu thích nghệ thuật trong tôi đã bắt đầu từ đó.
Suốt hàng chục năm theo nghề, ba đã dạy cho anh những bài học gì?
Khi bắt đầu theo đuổi con đường nghệ thuật và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in 2 điều ba căn dặn. Đó là sự nghiêm túc trong công việc và ứng xử đạo đức với nghề.
Bài học đầu tiên và quan trọng nhất trong nghề diễn mà ba đã dạy tôi là phải học thuộc lời thoại. Ba luôn gạch từng dòng thoại của tôi trong kịch bản cho dễ nhìn và bắt phải học cho thật thuộc, sau đó bắt tôi phải nhìn vào gương để thoại và tập diễn.
Nhờ được rèn luyện như vậy, tôi mới tự tin theo nghề. Đến tận bây giờ, dù có đóng phim truyền hình, vất vả với hàng chục trang kịch bản thì tôi vẫn tự học thuộc, không nhờ đến nhắc thoại trên phim trường.
Sau khi tốt nghiệp phố thông, dù rất thành công với những vai diễn, liên tiếp được mời đóng phim nhưng tôi vẫn quyết định thi vào lớp Diễn viên điện ảnh khoá 1 (1986–1991) của trường Điện ảnh TP.HCM.
Tôi học cùng khoá với Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương… Đó cũng là nhờ ba tôi luôn nhắc nhở rằng "muốn làm nghề nào thì phải học đến nơi đến chốn".
Trước lúc qua đời, NSND Lý Huỳnh căn dặn Lý Hùng và Lý Hương phải cố gắng chăm sóc cho mẹ.
Còn về cách ứng xử trong đời sống, chắn hẳn đã có không ít chỉ bảo của NSND Lý Huỳnh dành cho anh?
Ba tôi là võ sư nhưng tính cách nhẹ nhàng, ấm áp. Ông chưa từng đánh con, mà luôn kiên nhẫn chỉ dạy chúng tôi những điều chưa đúng.
Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất chính là những bộ phim của mình đóng và cả trước đó là phim của ba, cho đến nay vẫn còn được công chúng nhắc đến và sự nghiệp nghệ thuật của gia đình không có bất kỳ những ồn ào nào.
Ba tôi luôn dạy chúng tôi, muốn nổi tiếng đã trăm lần khó, giữ được tiếng đó ngàn lần khó hơn. Với tôi, sự thương, quý và nhớ đến của khán giả chính là giải thưởng lớn nhất trong sự nghiệp nghệ thuật. Đó mới là giải thưởng viên mãn cho ba và gia đình chúng tôi.
Tính cách của tôi cũng ảnh hưởng từ ông rất nhiều. Tôi học được ở ba nghị lực mạnh mẽ, phi thường. Trước đây, ba tôi nghị lực, quyết tâm theo đuổi võ thuật, làm phim. Sau này, ba chiến đấu với bệnh tật. Nếu không có nghị lực đó, ba chắc khó qua khỏi nhiều lần cấp cứu.
Tôi nổi tiếng từ sớm, nếu không có sự sát sao, dạy bảo của ba mẹ sẽ dễ bị ảo tưởng. Nhưng ba mẹ đã cho tôi chiếc neo vững chãi, biết sống hòa đồng và giữ mình trong thế giới hào nhoáng.
Riêng phim ảnh, ba không khuyến khích tôi tham gia nhiều, mà lựa chọn phim phù hợp. Như thế khán giả mới trân trọng mỗi khi mình xuất hiện.
Cảm ơn anh!
NSND Lý Huỳnh sinh năm 1942. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh. Năm 2010, ông dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh Tây Sơn Hào Kiệt. Bộ phim cổ trang được đầu tư 12 tỷ đồng nói về trận Ngọc Hồi - Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc.
Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với ba, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định . Năm 1965, ông mở trường dạy võ, bắt đầu đào tạo nhiều võ sĩ giỏi.
Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh. Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc.
Sau đó, ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu (1977) của đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982), Hòn đất, Mùa gió chướng, Ngọn cỏ gió đùa, Thăng Long đệ nhất kiếm... Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983).
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài sáu trận về quyền anh và thắng ba trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise - một võ sĩ da đen nổi tiếng.
Năm 1973, ông còn nổi tiếng khi công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình. Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.