"Tôi đã đồng ý cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei. Điều đó ổn thôi. Chúng ta sẽ tiếp tục bán hàng cho họ. Đây đều là những công ty Mỹ với những sản phẩm rất phức tạp, với trình độ khoa học cao. Chỉ có mình chúng ta sở hữu công nghệ đó", tổng thống Trump phát biểu trước báo giới hôm 29/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Osaka, Nhật Bản.
Thông báo này được đưa ra ngay sau khi ông chủ Nhà Trắng kết thúc buổi đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Trump cũng cho biết sẽ có cuộc họp với các cấp dưới về việc đưa Huawei khỏi danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ vào tuần sau. Điều này đồng nghĩa với việc gần như chắc chắn điện thoại của Huawei đã thoát khỏi "án tử" đang treo lơ lửng trên đầu những ngày qua.
Không còn cấm vận và được phép mua lại công nghệ cao từ các công ty Mỹ, có nghĩa là Google có thể sẽ sớm quay lại hợp tác với Huawei để cho hãng công nghệ Trung Quốc này sử dụng hệ điều hành Android trên thiết bị của mình. Nên nhớ Huawei là công ty bán ra thị trường nhiều smartphone nhiều thứ hai thế giới trong năm 2018 và rõ ràng Google sẽ không muốn mất đi vị khách hàng đầy tiềm năng này. Người dùng đang hoặc có ý định sở hữu điện thoại Huawei cũng sẽ không còn lo lắng việc sẽ không được sử dụng các dịch vụ và ứng dụng của Google như tìm kiếm, bản đồ hay Gmail…
Khi các bản hợp đồng với Qualcomm, Broadcom và Intel được nối lại, Huawei có thể tiếp tục và mạnh dạn tung ra các sản phẩm mới dựa trên công nghệ của đối tác nhằm củng cố lại thị phần cũng như tìm cách vươn lên trước Samsung để giành vị trí dẫn đầu trong top các công ty bán ra thị trường nhiều điện thoại nhất năm nay. Nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ quay trở lại với chiến lược "smartphone 5G", vốn tưởng như đã bị đổ bể sau các lệnh cấm vận của Bộ thương mại Mỹ.
Trên thực tế, trong loạt sự cố vừa qua, Huawei được nhiều hơn mất. Bởi dù bị ghẻ lạnh ở thị trường nước ngoài nhưng doanh số bán các sản phẩm của Huawei đã bùng nổ ở thị trường nội địa, nhờ tinh thần "yêu nước" của người dân Trung Quốc. Bộ máy nội bộ công ty này dường như cũng đoàn kết và được cải tổ tốt hơn, hứa hẹn sẽ mang lại những tác dụng tích cực trong sự phát triển sau này của công ty.
Tuyên bố của ông Trump, được đưa ra sau cuộc đàm phán với các thỏa thuận bí mật với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng cho thấy phần nào vai trò quan trọng của chính Huawei trong con mắt của giới chính trị gia ở Trung Quốc. Một khi đã được công nhận và ủng hộ, việc phát triển sau này của Huawei cũng sẽ trở nên thoải mái và dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mà nhiều công ty sản xuất điện thoại khác như Xiaomi, Oppo luôn chờ đợi một cú sảy chân của Huawei để chiếm lại từng chút thị phần trên thị trường smartphone vốn đã rất khốc liệt.
Căng thẳng giữa Mỹ và Huawei bắt đầu nổ ra đầu năm 2018, sau khi nhiều quan chức và tổ chức quân sự Mỹ cảnh báo thiết bị của nhà sản xuất Trung Quốc có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi cuối năm 2018, bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei bị bắt ở Canada theo đề nghị từ Mỹ, với cáo buộc "âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính". Cục tình báo Liên bang Mỹ (CIA) hồi tháng 4/2019 cũng cáo buộc Huawei nhận tài trợ từ Ủy ban an ninh quốc gia và quân đội Trung Quốc.
Ngày 15/5/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty đặt ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách đen thương mại, theo đó cấm Huawei mua các linh kiện và thành phần khác từ các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.
Ngày 19/5, Google ngừng cấp phép sử dụng Android với Huawei. Hàng loạt công ty lớn khác như Intel, Qualcomm, Broadcom cũng ngay lập tức tuyên bố ngừng cung cấp linh kiện cho công ty Trung Quốc đến khi có thông báo mới.
Tuy nhiên tới ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo tạm thời nới lỏng một số hạn chế trong lệnh cấm với Huawei trong vòng 90 ngày. Tức là vẫn cho phép Huawei mua hàng từ Mỹ, giúp duy trì hệ thống mạng và cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay hiện tại.