Tháp đồng hồ Big Ben với 2 cây kim được phục chế màu xanh Phổ tại London, Anh ngày 6/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháp đồng hồ Big Ben, hay còn gọi là Tháp Elizabeth, được tiến hành trùng tu vào năm 2017 và do công ty xây dựng Sir Robert McAlpine Ltd đảm nhiệm. Công việc trung tu Tháp Elizabeth được các chuyên gia thực hiện cả không gian bên trong và bên ngoài như hệ thống mái của tháp, cây thánh giá, 4 mặt của đồng hồ. Trong quá trình tu bổ, các chuyên gia phát hiện các cây kim của đồng hồ có màu xanh Phổ, chứ không phải là màu đen.
Chi phí cho việc tu bổ này lên tới 80 triệu bảng Anh (khoảng 111 triệu USD) và dự kiến quá trình trùng tu sẽ hoàn tất vào năm 2022, chậm hơn một năm so với dự kiến ban đầu. Đây là dự án tu sửa lớn nhất được thực hiện tại tháp đồng hồ Big Ben, công trình đã được đổi tên thành Tháp Elizabeht từ tháng 6/2012.
Được người dân "xứ sở sương mù" xem là biểu tượng của sự ổn định, an ninh và dân chủ, tháp đồng hồ Big Ben được hoàn tất xây dựng vào năm 1859, theo trường phái tân Gothic.
Tòa tháp cao 96,3 mét này có 4 mặt đồng hồ lớn nhất nhì thế giới, mỗi mặt có đường kính 7 mét và cao 55 mét. Kim phút của đồng hồ dài 4,2 mét được chế tạo bằng đồng, trong khi kim giờ dài 2,74 mét và được làm bằng hợp kim chuyên dùng để đúc súng.
Quả chuông đồng hồ Big Ben nặng 13,7 tấn. Thông thường cứ 3 lần/tuần, vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6, chiếc đồng hồ lại được lên dây cót để đảm bảo rằng nó luôn chính xác. Trong thời gian đóng cửa để bảo dưỡng, quả chuông Big Ben không bị di dời nhưng không điểm tiếng chuông quen thuộc từng giờ mà chỉ điểm vào những thời khắc quan trọng như đêm Giao thừa.
Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle nhấn mạnh người dân Anh đang mong mỏi tiếng chuông đánh từ tháp đồng hồ Big Ben và sẵn sàng chờ tới buổi ra mắt công trình này với diện mạo mới vào năm sau.
Tháo Elizabeth nằm trong quần thể Cung điện Wesminster bên bờ sông Thames, nơi đặt trụ sở của Quốc hội Anh. Công trình này được xếp hạng di sản thế giới và trở thành điểm đến thu hút rất đông khách du lịch.