Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển Đà Nẵng thời gian qua, những thách thức đang đặt ra, dư địa còn có thể khai thác, nhóm chuyên gia đã đề xuất mục tiêu và giải pháp cho đô thị Đà Nẵng trong hơn 10 năm tới.
TS. Trần Du Lịch, đại diện nhóm chuyên gia, cho biết Đà Nẵng sẽ phát triển đột phá dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, hình thành trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo của Việt Nam.
Trong tầm nhìn cho đô thị Đà Nẵng, nhóm chuyên gia định hướng Đà Nẵng phải là thành phố xanh về môi trường, sản xuất, lối sống; là đô thị hiện đại - thông minh thông qua kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; thành phố kết nối toàn cầu và tâm điểm là đô thị có hồn cốt trong bản sắc là đáng sống, đáng nhớ.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng trong thời gian đến đặt trong mối liên kết vùng sẽ làm cho đô thị Đà Nẵng "lớn lên" và tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hai mũi quy hoạch phát triển đô thị được xác định là phía Đông Nam và Tây Bắc thành phố. Sự phát triển về phía Nam để kết nối đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); phát triển về hướng Tây và Tây Bắc hình thành các đô thị vệ tinh, các khu sản xuất tập trung với các dự án đầu tư động lực để phát triển kinh tế.
Khu vực đô thị phía Tây được thiết kế đô thị thấp tầng, cảnh quan sinh thái. Diện mạo của đô thị đến năm 2030 thể hiện rõ các phân khu chức năng. Không gian đô thị Đà Nẵng lan tỏa theo chiều rộng để có khả năng đáp ứng thu nạp quy mô dân số từ 2-3 triệu người.
Đến năm 2030, cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông đường bộ (đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn); kết nối các trục giao thông đường bộ quốc gia, đường sắt cao tốc, đường ven biển; nâng công suất sân bay quốc tế Đà Nẵng; hình thành cảng biển mới như cảng Liên Chiểu, phát triển dịch vụ logistics.
Các tuyến đường giao thông nội thị xuất hiện những loại hình giao thông hiện đại như đường sắt trên cao; tàu điện ngầm, xe buýt công cộng phát triển mạnh và bao phủ.
Đến năm 2030, những điểm nghẽn trong quy hoạch sẽ được khắc phục để Đà Nẵng phát triển thành đô thị đang có đủ tầm, đủ sức đón tương lai với đòn bẩy là đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó hạ tầng giao thông phát triển theo chiều sâu.
Đến năm 2030, cấu trúc không gian đô thị ở Đà Nẵng sẽ mạch lạc để chuyển sang giai đoạn phát triển mới hướng về tầm nhìn 2050. Đây là giai đoạn phát triển của thành phố môi trường, thành phố thông minh.
Được biết, tại hội thảo quốc tế "Đầu tư vào đô thị hóa bền vững" do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức mạng lưới khu vực các chính quyền địa phương về quản lý định cư con người (CityNet) tổ chức hồi cuối tháng 11/2018, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã khẳng định rằng phát triển đô thị bền vững là một trong những ưu tiên của các thành phố hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa công bố danh mục 7 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công-tư) gồm: cảng Liên Chiểu; khu liên hợp xử lý chất thải rắn; ga đường sắt mới và khu đô thị tích hợp; phát triển hạ tầng và công nghệ về giải pháp giao thông phi cơ giới; tàu điện Đà Nẵng - Hội An; xây dựng thành phố thông minh và dự án xây dựng mới các khu công nghiệp.
Đặc biệt, TP Đà Nẵng đang kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển Đà Nẵng thành trung tâm logistics của cả khu vực Đông Nam Á.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố là 13.695 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương. Tổng diện tích đất ước khoảng 312ha.
Theo đó, kế hoạch đến năm 2050, trên địa bàn thành phố xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng và cấp tỉnh với Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Khu công nghệ cao cùng các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác. Với cơ sở hạ tầng như vậy, có thể nói Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ cho ngành logistics phát triển, có sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung.
Cùng với hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối các vùng miền, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển lớn của khu vực trong tương lai.
Đồng thời, Đà Nẵng đang chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ. Đây chính là những yếu tố thuận lợi để Đà Nẵng phát triển lĩnh vực logistics, mở ra một hướng đi mới cho các nhà đầu tư.