Binh lính Ukraine tham gia cuộc tập trận ngày 10/2. (Ảnh: Reuters)
Ngày 14/2, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko rút lại phát biểu trước đó với BBC về khả năng Ukraine từ bỏ mục tiêu trở thành thành viên NATO. Ông Prystaiko nói rằng Kiev sẽ không tính lại việc tham gia liên minh này.
Mátxcơva phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc phương Tây “cuồng loạn”, nhưng tuyên bố rõ rằng Nga coi việc Ukraine xích lại gần phương Tây, nhất là NATO, là một mối đe doạ.
Ông Prystaiko ban đầu được BBC dẫn lời nói rằng Ukraine có thể “linh hoạt” trong mục tiêu gia nhập NATO, “nhất là khi đang bị đe doạ như thế này, bị ép như thế này”.
Sau đó, ông nói rằng ông đã bị hiểu nhầm về chuyện gia nhập NATO, dù Ukraine cũng chuẩn bị cho một số nhượng bộ khác.
Trong khi đó, một sĩ quan cấp cao của quân đội Nga được Interfax dẫn lời nói rằng Nga sẵn sàng khai hoả vào các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Nga một cách trái phép, dù điều này cần được phê chuẩn ở “cấp cao nhất”.
Một ngày sau khi Washington nói rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào bằng một lý do bất ngờ, nhóm G7 cảnh báo Nga sẽ phải chịu những hậu quả kinh tế rộng khắp nếu làm như vậy, đồng thời hứa sẽ ủng hộ Ukraine.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm giữa những lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ làm gián đoạn xuất khẩu của Nga, một nhà cung cấp dầu lớn cho thế giới.
Chỉ số chứng khoán của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần, và căng thẳng đã gây hiệu ứng lên các thị trường lớn của châu Âu, khiến những chỉ số chính giảm từ 1,6 – 3%.
Đồng đô la Mỹ tăng lên cao mức trong 2 tuần khi giới đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các biện pháp trừng phạt Nga có thể gây tác dụng dội ngược lên phương Tây, khi châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng và vật liệu thô từ Nga.
Các ngân hàng châu Âu đặc biệt lo ngại Nga có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, từ đó sẽ gây trở ngại cho việc thanh toán các khoản nợ của Nga.
Theo Reuters