Bà Pelosi trong chuyến thăm Armenia. Ảnh: Reuters
Bà Pelosi đến thăm thủ đô Yerevan của Armenia hôm 18/9 và cáo buộc Azerbaijan phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào Armenia.
Trả lời báo giới hôm 19/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mặc dù Nga hoan nghênh bất kỳ nỗ lực thực sự nào nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, nhưng bình luận của quan chức Mỹ không mang tính ngoại giao cho lắm.
“Những hành động và tuyên bố của bà ấy có thể thực sự giúp bình thường hóa quan hệ không? Chúng ta sẽ thấy. Thời gian sẽ trả lời”, ông Peskov nói, đồng thời cho biết thêm rằng Mátxcơva ưu tiên “ngoại giao thầm lặng” trong những tình huống kiểu này.
Cũng trong chuyến thăm Armenia, bà Pelosi đã tranh thủ chỉ trích sự hợp tác quân sự của Nga với Armenia, nói rằng người Armenia “thất vọng vì họ hiểu thực tế là họ không nhận được sự bảo trợ” từ mối quan hệ với Nga. Trong khi đó, Washington có thể là bên đảm bảo an ninh tốt hơn cho Yerevan , bà Pelosi gợi ý.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ dường như đang đề cập đến phản ứng của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Yerevan đã kêu gọi CSTO triển khai quân đội để đối phó với giao tranh trên biên giới với Azerbaijan. Khối này sau đó đã cử một phái đoàn đến Armenia, nhưng không điều động lực lượng quân sự. Trưởng phái đoàn – tướng Anatoly Sidorov tuyên bố khối này “ưu tiên các phương pháp chính trị - ngoại giao” và “không vội vàng rút kiếm”.
Một số quan chức Armenia sau đó đã tỏ ra thất vọng với phản ứng của CSTO. Armen Grigoryan, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Armenia, ám chỉ rằng Yerevan có thể rút khỏi khối.
Cũng trong ngày 18/9, hàng chục người đã tổ chức một cuộc biểu tình ở Yerevan yêu cầu Armenia rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu, trong khi giương cao quốc kỳ Armenia và Mỹ.
Trước đó, giao tranh nổ ra hôm 13/9, khi Armenia cáo buộc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và máy bay không người lái qua biên giới. Baku, trong khi đó, tuyên bố họ chỉ đáp lại "sự khiêu khích" của Yerevan. Hàng chục binh sĩ của cả hai bên đã thiệt mạng trong hai ngày sau đó, cho đến khi Thủ tướng Armenia - Nikol Pashinyan tìm kiếm sự giúp đỡ từ CSTO do Nga đứng đầu, và Azerbaijan đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn.
Thủ tướng Pashinyan cho biết hôm 16/9 rằng số người Armenia thiệt mạng do các cuộc đụng độ đã lên tới ít nhất 135 người, trong khi Bộ Quốc phòng Azerbaijan cùng ngày cho biết họ đã mất 71 binh sĩ.
Hai quốc gia Liên Xô cũ hiện vẫn còn mâu thuẫn về khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực Nagorno-Karabakh, nơi phần lớn dân cư là người Armenia, đã tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan vào đầu những năm 1990. Baku tuyên bố khu vực này là lãnh thổ của mình, trong khi Yerevan ủng hộ Nagorno-Karabakh giành độc lập.
Giữa hai nước đã nổ ra một cuộc giao tranh kéo dài 44 ngày vào năm 2020. Xung đột kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.
Theo RT