Điện đàm Mỹ - Trung hơn 2 tiếng nóng bỏng chuyện Đài Loan

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG |

Hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình vừa có cuộc điện đàm lần thứ 5 kéo dài hơn hai tiếng đề cập nhiều vấn đề trong quan hệ song phương cũng như toàn cầu. Không ngạc nhiên khi Đài Loan là một trong những chủ đề trao đổi chính.

Màn hình tại một trung tâm thương mại ở Hong Kong ngày 29-7 phát hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong lúc đưa tin về cuộc điện đàm mới nhất của hai nhà lãnh đạo - Ảnh: Reuters

Màn hình tại một trung tâm thương mại ở Hong Kong ngày 29-7 phát hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong lúc đưa tin về cuộc điện đàm mới nhất của hai nhà lãnh đạo - Ảnh: Reuters

Thực tế dư luận cũng rất quan tâm tới việc hai ông đã bàn gì về Đài Loan - vấn đề được coi là nhức nhối nhất hiện nay trong quan hệ Mỹ - Trung. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang úp mở về khả năng thăm chính thức hòn đảo này trong tháng 8.

Thời điểm nhiều thách thức

Cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm được coi là quan trọng với cả hai nhà lãnh đạo khi phải đương đầu với những khó khăn trong nước. Nền kinh tế Mỹ đang phải chống chọi với lạm phát cao và tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp.

Trong khi đó, ông Tập cũng đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc được coi là tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua do ảnh hưởng của COVID-19, cũng như tác động tiêu cực từ cuộc chiến tại Ukraine.

Những sức ép trong nước khiến cả ông Biden lẫn ông Tập đều không muốn thể hiện mình "mềm yếu" trong cuộc thảo luận đối ngoại tay đôi. Tuy nhiên, cả hai ông cũng không muốn bị "mang tiếng" quá "hung hăng" hay thiếu tính xây dựng đối với mối quan hệ được coi là định hình thế kỷ 21.

Cuộc đối thoại được phía Mỹ đánh giá là "chân thật và thẳng thắn". Tuy nhiên, đây là diễn ngôn chính trị ngoại giao nhằm làm "giảm nhẹ" ngôn ngữ được coi là khá cứng rắn và mang hàm ý răn đe từ Trung Quốc.

Ông Tập cảnh báo "những ai nghịch lửa sẽ bị bỏng tay" khi thể hiện sự phẫn nộ của Trung Quốc với chuyến thăm được hoạch định của bà Pelosi tới Đài Loan - hòn đảo mà Trung Quốc luôn coi là một phần không thể tách rời của họ. Ông Tập tuyên bố "kiên quyết" bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nói đây là "ý chí kiên định của hơn 1,4 tỉ người dân Trung Quốc".

Ông cũng kêu gọi Mỹ thực hiện ba thông cáo chung đã ký trước đây làm nền tảng cho quan hệ giữa hai nước "cả bằng lời nói và hành động". Theo nguyên tắc này, Mỹ thừa nhận Đài Loan là một phần của "một Trung Quốc".

Tuy nhiên, Mỹ cũng phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi tình trạng dân chủ hay việc thống nhất hòn đảo bằng vũ lực. Đối với Đài Loan, Chính phủ Mỹ vẫn giữ quan điểm "mơ hồ chiến lược", không tuyên bố rõ ràng họ sẽ xử sự thế nào nếu có hành động thống nhất bằng vũ lực xảy ra.

Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Tập sử dụng ngôn từ cứng rắn để ngăn Mỹ có những hành động được coi là ủng hộ Đài Loan. Tháng 11 năm ngoái, ông Tập cảnh báo ông Biden trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thực hiện "các biện pháp quyết định" nếu Đài Loan có động thái vượt "lằn ranh đỏ".

"Bóng" đang "trong chân" bà Pelosi

Tuy nhiên, cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ khiến cho nhánh hành pháp của ông Biden không có nhiều kiểm soát với nhánh lập pháp.

Dù nhánh hành pháp cũng đã cảnh báo những hệ quả có thể từ chuyến thăm (nếu có) của chủ tịch Hạ viện Mỹ, nhưng "quả bóng" hiện nay đang nằm "trong chân" của bà Pelosi, chứ không phải ông Biden. Liệu bà có quyết định đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp mới hay không?

Lịch sử không nói được nhiều điều về quan hệ Mỹ - Trung hiện nay. Sức mạnh của Trung Quốc đã khác xa cách đây 25 năm - thời điểm chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Newt Gingrich thăm Đài Loan. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 1997 đạt 961,6 tỉ USD, chỉ bằng 1/9 GDP của Mỹ.

Năm 2021, nền kinh tế Mỹ chỉ còn hơn Trung Quốc khoảng 1,36 lần. Sức mạnh về kinh tế và quân sự ngày càng rút ngắn đã khiến Trung Quốc cứng rắn hơn trong các vấn đề mang tính đối kháng với Mỹ. Điều này cũng dẫn đến những lo ngại tính toán sai lầm có thể xảy ra khi hai bên không chịu nhường bước.

Lần gần nhất trước đây hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm là vào tháng 3, khi ông Biden thuyết phục Bắc Kinh không ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine.

Lần này, hai bên cũng đề cập đến "cuộc khủng hoảng Ukraine" bên cạnh vấn đề gắn kết hai nền kinh tế khi ông Tập nhắc nhở ông Biden rằng phía Mỹ đã có "những nỗ lực nhằm tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng".

Ông Tập liên hệ tới việc Thượng viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật CHIPS, trợ cấp cho nền công nghiệp bán dẫn Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Tập cũng cảnh báo Mỹ đã "nhận thức sai mối quan hệ Trung - Mỹ và hiểu sai sự phát triển của Trung Quốc, sẽ gây hiểu lầm cho người dân hai nước và cộng đồng quốc tế" khi Mỹ và phương Tây coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" hay "đối thủ hệ thống".

Đối với Mỹ, mục đích của cuộc điện đàm khá rõ ràng. Đây không phải cuộc nói chuyện nhằm cải thiện quan hệ.

Thay vào đó, Washington hy vọng duy trì mối quan hệ song phương và quản lý "sự khác biệt có trách nhiệm" nhằm tránh sự hiểu lầm có thể dẫn đến đối đầu. Khẩu khí điện đàm cứng rắn nhưng hai bên đều hiểu đây không phải là lúc để đẩy căng thẳng lên cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại