Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 9/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 73.000 ca), Brazil (44.060 ca) và Pháp (21.231 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.812 ca), Mexico (1.323 ca) và Brazil (931 ca).
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kolkata, Ấn Độ ngày 12/2. Ảnh: THX/TTXVN
Các con số trên cho thấy số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới đã có xu hướng giảm so với những ngày trước đó. Số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này. Đây là số liệu thống kê từ giới chức chuyên môn do hãng tin AFP công bố ngày 13/2.
Theo thống kê trên, trong 1 tháng qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát hồi đầu năm 2020. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm, với mức trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca. Như vậy, số ca mắc mới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc trường Đại học tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ), nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho rằng: "Dù ít hay nhiều, ở mọi nơi trên thế giới đều ghi nhận mức giảm khá nhiều về dịch bệnh".
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/2. Ảnh: THX/TTXVN
Thống kê cho thấy các khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm trong tuần qua. Tại Mỹ và Canada, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm 24%; tại châu Phi giảm 20%; châu Á giảm 18%, châu Âu giảm 15%, Mỹ Latinh và vùng Caribe giảm 10% và Trung Đông giảm 2%. Riêng tại châu Đại dương, virus SARS-CoV-2 dường như không tồn tại, với số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận chỉ còn 12 ca.
Hai quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong tuần này là Bồ Đào Nha, giảm 54% và Israel giảm 39%.
Mặc dù vậy, ông Antoine Flahault khẳng định rằng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại hoàn toàn có thể xảy ra nếu các chính phủ lặp lại những sai lầm trong quá khứ khi vội vàng dỡ bỏ các biện pháp cách ly phong tỏa quá sớm như mùa Hè năm ngoái tại châu Âu. Số ca được khẳng định nhiễm virus chỉ phản ánh một phần nhỏ con số thực tế, vì các quốc gia khác nhau có cách tính và xét nghiệm khác nhau.
Châu Âu
ECDC cảnh báo SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu dài
Bà Andrea Ammon. Ảnh: AFP
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon, ngày 12/2 cảnh báo nguy cơ virus SARS-CoV-2 có thể còn tồn tại lâu dài, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm đã chậm lại gần 50% trong tháng 1 vừa qua và nhiều nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP (Pháp), bà Andrea Ammon hối thúc các nước châu Âu không lơ là, mất cảnh giác với một loại virus "dường như thích nghi tốt với con người". Theo bà, thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản virus này sẽ vẫn "đeo bám" con người và các chuyên gia có thể phải tiếp tục sản xuất vaccine phòng bệnh, tương tự như trường hợp bệnh cúm mùa.
Thủ tướng Anh lạc quan về khả năng sớm nới lỏng phong tỏa
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ cứu thương vào một bệnh viện ở London, Anh ngày 2/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/2 bày tỏ lạc quan rằng có thể thông báo nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, trong bối cảnh chính phủ đang tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng cho 15 triệu người thuộc các nhóm ưu tiên.
London cho biết đến ngày 15/2, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người từ 70 tuổi trở lên, những người dễ bị triệu chứng nặng, các nhân viên y tế và xã hội tuyến đầu cùng người già trong các viện dưỡng lão.
Thủ tướng Johnson khẳng định vẫn cần phải thận trọng dù số ca nhiễm mới và nhập viện bắt đầu giảm. Dự kiến ông sẽ đề ra lộ trình nới lỏng phong tỏa vào ngày 22/2 tới. Ông cho biết vẫn đặt ưu tiên vào việc mở cửa lại trường học, với hi vọng học sinh có thể quay lại trường từ ngày 8/3.
Cũng trong ngày 13/2, Bộ trưởng Y tế Anh nói rằng ông tin tưởng các cách điều trị mới và vaccine sẽ biến COVID-19 thành căn bệnh “chúng ta có thể sống chung như đã từng làm với bệnh cúm mùa”.
Phát biểu với truyền thông Anh, Bộ trưởng Matt Hancock cho rằng các loại thuốc mới sẽ xuất hiện trong năm 2021, nhờ đó trong năm nay, bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh có thể điều trị được. Bên cạnh đó, vaccine sẽ giúp giảm số người phải nhập viện, làm giảm số ca tử vong và chặn được đường lây nhiễm của virus. Theo ông, nếu bệnh COVID-19 trở thành giống bệnh cúm, mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường nhờ vaccine và thuốc điều trị.
Anh có hơn 14 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Ngày 12/2, hệ số lây nhiễm ở Anh lần đầu ở mức dưới 1 kể từ tháng 7/2020. Theo số liệu chính thức, tất cả các vùng của Anh có hệ số lây nhiễm trong khoảng từ 0,7 đến 0,9.
Hungary là nước EU đầu tiên tiêm vaccine Sputnik V của Nga
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 12/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Hungary trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vaccine Sputnik V của Nga ngày 12/2, trước khi có ý kiến của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) về loại vaccine này. Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia Hungary Cecília Müller trong một cuộc họp báo cho biết: “Hôm nay chúng tôi bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V và sẽ triển khai ở các trung tâm tiêm chủng do chính quyền chỉ định”.
Bộ trưởng Y tế Hungary Miklós Kásler thông báo rằng nhà chức trách Hungary đã đồng ý cho sử dụng vaccine Sputnik V. Ông cho biết Trung tâm Y tế Công cộng đã hoàn tất các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị tiêm vaccine của Nga và đây là vaccine thứ tư mà Hungary đang có. Trước đó Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nhiều lần chỉ trích quá trình phê duyệt và mua vaccine của Brussels là quá chậm.
Theo thỏa thuận hồi tháng 1, Nga sẽ cung cấp tổng cộng 2 triệu liều vaccine cho Hungary trong 3 tháng, trong đó 40.000 liều đầu tiên đã đến Hungary vào ngày 2/2. Ngoài Sputnik V, Hungary hiện có vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Ngoài ra, vào cuối tháng 1, các nhà chức trách Hungary đã cấp phép sơ bộ một loại vaccine từ công ty Trung Quốc Sinopharm và đã ký thỏa thuận mua năm triệu liều.
Đại học Oxford lần đầu thử nghiệm vaccine trên trẻ em
Vaccine ngừa COVID-19 của Đại học Oxford hợp tác với hãng dược AstraZeneca bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại học Oxford ngày 13/2 thông báo đã triển khai nghiên cứu đánh giá độ an toàn và phản ứng miễn dịch ở trẻ em của vaccine COVID-19 mà trường hợp tác với hãng dược AstraZeneca bào chế. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm phản ứng vaccine ở trẻ em được tiến hành.
Cuộc thử nghiệm giai đoạn giữa mới này sẽ xác định liệu vaccine có hiệu quả ngừa bệnh đối với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 tuổi hay không. Đại học Oxford cho biết sẽ có khoảng 300 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm và dự kiến đợt tiêm đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng này.
Vaccine với phác đồ tiêm 2 mũi do Đại học Oxford và AstraZeneca hợp tác phát triển được gọi là “vaccine cho thế giới” bởi giá thành rẻ hơn và dễ phân phối hơn các vaccine khác. AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm nay và đến tháng 4 sẽ đạt hơn 200 triệu liều mỗi tháng.
Châu Mỹ
Lần đầu trong 100 ngày, số ca COVID-19 trung bình ngày ở Mỹ dưới 100.000
Chăm sóc bệnh nhân tại New York. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, trong 7 ngày qua, Mỹ có số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày là 96.609 ca. Lần cuối cùng Mỹ ghi nhận con số ca mắc dưới 100.000 là vào ngày 3/11/2020.
Vào ngày này, Mỹ có trung bình 925 ca tử vong/ngày. Còn hiện nay, Mỹ có trung bình 3.024 ca tử vong/ngày. Tức là số ca tử vong hàng ngày tăng hơn 200% kể từ tháng 11/2020.
Trong 100 ngày từ ngày 3/11/2020 tới 12/2/2021, Mỹ ghi nhận trên 18,14 triệu ca mắc và 248.148 ca tử vong.
Từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ ghi nhận trên 28,1 triệu ca mắc và trên 492.000 ca tử vong.
Trong khi đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 12/2 đã ban hành hướng dẫn mới để các trường học trên cả nước có thể mở cửa trở lại một cách an toàn, đồng thời kêu gọi các trường mở cửa lại càng sớm càng tốt.
Ngoài thông báo trên, CDC còn đưa ra một kế hoạch chi tiết để hạn chế tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, theo đó, đặc biệt lưu ý đến việc đeo khẩu trang, rửa tay và khử khuẩn cũng như truy vết. CDC cũng khuyến nghị việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho giáo viên và các nhân viên trong ngành giáo dục ngay khi nguồn cung sẵn sàng, cho rằng đây là yếu tố cần thiết trong bối cảnh xuất hiện những chia rẽ giữa các nghiệp đoàn giáo viên.
Thủ đô của Mexico hạ mức cảnh báo về đại dịch
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mexico City, ngày 4/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mexico đã thông báo hạ mức cảnh báo về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thủ đô nước này và các khu vực xung quanh sau khi số người nhập viện vì căn bệnh trên tại thành phố Mexico City giảm xuống.
Theo đó, từ tuần tới, mức báo động dịch COVID-19 ở thủ đô và bang Mexico với 22 triệu dân sẽ chuyển sang trạng thái màu cam, mức cao thứ hai trong hệ thống báo động dịch bệnh gồm 4 cấp của nước này. Như vậy, các trung tâm thương mại, phòng tập gym nhà hàng sẽ được phép mở cửa với số lượng người và trong thời gian hạn chế. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế sẽ vẫn được áp dụng đối với nhiều hoạt động không thiết yếu như một phần trong nỗ lực kiểm soát dịch COVD-19.
Hồi cuối năm ngoái, chính quyền thủ đô Mexico đã nâng cảnh báo về dịch COVID-19 lên mức cao nhất trong bối cảnh số người nhập viện ở thành phố này gia tăng, theo đó chỉ cho phép người dân tiến hành các hoạt động thiết yếu. Kể từ đó, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của bệnh nhân COVID-19 ở Mexico City đã giảm từ mức cao nhất khoảng 90% trong tháng trước xuống gần 68% vào ngày 11/2.
Theo chính quyền thành phố Mexico City, thủ đô của nước này đã ghi nhận hơn nửa triệu ca mắc bệnh, trong đó có 31.655 ca tử vong. Tháng 1 vừa qua là tháng có nhiều người tử vong nhất do COVID-19 ở nước này trong bối cảnh các số ca mắc bệnh gia tăng, chủ yếu là do các cuộc tụ họp cuối năm.
Châu Á
Hàn Quốc tìm cách cân bằng phòng chống dịch và đảm bảo sinh kế
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jeonju, Hàn Quốc, ngày 11/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/2 đã quyết định giảm quy định giãn cách xã hội xuống một bậc đối với khu vực thủ đô, vùng phụ cận và các khu vực khác từ tuần tới, song vẫn duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
Các cơ quan y tế cho biết bắt đầu từ ngày 15/2, việc giãn cách xã hội sẽ được hạ xuống cấp độ 2 - mức cao thứ ba trong hệ thống 5 cấp - ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, xuống cấp độ 1,5 đối với các khu vực khác.
Các hạn chế đối với nhà hàng, quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở công cộng khác trong khu vực thủ đô Seoul cũng được nới lỏng hơn, theo đó cho phép các cơ sở này hoạt động thêm một giờ (cho đến 22 giờ hằng ngày). Các cơ sở giải trí trên toàn quốc cũng sẽ được phép hoạt động đến 22 giờ với điều kiện tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn quyết định duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên, mặc dù quy định này không áp dụng đối với các thành viên trong gia đình.
Phát biểu trong một phiên họp sáng 13/2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun khẳng định: “Đây là quyết định mà chúng tôi đưa ra trên cơ sở vẫn tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch song có cân nhắc đến sinh hoạt của người dân. Chúng tôi cũng quyết định giảm bớt các hạn chế hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và các doanh nghiệp khác đã hợp tác, nỗ lực chống dịch bệnh cho dù gặp khó khăn rất lớn". Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng tối ưu giữa chống dịch bệnh và đảm bảo sinh kế của người dân.
Mặc dù vậy, người đứng đầu chính phủ vẫn cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại nếu người dân chủ quan và khi đó mức độ giãn cách xã hội sẽ được nâng lên.
Tổng thống Iran cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 4
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13/2 cảnh báo về nguy cơ “làn sóng thứ 4” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này, trong bối cảnh nhiều khu vực chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh.
Phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani cho biết sau nhiều tuần duy trì mức báo động thấp trên khắp cả nước, một số thành phố thuộc tỉnh Khuzestan ở phía Tây Nam đang ở mức “đỏ” – mức báo động cao nhất trong thang xếp hạng nguy cơ theo màu của Iran. Theo ông, điều này cho thấy Iran đang chuẩn bị bước vào làn sóng thứ 4.
Đất nước với hơn 80 triệu dân này đã có gần 59.000 người tử vong trong số trên 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19. Từ cuối tháng 12/2020, Iran chính thức ghi nhận số ca nhiễm theo ngày dưới 7.000 ca, tuy nhiên số ca lại tăng trở lại vượt quá ngưỡng này trong tháng 2/2021.
Iran mới đây vừa tiếp nhận 100.000 liều vaccine Sputnik V của Nga ngày 12/2, sớm hơn so với kế hoạch. Dự kiến, Tehran sẽ triển khai tiêm vaccine từ ngày 16/2, sử dụng lô vaccine được chuyển đến hôm 4/2 vừa qua. Bộ Y tế Iran cho biết nước này đặt mua tổng cộng 2 triệu liều vaccine của Nga. Ngoài ra, Iran đã nhận 4,2 triệu liều vaccine của AstraZeneca/Oxford thông qua cơ chế vaccine quốc tế Covax. đồng thời cũng đang nghiên cứu tự phát triển vaccine.
Israel phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng tại nơi làm việc
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 9/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trước thực trạng số lượng người đăng ký tiêm phòng vaccine COVID-19 đang chững lại, chính phủ nước này ngày 13/2 đã phát động chiến dịch tiêm vaccine lưu động ngay tại nơi làm việc, trước mắt thực hiện tại các tập đoàn lớn có đông nhân viên.
Đây là sáng kiến chung do Hiệp hội các nhà sản xuất, Bộ Y tế và Cục cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng Israel phát động và được thực hiện bởi Cơ quan Dịch vụ y tế khẩn cấp quốc gia (MDA), nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên các công ty muốn tiêm vaccine phòng COVID-19. Sáng kiến mang tên “Jab on the Job” (tiêm phòng tại nơi làm việc), theo đó MDA sẽ lập các trạm tiêm phòng lưu động.
Một số chuyên gia cho rằng sáng kiến tiêm vaccine tại nơi làm việc sẽ tạo một cú hích mới cho chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 vốn đang chững lại tại Israel, do vẫn còn nhiều người thuộc diện cần tiêm chủng vẫn chưa đăng ký. Kể từ khi phát động vào cuối tháng 12/2020, đến nay đã có khoảng 3,7 triệu người dân Israel được tiêm chủng, chiếm gần 40% dân số, trong đó có khoảng 2,3 triệu người đã tiêm xong cả 2 mũi.