Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 23/11

Diệp Thảo |

Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 23/11/2024.

Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo không mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik: Phát biểu trên truyền hình Nhà nước Nga hôm qua (21/11), Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, Lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện một cuộc tấn công phối hợp vào một trong các cơ sở của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine để đáp trả việc nước này sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong điều kiện chiến đấu, Nga cũng đã thử nghiệm một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của mình, đó là tên lửa đạn đạo siêu vượt âm không mang đầu đạn hạt nhân, có tên gọi là Oreshnik.

Khoảnh khắc Nga nã tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine: Sau khi thông báo cho giới chức Mỹ về ý định phóng tên lửa, Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo vào thành phố Dnipro ở miền đông Ukraine hôm 21/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tên lửa có tên "Oreshnik”, trong tiếng Nga có nghĩa là "cây phỉ".

Ban đầu, Tổng thống Zelensky và không quân Ukraine cho rằng đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một loại vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn km, trong đó có cả mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

 - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty

Nga trả đũa Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, phương Tây e ngại: Tổng thống Nga Vladimir V. Putin ngày 21/11 đã gửi tín hiệu cảnh báo phương Tây khi xác nhận nước này đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào Ukraine để đáp trả việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ và Anh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Lời cảnh báo của ông Putin được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Nga bắn một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraine – điều mà một số nhà quan sát cho là để cảnh báo Kiev và phương Tây. Mặc dù tên lửa này chỉ mang đầu đạn thông thường, nhưng việc sử dụng nó báo hiệu rằng Nga có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.

Ông Putin cảnh báo đáp trả các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine tấn công Nga: Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Moscow có quyền tấn công cơ sở quân sự của các quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ nhắm vào lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi sẽ xác định mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm tiếp theo đối với hệ thống tên lửa mới nhất dựa trên các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí của mình để chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ chống lại chúng tôi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh ngày 21/11.

Xung đột Nga - Ukraine leo thang nguy hiểm với nguy cơ nổ ra thế chiến III: Ngay sau khi Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp tấn công lãnh thổ Nga, Nga hôm qua (21/11) cũng đã có hành động đáp trả Ukraine bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik. Diễn biến mới này cho thấy cuộc xung đột Ukraine đã được đẩy lên một nấc thang mới đầy nguy hiểm và khiến dư luận không khỏi quan ngại.

Động thái của Nga diễn ra sau khi Ukraine ngày 19/11 lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó cũng đã thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.

Chỉ dấu cho thấy Tổng thống Ukraine đang "xuống thang" trong xung đột với Nga: Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ cách đây hơn hai tuần, Tổng thống Ukraine dường như đã hạ thấp mục tiêu trước đó là đánh bại Nga trên chiến trường.

"Ukraine không thể thừa nhận về mặt pháp lý đối với bất kỳ lãnh thổ nào Nga chiếm của chúng tôi, trong đó có những phần lãnh thổ bị chiếm giữ từ năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tiếp tục chiến đấu cho đến khi Crimea được trả lại. Chúng tôi hiểu rằng Crimea có thể được trả lại bằng ngoại giao", ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn vào tối 20/11 với Fox News.

Điều này được cho là dấu hiệu "xuống thang" của nhà lãnh đạo Ukraine khi trước đó, ông Zelensky từng tuyên bố trong cuộc họp trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 rằng: "Xung đột không thể dễ dàng chấm dứt. Đó là lý do tại sao cuộc chiến này không thể được xoa dịu bằng các cuộc đàm phán".

Tên lửa ATACMS Mỹ chuyển cho Ukraine hết hạn từ năm 2015?: Việc Ukraine được phép sử dụng tên lửa ATAMCS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga đã dẫn đến những đồn đoán về tác động của loại vũ khí tầm bắn 300km này trên chiến trường.Tuy nhiên, các báo cáo ngân sách hàng năm của Lục quân Mỹ lại cho thấy một bức tranh khác. Tên lửa ATACMS cũ dường như đã trở thành gánh nặng tài chính khi họ muốn nâng cấp lên hệ thống tên lửa mới.

Theo báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động mua sắm tên lửa cho Lục quân, một số ATACMS trong kho đã hết hạn từ năm 2015. Trong năm tài chính 2016, bắt đầu từ ngày 1/10/2015, Lục quân Mỹ đã phải chi 30,1 triệu USD để sửa đổi 10 quả tên lửa ATACMS đã hết hạn nhằm kéo dài thời gian sử dụng của chúng. Vì ATACMS có thời hạn sử dụng là 10 năm, nên 10 tên lửa được sửa đổi vào năm 2015 dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2025.

“Con dao 2 lưỡi” sau quyết định của Mỹ cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục có động thái phá dỡ rào cản viện trợ vũ khí cho Ukraine khi tuyên bố sẽ gửi mìn chống bộ binh cho nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định này có thể là "con dao 2 lưỡi" đối với Ukraine.

Mìn chống bộ binh có thể là vũ khí hiệu quả, nhưng chúng gây nhiều tranh cãi vì bị các nhóm nhân quyền phản đối với lý do vũ khí này có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong thời gian dài. Hơn 160 quốc gia trên thế giới đã ký hiệp ước cấm sử dụng và sản xuất mìn, nhưng Nga và Mỹ không nằm trong số các quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại