Điểm tích cực đằng sau sự xuất hiện của những 'siêu doanh nghiệp ảo' có vốn vượt xa Vingroup, Viettel

Hồng Nhuận |

Thời gian gần đây, một số “siêu doanh nghiệp ảo” đăng ký vốn điều lệ lên đến 128.000 tỷ hay 500.000 tỷ đồng liên tục xuất hiện trên thị trường. Với mức vốn điều lệ vượt xa Vingroup, Viettel..., không khó để thấy đó là những con số ảo.

Với mức vốn đăng ký 500.000 tỷ đồng, siêu công ty này còn có vốn điều lệ vượt qua cả những doanh nghiệp lớn hiện nay như Vingroup, Viettel, Vietcombank,… và thậm chí gấp hơn hai lần tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Với việc các "siêu doanh nghiệp" được thành lập trong căn nhà cấp 4, ai cũng có thể thấy sự vô lý khi đăng ký số vốn điều lệ như vậy. Thế nhưng, việc đăng ký kinh doanh của các siêu doanh nghiệp này vẫn được pháp luật thừa nhận là hợp pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thực tế, Luật Doanh nghiệp và các quy định về đăng ký kinh doanh đã giúp cho doanh nghiệp giảm tối đa các phiền hà khi làm thủ tục thành lập, thậm chí có thể đăng ký online mà không cần đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng hay 1 triệu tỷ đồng, hoặc thậm chí lớn hơn thế nữa rất nhiều cũng vẫn được phép đăng ký trong tương lai mà không có ai được quyền ngăn cấm nếu không thuộc các nhóm ngành nghề có điều kiện.

Trước đó, khi quy trình đăng ký doanh nghiệp chưa được cải thiện, Nhà nước phải xác minh doanh nghiệp có đủ số tiền đăng ký hay không mới được cho phép thành lập. Đây là việc tốn rất nhiều công sức, thời gian thẩm định của cơ quan chính quyền đồng thời làm chậm quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Điều này đồng thời gây ra những trở ngại lớn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, để tạo điều kiện tốt nhất thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển, Luật Doanh nghiệp 2014 đã khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai thông tin về vốn điều lệ khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Pháp luật hiện không còn quy định bắt buộc về mức vốn tối thiểu hoặc tối đa, ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về mức vốn tối thiểu. Ví dụ, muốn thành lập ngân hàng phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, hay trong ngành chứng khoán, muốn thành lập công ty môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán cần tối thiểu là 25 tỷ đồng; tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng.

Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần trong công ty; thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các nhà đầu tư trong công ty. Đây là ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ.

Vì vậy, người dân có thể đăng ký vốn công ty là 500.000 tỷ đồng hay 100.000 tỷ đồng mà không bị hạn chế. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước vẫn có những biện pháp giám sát quá trình góp vốn này của doanh nghiệp. Các cổ đông, thành viên phải thực viện thanh toán phần vốn góp như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn 90 ngày mà không hoàn thành góp vốn như đã đăng ký, công ty phải tiến hành đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.

Đặc biệt, công ty sẽ bị phạt nếu không góp vốn đầu đủ theo quy định. Cụ thể, theo khoản 3 điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư quy định như sau: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.

Nếu nhìn từ những ầm ĩ bắt nguồn từ vốn điều lệ siêu khủng nhưng bắt nguồn từ một căn nhà cấp bốn, với các thành viên không phải là người làm kinh lớn... trên truyền thông, nhiều người sẽ chỉ thấy bức tranh phản cảm của câu chuyện. Thế nhưng, nếu nhìn ở góc độ người dân được làm điều mà pháp luật không cấm thì đó thực sự là một điểm tích cực lớn của Luật Doanh nghiệp, với các quy định đã thực sự đi vào cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại