Theo CNN, những người phản đối có thể "lý sự" về việc liệu những kết quả kinh tế mạnh mẽ trong tháng 11, số việc làm được tạo ra trong hai tháng qua, hay sự mở rộng của nền kinh tế liệu có phải nhờ Tổng thống Trump và các chính sách của ông hay không. Song nhìn từ những gì chúng ta đã biết – cả từ lịch sử chính trị lẫn những cuộc bầu cử gần đây – thì các tổng thống Mỹ thường nhận được uy tín cao khi nền kinh tế mạnh lên, và họ cũng bị đổ lỗi nếu nó suy yếu đi.
Trong một cuộc thăm dò dư luận được đài CNN công bố cuối tháng 11 vừa qua, tỉ lệ người dân ủng hộ công việc nói chung của Tổng thống Trump chỉ không đầy 42%, trong khi có tới 54% không ủng hộ.
Tuy nhiên, những con số này đã đảo ngược khi người dân được hỏi họ nghĩ gì về cách Tổng thống điều hành nền kinh tế. Với câu hỏi này, 52% số người trả lời ủng hộ trong khi 40% không tán thành. (Đây cũng là lĩnh vực duy nhất trong cuộc thăm dò cho kết quả đa số người tham gia đồng ý với công việc mà ông Trump đang thực hiện).
Có một thực tế rất rõ ràng là: thứ nhất, nền kinh tế đang rất mạnh, và thứ hai, nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump bởi thực tế đó.
Sau một tuần sóng gió, với việc phe Dân chủ đẩy mạnh các thủ tục tiến tới luận tội tổng thống, cộng với việc bị các lãnh đạo thế giới chế giễu tại thượng đỉnh NATO ở London, nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng đã có những tin tức tốt lành vào ngày 6/12 vừa qua. Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 266.000 việc làm trong tháng 11, bao gồm 54.000 viêc làm trong lĩnh vực sản xuất, và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong 50 năm, lương tăng 3%.
Trong một loạt dòng tweet đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 6/12, cả trước và sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 11 - ông chủ Nhà Trắng đã ca ngợi những thành công kinh tế của mình.
"Nếu không có một chương trình kinh dị là ‘phe cấp tiến bỏ đi, phe Dân chủ không làm gì’, thì thị trường chứng khoán và nền kinh tế sẽ còn tốt hơn nữa, và biên giới sẽ được đóng cửa trước những tai ương thuốc phiện, băng đảng và tất cả những vấn đề khác!", ông Trump đăng trên trang Twitter kèm theo dòng #hashtag "2020".
Cuối ngày 6/12, ông lại đăng tiếp: "Các thị trường chứng khoán tăng lên những con số kỷ luc. Chỉ riêng năm nay, chỉ số Dow Jone đã tăng 18,65%, S&P tăng 24,36%, Nasdaq Composite tăng 29,17%", và kết luận: "Tất cả đều là về kinh tế thôi, đồ ngốc".
Câu nói nổi tiếng này - được Tổng thống Mỹ dẫn lại lời của chiến lược gia James Carville trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 1992 của ông Bill Clinton – đã không khỏi khiến các nhà chiến lược đảng Dân chủ rùng mình trước tin tức về kết quả kinh tế tuyệt vời hôm 6/12. Bởi câu nói đó đã nhiều lần được chứng minh trong lịch sử.
Nhìn lại thời Tổng thống Jimmy Carter, ông đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng vọt trong thời gian tại nhiệm, để rồi đành nhìn Ronald Reagan hứa sẽ xoay chuyển mọi việc. Hay cựu Tổng thống George H.W. Bush, số phiếu thăm dò cao ngất trời trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất cũng đã sụp đổ giữa lúc suy thoái kinh tế, buộc ông phải bàn giao Nhà Trắng cho người kế nhiệm Bill Clinton.
Thăm dò mới nhất của CNN cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ cách ông Trump điều hành nền kinh tế. Ảnh: AP
Các dữ liệu đều đưa đến một thực tế là rất khó để đánh bại một tổng thống đương nhiệm trừ khi nền kinh tế bị đa số công chúng nhìn nhận là đang suy yếu nghiêm trọng. Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2, cử tri sẽ coi nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến lá phiếu của họ.
Năm 2016, 52% số người được hỏi bên ngoài phòng bỏ phiếu cho biết nền kinh tế là vấn đề cấp bách nhất. Khủng bố đứng thứ hai trong danh sách đó với chỉ 18%. Còn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, gần 6/10 cử tri (59%) cho rằng nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất; và năm 2008 tỉ lệ này là 63%.
Các cử tri quan tâm nhiều nhất đến nền kinh tế, nên điều đó đồng nghĩa nếu họ tin rằng một tổng thống đang làm tốt công việc điều hành nền kinh tế, thì họ có xu hướng chọn lại người đó để tiếp tục lãnh đạo đất nước.
Tờ National Interest cho rằng, đối mặt với tiến trình luận tội của phe Dân chủ, cách khôn ngoan với Tổng thống Trump là né những viên gạch được ném vào phía mình. Thay vào đó, ông nên tập trung vào việc thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế, kèm theo lời hứa về những ngày còn tốt đẹp hơn đang ở phía trước.