Điểm nóng Covid - 19 tại Việt Nam được chốt chặn thế nào?

Thái Hà |

Tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc dịch đã lây tại cộng đồng, tiếp xúc lẫn nhau, có thể có người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh. Hiện công tác khoanh dịch để không lan sang các vùng khác đang được thực hiện rốt ráo.

Ngày 15/2 đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc- điểm nóng Covid - 19 tại Việt Nam hiện nay.

Không được chủ quan

PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế “cắm chốt” trong nhiều ngày qua tại đây cho biết, tỉnh đã thiết lập văn phòng làm việc tại cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên. 

Tổ công tác chia các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm cầm tay chỉ việc đến cán bộ y tế các cấp. Cùng với đó tuyên truyền để người dân không quá hoang mang nhưng không chủ quan.

Theo ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch huyện Bình Xuyên, 4 xã của huyện có ca bệnh dương tính là Quất Lưu, Sơn Lôi, Gia Khánh, Thiện Kế. 

Hiện có 102 người cách ly tập trung tại trường quân sự tỉnh, trong đó xã Sơn Lôi có 30 người, cách ly tại hộ gia đình 131 người, cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà 41 người. Hiện nay tại xã Sơn Lôi lập 12 chốt ở những tuyến đường ra, vào xã.

Các chốt này được bố trí lực lượng canh gác, kiểm tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm với quyết tâm không cho người dân qua lại (trừ một số trường hợp đặc biệt nhưng phải chịu sự giám sát của cán bộ ngành chức năng). 

Nhiệm vụ của các chốt là phun thuốc khử trùng, xử lý y tế, tuyên truyền giải thích cho người dân ra, vào khu vực cách ly về cách phòng, chống dịch bệnh. Không cho người, phương tiện không có nhiệm vụ ra, vào địa bàn xã.

Ngăn chặn các hành vi đưa ra khỏi địa bàn những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch. Xác định danh tính các trường hợp nghi nhiễm bệnh ra, vào địa bàn xã, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch để có biện pháp theo dõi, quản lý.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, để đảm bảo công tác y tế cho người dân tại khu vực cách ly là xã Sơn Lôi, tổ công tác của Bộ Y tế đã thiết lập khu khám bệnh riêng với những trường hợp mắc bệnh khác như cao huyết áp, nguy cơ tai biến... 

Tại đây luôn có hai xe cấp cứu trực, vận chuyển những trường hợp này khi cần chuyển viện, một xe chuyên vận chuyển ca nghi ngờ mắc Covid - 19.

“Tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết rất tốt công tác y tế ngay từ ban đầu. Hiện nay lây lan bệnh có tính chất trong hộ gia đình vì vậy phải ưu tiên phát hiện sớm và thực hiện cách ly nghiêm. 

Song song với phòng dịch cho người dân không được để lây lan bệnh cho cán bộ y tế và người đi làm nhiệm vụ”, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, tỉnh có 11 bệnh nhân dương tính thì có 3 bệnh nhân đã ra viện. 

Tại Phòng khám đa khoa Quang Hà có 4 bệnh nhân hết các triệu chứng, đã âm tính lần 1, đã lấy kết quả xét nghiệm lần 2, hy vọng sau 3 lần xét nghiệm có thể âm tính. Các trường hợp còn lại sức khỏe bình thường.

Điểm nóng Covid - 19 tại Việt Nam được chốt chặn thế nào? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo cuộc họp sáng 15/2 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ: “Tổ công tác xác định tại huyện Bình Xuyên dịch đã lây tại cộng đồng, tiếp xúc lẫn nhau, có thể có người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh. Vì thế có thể có ca mắc mới phát hiện trong thời gian tới. Điều đó là bình thường. Mục đích để khoanh dịch tại Sơn Lôi không lan sang các vùng khác”.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, thời gian tới, không được chủ quan, không hoang mang, đồng hành với các cấp chính quyền địa phương khẩn trương dập dịch. 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, phải làm tốt khoanh vùng đồng thời cần tuyên truyền đến người dân hiểu về bệnh, nhưng cũng cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, từ nhà ra ngõ, đường làng lối xóm, qua đó sớm phát hiện các ca bệnh.

WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam

Thông tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về “Dịch Covid – 19: Những gì chúng ta đã biết đến nay” đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. WHO nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đã xử lý dịch Covid – 19 rất tốt. 

Theo đó, Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

"Tổ công tác xác định tại huyện Bình Xuyên dịch đã lây tại cộng đồng, tiếp xúc lẫn nhau, có thể có người mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh. Vì thế có thể có ca mắc mới phát hiện trong thời gian tới. Điều đó là bình thường. Mục đích để khoanh dịch tại Sơn Lôi không lan sang các vùng khác".

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư

WHO đánh giá: “Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. 

Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) (năm 2005). 

Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid-19”.

WHO cho biết, hiện không có vắc-xin phòng bệnh Covid-19, nhưng việc sản xuất vắc-xin đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vắc-xin hiện đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng này.

Điểm nóng Covid - 19 tại Việt Nam được chốt chặn thế nào? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại