Cộng đồng công nghệ của năm 2018 có nhiều biến cố hơn bạn tưởng. Hồi 2017, những "lùi bộ" công nghệ do tạp chí Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts chọn ra chỉ đơn giản là một con robot lỡ ngã xuống nước , máy ép nước quả Juicero vô dụng, hay những rùm beng liên quan tới tiền mã hóa thì nay đã khác.
Những thất bại công nghệ của 2018 vô cùng sai trái: công nghệ dùng để phát tán thù ghét và các yếu tố gây nghiện, để thanh minh cho việc tự sát và những thử nghiệm đầy tranh cãi về chỉnh sửa gene trẻ sơ sinh.
Đây là danh sách do MIT Technology Review lập ra, chỉ mặt từng thất bại công nghệ của năm 2018.
Trẻ sơ sinh được chỉnh sửa gene
Dựa vào những tiến bộ của khoa học công nghệ, nhiều người thấy trước rằng việc chỉnh sửa gen người chỉ còn là vấn đề thời gian và những rào cản đạo đức. Thế nhưng không một ai muốn điều đó diễn ra sớm tới mức này, và sai trái vô cùng đến vậy.
Ngay tháng Mười một vừa rồi, nhà nghiên cứu He Jiankui tới từ Trung Quốc đã tuyên bố mình "tạo" ra được hai em bé kháng được HIV.
He Jiankui.
Jiankui sử dụng CRISPR để chỉnh sửa phôi thai người, tạo ra hai em bé sinh đôi, được đặt tên là Lula và Lala.
Việc chỉnh sửa gene để có được khả năng miễn nhiễm với HIV là hoàn toàn vô nghĩa: có những cách bớt tốn kém hơn, dễ dàng hơn để ngăn ngừa HIV. Sự việc và kết quả nghiên cứu trông giống như thành quả của một nghiên cứu khoa học không được suy nghĩ thấu đáo.
He Jiankui đang bị điều tra, mọi nghiên cứu bị đình chỉ. Cộng đồng khoa học toàn cầu cực lực lên án hành vi bị coi là vô đạo đức.
Juul
Đây hai người đứng sau đại dịch nghiện nicotine của giới trẻ: James Monsees và Adam Bowen, hai nhà thiết kế sản phẩm từng theo học Stanford.
Cặp bài trùng này thành lập Juul Labs và tạo ra một thứ thiết bị hóa hơi chạy điện trông rất "ngầu", có tác dụng hóa hơi thứ chất gây nghiện được hóa lỏng, bán thành từng "pod" – từng kén nhỏ. Những người nghiện thuốc lá truyền thống có thể bỏ qua thứ lá khô thơm phức nhưng chết người, để chuyển sang hút vape nhưng vấn đề đáng ngại không nằm ở họ.
Juul bán ra những sản phẩm đầy hương vị thơm ngon như xoài hay nho, tự xưng là "iPod của làng thuốc lá điện tử", nhắm thẳng vào đối tượng giới trẻ.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ nói rằng đang diễn ra "một đại dịch nghiện nicotine trong giới trẻ". Số lượng teen sử dụng vape đã tăng gấp đôi trong năm 2017, các nhà chức trách quản lý sức khỏe gọi thứ nicotine hóa lỏng là chất gây nghiện bán chạy nhất họ từng thấy. Công ty Juul thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị trường đầy tiềm năng.
Tháng Mười một vừa rồi, Juul nói rằng họ sẽ đóng cửa các tài khoản mạng xã hội và hạn chế bán một số loại vị.
Đủ thứ vấn nạn lây lan nhờ Facebook
Trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, các nhà chức trách không thể kiểm soát được những luồng tin tức độc hại liên tục xuất hiện. Bản thân Facebook cũng không có những động thái cần có để ngăn chặn việc mặt trái của mạng xã hội hiện ra ngày một rõ.
Từ nhiều năm trước và tới cả năm ngoái, Facebook vẫn luôn là "ổ" chứa chấp những tư tưởng thù địch, những cộng đồng bài xích nhóm người thiểu số, là trung gian lan truyền tin giả và đủ thứ "thuyết âm mưu".
Đã có những người kêu gọi Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook – từ chức chủ tịch nhưng vẫn giữ cương vị CEO, nhằm đưa Facebook sang một bàn tay quản lý chặt chẽ hơn.
Tải não lên công cụ lưu trữ bộ nhớ khác với "100% tỉ lệ tử vong"
May mắn là startup Nectome chưa lần nào thực hiện được "ca phẫu thuật" với tỉ lệ tử vong tuyệt đối. Nhưng vấn đề nhức nhối nhất vẫn nằm ở việc nhiều người vẫn muốn tham gia vào quá trình chắc chắn tử vong, có những cá nhân đặt cọc 25.000 USD để được có tên trong danh sách.
Cũng giống như việc chỉnh sửa gene, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chặng đường phát triển công nghệ sẽ sớm muộn chạm tới mốc lưu trữ dữ liệu não bộ. Toàn bộ ký ức, cảm xúc, nhân cách của một người có thể nằm trong một hệ thống lưu trữ nào đó, sẵn sàng cho người đó trạng thái "bất tử".
Nhưng có mặt trái: não bộ phải được bản quản vẹn toàn và không chút hư hại, quá trình bảo vệ não bộ sẽ chỉ bắt đầu khi bạn … chết.
Nectome muốn bạn phải chết trước khi có thể cứu lấy não bộ của bạn. Họ tin rằng luật tại California cho phép tự sát với sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp họ hoàn thiện nghiên cứu.
Bản thân Nectome đã thành công với việc bảo quản não bộ động vật, nhưng việc giúp một người sống chết đi để lấy não thì hơi ngoài tầm kiểm soát.
Chính vì lý do đó mà MIT Technology Review đã từ chối tiếp tục hợp tác với Nectome, startup cũng tuyên bố sau khi không còn sự hậu thuẫn từ MIT, họ cũng không có kế hoạch nào nhằm tải não bộ con người lên một nền tảng lưu trữ nào khác.
Nectome chưa hoàn toàn biến mất, họ vẫn đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu. Những mong không có ai tình nguyện hiến não trong khi mình vẫn đang khỏe mạnh.