Điểm Lịch sử 'đẹp như mơ': Có gì bất thường?

Hà Linh |

Nhiều năm liên tiếp Lịch sử là môn “đội sổ” thì năm nay môn học này “khởi sắc” khi có gần 1.800 bài thi điểm 10 cũng như phổ điểm lệch hẳn sang phải. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kết quả này không xuất phát từ nâng cao chất lượng dạy học.

Kết quả điểm Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 tổ hợp KHXH Bộ GD&ĐT công bố cho thấy, kỳ thi năm nay có 659, 667 bài thi môn Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6,34. Nhìn vào phổ điểm có thể thấy lệch hoàn toàn sang phải với mức điểm tập trung vào khoảng 5-7,5. Chưa kể, môn Lịch sử năm nay có tới 1.779 bài thi điểm 10 và hơn 3.700 bài thi đạt mức điểm 9.75 và gần 5.600 bài thi đạt mức điểm 9.5. So với năm ngoái, năm nay, số lượng bài thi đạt điểm 10 môn Lịch sử cao gấp gần 7 lần (năm ngoái chỉ có 266 bài thi đạt điểm 10). Hay năm ngoái, môn thi này “đội sổ” vì có tới 52,03% bài thi đạt điểm dưới trung bình thì năm nay con số này chỉ còn 19,34%.

 Điểm Lịch sử đẹp như mơ: Có gì bất thường?  - Ảnh 1.

Điểm thi Lịch sử năm nay bất ngờ tăng vọt so với các năm trước. ảnh: Quỳnh Anh

Điều dễ nhận thấy, trong suốt 6 năm, điểm bài thi Lịch sử luẩn quẩn dưới mức trung bình thế nhưng đến năm nay môn thi này lại tươi sáng với điểm trung bình tăng vọt lên con số 6.34 và điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất cũng tăng 3 điểm so với năm ngoái. (từ 4.0 lên 7.0).

Theo điểm trung bình học bạ năm học 2021-2022, học sinh giỏi môn Lịch sử được tính khoảng gần 47%; khá gần 44% và mức điểm nhiều học sinh đạt được nhất là 8.0.

Không do chất lượng dạy học

"Nhiều năm qua, điểm thi môn Lịch sử "lẹt đẹt" năm nay bỗng dưng tăng vọt thì chưa thể khẳng định là do chất lượng dạy học đã được nâng cao".

TS Hoàng Ngọc Vinh

Sau khi có kết quả thi, một số ý kiến đánh giá, điểm thi năm nay đẹp, điều này thể hiện thay đổi phương pháp dạy học có kết quả.

Tuy nhiên, cô T.L, giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia trước đây hay Tốt nghiệp THPT đều có 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó đề có cấu trúc rất rõ gồm kiến thức cơ bản và nâng cao. Với cấu trúc như thế, học sinh hoàn toàn có thể lấy được 7-8 điểm nếu học ở mức trung bình khá, 5-6 điểm ở mức trung bình và giỏi ở mức 9-10. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy điểm Lịch sử thấp là do đại đa số học sinh không hào hứng với môn học, trừ học sinh khối C.

Nhiều em đăng ký thi nhưng chỉ để xét tốt nghiệp nên chỉ dừng ở mức học để “chống liệt”. Riêng năm nay, điểm Lịch sử rất đẹp, trong đó đa số thí sinh đạt mức điểm từ 6-8 khiến giáo viên thở phào. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế sẽ thấy, kết quả điểm thi cao không hẳn là do các nhà trường đã thực sự nâng cao chất lượng dạy học và là do đề thi năm đó như thế nào.

“Đề thi năm nay đa số các câu hỏi chỉ dừng ở mức cơ bản, học sinh dễ dàng ăn điểm. Còn để nói nâng cao chất lượng dạy học cần có cả quá trình, trong đó yêu cầu đổi mới sách giáo khoa, phương pháp dạy học hoặc tuyển sinh ĐH”, cô giáo T.L nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, theo đánh giá đề thi năm nay cho thấy, bộ câu hỏi chưa được chuẩn hoá, không có đáp án gây nhiễu, học sinh không cần học lịch sử cũng có thể đoán được kết quả đúng. Do đó, với mức điểm lệch phải, đẹp như năm nay phải nói là bất bình thường”, ông Vinh khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại