Các chuyên gia cho rằng hiệp ước có cả thành công và thất bại.
Lần đầu tiên đề cập tới nhiên liệu hóa thạch
Các đại biểu thảo luận trước phiên bế mạc Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 13/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiệp ước Khí hậu Glasgow đã lần đầu tiên đề cập tới vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong khủng hoảng khí hậu. Đó là điều mà ngay cả Thỏa thuận Paris năm 2015 cũng không thể làm được. Hiệp ước kêu gọi giảm dần sử dụng than và giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Lời lẽ trong hiệp ước dự thảo mạnh mẽ hơn nhưng đã bị giảm tông sau nhiều lần chỉnh sửa. Có lúc, tưởng như việc đề cập tới nhiên liệu hóa thạch sẽ bị loại bỏ khỏi hiệp ước khi Ấn Độ nói rõ họ sẽ không đồng ý với điều đó. Hiệp ước cần toàn bộ 197 bên nhất trí.
Tuy nhiên, tới gần cuối cùng, Ấn Độ đồng ý đề cập tới nhiên liệu hóa thạch nhưng với điều kiện là “giảm dần” than đá chứ không phải “loại bỏ” than đá. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho biết Ấn Độ sẽ khó ngừng dùng than đá và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch khi đang cố gắng giải quyết tình trạng đói nghèo.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã phải vận động để các nước khác đồng ý với thay đổi đó nhằm cứu vãn điều khoản liên quan nhiên liệu hóa thạch.
Giám đốc điều hành quốc tế Greenpeace, bà Jennifer Morgan, cho rằng việc hiệp ước có nhắc tới than đá là một thắng lợi với khí hậu. Bà nói: “Đã có tín hiệu phát đi rằng kỷ nguyên than đá đang chấm dứt. Đó là điều quan trọng”.
Yêu cầu các nước tăng mục tiêu giảm khí thải năm 2022
Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma (giữa) tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 13/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thay đổi gây tác động lớn nhất là ngôn ngữ được sử dụng để yêu cầu các bên tới dự COP27 năm 2022 tại Ai Cập với bản kế hoạch cập nhật về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030. Theo Thỏa thuận Paris, các nước chỉ phải cập nhật mục tiêu vào năm 2025.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow muốn các quốc gia tăng mục tiêu cắt giảm khí thải thường xuyên hơn, tiến dần tới mức phát thải ròng bằng 0.
Ông Nick Mabey, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn về khí hậu E3G nhận định: “Nhiệm vụ thực sự bắt đầu khi đại diện các nước phải trở về và thực hiện cam kết tại Glasgow của mình”.
Tiến bộ về cam kết tài chính
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Về vấn đề tài chính, cách đây hơn 10 năm, các nước giàu đồng ý chuyển 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển để hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thải ít carbon và thích ứng với khủng hoảng khí hậu. Các biện pháp thích ứng có thể gồm: xây tường chắn biển để ngăn ngập lụt, chuyển dân cư ra xa bờ biển, xây nhà có thể chống chịu các sự cố thời tiết cực đoan…
Các nước giàu đã không thực hiện được cam kết 100 tỷ USD vào hạn chót năm 2020. Các nước nghèo cho rằng số tiền trên chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow đã có một điều khoản tăng gấp đôi số tiền dành cho thích ứng với khủng hoảng khí hậu tới năm 2025 so với mức năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu 100 tỷ USD có thể chỉ đạt được vào năm 2023. Ngoài ra, không rõ các quốc gia phát triển có duy trì mức tài trợ này hàng năm hay không.
Ông Ani Dasgupta, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới nói: “Không thể biện hộ được khi các nước phát triển không thực hiện cam kết chi 100 tỷ USD hàng năm bắt đầu từ năm 2020 mà lại chi hàng trăm tỷ USD trợ cấp nhiên liệu hóa thạch”.
Theo ông Dasgupta, điều quan trọng là COP26 đã yêu cầu các quốc gia phát triển báo cáo tiến độ thực hiện mục tiêu 100 tỷ USD. Các quốc gia cũng có tiến bộ trong xây dựng mục tiêu tài chính mới ngoài năm 2025. Các nước cũng đồng ý tăng ít nhất gấp đôi số tiền chi cho thích ứng với khủng hoảng khí hậu tới năm 2025. Đây là một tiến bộ rất quan trọng.
Quy tắc về Thỏa thuận Paris chưa hoàn chỉnh
Khói bốc lên từ nhà máy sản xuất thép Edgar Thomson của Mỹ ở North Braddock, Pennsylvania, ngày 21/1/2020. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Phải mất 6 năm các bên mới cho ra đời được bộ quy tắc về Thỏa thuận Paris năm 2015. Trong thỏa thuận này, có Điều 6 nói về việc thiết lập thị trường phát thải carbon và cho phép các nước trao đổi tín chỉ carbon, khiến các bên lo ngại. Trong suốt 5 năm qua, Điều 6 có nhiều thông tin kỹ thuật tới mức các nước không thể thống nhất về từ ngữ và các loại chất. Người ta lo ngại có kẽ hở để các quốc gia lợi dụng, khiến không thể theo dõi thực chất có bao nhiêu khí thải gây hiệu ứng nhà kính thực sự được cắt giảm hay bán trên thị trường này.
Tin tốt là cuối cùng các bên đã nhất trí về quy tắc này và loại bỏ một số lỗ hổng, nhưng các chuyên gia cho rằng cho phép bù trừ carbon quá nhiều sẽ chỉ thúc đẩy các nước và doanh nghiệp tiếp tục phát thải như bình thường, đặc biệt là nước giàu và doanh nghiệp lớn có nhiều tiền.
Mặc dù được thông qua nhưng quy tắc vẫn còn có một số chi tiết kỹ thuật chưa được thống nhất.
Không có quỹ trách nhiệm
Đây là một điểm mà nhiều quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương do khủng hoảng khí hậu cảm thấy thất vọng. Trước đó, họ hy vọng sẽ có quỹ dành để bồi thường thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra tại những nước bị tác động nặng nề nhất.
Ban đầu, các nước này hy vọng các nước giàu sẽ đóng góp tiền vào quỹ để nếu có quốc gia nào trải qua thiên tai như lũ lụt gây phá hủy nhà cửa, thì số tiền có thể được sử dụng để giúp họ xây dựng lại. Theo thuật ngữ khí hậu, đây là quỹ dành cho “tổn thất và thiệt hại”.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow công nhận tầm quan trọng của “tổn thất và thiệt hại” và đồng ý tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng. Nhưng thay vì đồng ý lập một quỹ dành riêng cho vấn đề này, hiệp ước chỉ kêu gọi đối thoại nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là quỹ này có thể mất hàng năm mới được thành lập nếu các bên có ý định.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết Mỹ hiện phản đối quỹ này, còn Liên minh châu Âu từng cho biết sẽ không ủng hộ. Australia cũng ngăn chặn ý định thành lập quỹ.