Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020

Steve |

Ngành khảo cổ học như một cỗ máy thời gian, đưa chúng ta trở lại với quá khứ. Những gì được tìm thấy luôn làm chúng ta đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua những phát hiện ấn tượng nhất của năm nay.

Một cỗ máy thời gian luôn là giấc mơ của con người, giúp chúng ta quay về quá khứ hay tới tương lai. Trong thực tế, thứ gần nhất giúp đưa chúng ta về những thời đại xa xưa là ngành khảo cổ học

Không sử dụng những tụ điện đến mức nóng chảy như trong phim "Back to the Future", các nhà khảo cổ học sử dụng nhiều công nghệ như ra đa xuyên lòng đất, kính hiển vi electron, trình tự DNA, và tất nhiên là cả những chiếc xẻng. 

Với những trang bị và kỹ thuật phù hợp, những nhà khảo cổ học đã mang đến những công trình cho phép chúng ta dựng lại quá khứ và hình dung cách mọi thứ như chúng đã từng.

Nhiều năm nữa, khi chúng ta nhìn lại về năm 2020, khảo cổ học chắc chắn sẽ không phải điều đầu tiên hiện lên trong đầu mỗi chúng ta nhưng không phải vì vậy mà năm 2020 không phải là một năm thành công với ngành khoa học quan trọng này, và trong số đó có thể kể đến 12 khám phá ấn tượng và thuyết phục nhất.

1. Một thành phố La Mã dưới lòng đất hoàn toàn lộ diện mà không cần đào bới:

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Một bản đồ của Falerii Novi, dựng lên từ dữ liệu viễn thám

Công nghệ viễn thám đã cho phép các nhà khảo cổ ở nước Ý dựng lên một bản đồ của thành phố tên gọi Falerii Novi với đầy đủ các công trình, tượng đài, đường xá hay cả những đường ống nước. Điểm thú vị là họ không cần thực hiện khai quật một chút nào cả.

Thành phố Falerii Novi nằm cách Rome 50 kilomet về phía Bắc có cư dân sinh sống từ năm 241 TCN cho tới năm 700, đã được giới khảo cổ biết đến từ trước. Dù chúng ta có thể thấy bản đồ trong hình rất chi tiết, nhưng nó vẫn chỉ mới là bản đồ sơ bộ, bởi các nhà khoa học vẫn đang thực hiện phân tích 28 tỉ điểm dữ liệu được các thiết bị viễn thám gửi về.

2. Một con mèo khổng lồ xuất hiện ở Peru sau 2.000 năm:

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 2.

Hình con mèo khổng lồ trên triền đồi ở Nazca

Một số công nhân ở Peru đã vô tình phát hiện ra hình vẽ một chú mèo dài 37 mét trên ngọn đồi Mirador Natural Hill, nơi nằm ngay trên những hình vẽ Nazca nổi tiếng được UNESCO công nhận. 

Hình vẽ mèo này được xác định thuộc về văn hóa Paracas, có niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước (thế nên, nói một cách chính xác thì hình vẽ mèo này không thuộc về người Nazca - những người sau này mới xuất hiện ở khu vực). 

Tác phẩm chú mèo khổng lồ đã bị bỏ quên lâu đến vậy nên các đường nét đã bị mờ đi quá nhiều, và nó chỉ hiện ra rõ ràng sau công cuộc phục dựng được thực hiện gần đây.

3. Xác nữ thợ săn được khai quật đã lật lại vai trò giới tính thời tiền sử:

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 3.

Hình vẽ dựng lại về cuộc săn Vicuna

Một phần xác phụ nữ trẻ niên đại 9.000 năm đã được tìm thấy kèm với bộ dụng cụ săn bắn đã hé lộ cho chúng ta thấy cách phân chia công việc trong quá khứ có vẻ công bằng hơn so với giả định trước đó. 

Người phụ nữ này được xác định là chết ở độ tuổi 17 đến 19, sống ở vùng cao nguyên Andean thuộc Nam Mỹ, có vẻ thường sử dụng mũi lao đá để săn vicuna - loài lạc đà bản địa. 

Những công cụ xử lí động vật được tìm thấy trong “mộ” cô cũng cho thấy chính cô đã làm thịt con mồi của mình. Nhóm nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cũng đã xem xét thêm các ghi chú khảo cổ, và tìm được một số trường hợp tương tự mà phụ nữ cũng được chôn cất cùng bộ đồ săn bắn. 

Như vậy, có thể nói rằng cách phân chia giới tính của xã hội hiện đại thường không phản ánh đúng những gì xảy ra trong quá khứ, thế nên những giả định đưa ra có thể thiếu cơ sở.

4. Cái chết của những nạn nhân vụ phun trào Vesuvius

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 5.

3 trong số 12 phòng chứa thuyền ở Herculaneum, với những bộ xương bên trong

Khi ngọn núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79, hàng trăm người dân thành phố La Mã cổ Herculaneum đã hoảng loạn trốn chạy vào những căn phòng chứa thuyền - các fornici. 

Nhờ vào các khám phá khảo cổ được công bố năm nay, người ta đã tìm ra bằng chứng rằng những người này đã chết ngạt từ từ vì khí độc từ vụ phun trào trong những căn phòng này, thay vì “bốc hơi” bởi nham thạch như giả thuyết trước đó. Sau đó, những thi thể bị “nướng” trong các phòng với nhiệt độ có thể lên tới 400 độ C.

5. Loại thép không gỉ sơ khai 1.000 năm tuổi được tìm thấy ở Iran

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 6.

Hình ảnh dưới kính hiển vi cho thấy mảnh thép tròn lẫn trong xỉ

Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 9, người Persia cổ đại đã rèn loại hợp kim làm từ thép crôm - hay thường được chúng ta gọi là thép không gỉ - từ khoảng 1.000 năm trước. Loại thép này với khoảng 1% đến 2% crôm và 2% phốt pho, đã được sử dụng để sản xuất kiếm, dao găm, giáp trụ và nhiều đồ vật khác. 

Nói chính xác, những đồ vật này không phải là không gỉ, và thậm chí còn khá mong manh bởi phần phốt pho thêm vào, nhưng đây hiện là bằng chứng đầu tiên của việc thêm khoáng chất của crôm (ở đây là cromit) vào nồi luyện thép một cách có chủ đích.

6. Thổ dân châu Mỹ có thể đã tới quần đảo Polynesia trước người châu Âu

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 7.

Hình ảnh mặt trời mọc trên đảo Rapa Nui

Những nghiên cứu thú vị được công bố hồi tháng 7 đã chỉ ra rằng, những người bản địa Nam mỹ đã vượt biển tới khu vực các đảo thuộc Nam Thái Bình Dương khoảng 300 năm trước khi thực dân châu Âu xuất hiện tại đây. 

Bằng chứng về di truyền đã cho thấy một hành trình được thực hiện vào khoảng năm 1200, khi một nhóm người từ Nam Mỹ đã vượt qua hàng ngàn dặm để tới quần đảo Polynesia, chung sống với cư dân bản địa và lưu lại dấu ấn di truyền của mình. Những cư dân “lai” này sau đó tiếp tục sinh sống ở các đảo khác vào khoảng năm 1380, trong đó có cả đảo Rapa Nui, hay được phương Tây gọi với cái tên đảo Easter.

7. Kiến trúc hình tròn được phát hiện gần Stonehenge

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 8.

Đường màu đen biểu thị toàn bộ kiến trúc tròn, với 20 hố kí hiệu màu đỏ

Các nhà khảo cổ học làm việc ở đồng bằng Salisbury gần bãi đá cổ Stonehenge đã tìm thấy bằng chứng của một hệ kiến trúc dạng tròn khổng lồ với niên đại khoảng 4.500 năm. Kiến trúc này gồm 20 hố được sắp xếp cẩn thận, với những hố lớn nhất có đường kính 10 - 20 mét và sâu 5 mét. 

Những hố này tạo thành một vòng tròn với bán kính trung bình khoảng 864 mét tính từ điểm trung tâm, và được coi là công trình tiền sử lớn nhất từng được tìm thấy ở nước Anh. Mục đích xây dựng kiến trúc này hiện không xác định được, nhưng người ta cho rằng chúng là ranh giới cho một khu vực thiêng liêng với người xưa.

8. Có thể người Neanderthal đã phát minh ra cách dùng sợi:

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 9.

Đoạn dây của người Neanderthal

Một đoạn dây niên đại khoảng 41.000 năm tuổi được phát hiện gần đây tại Pháp có thể là chỉ dấu cho việc người Neanderthal đã phát minh ra cách sử dụng các loại sợi. Trước khám phá này, mẫu vật dây cổ nhất được tìm thấy là ở Israel với niên đại 19.000 năm. 

Đoạn dây được tìm thấy gồm nhiều sợi được bện lại, rồi lại được xoắn lại với nhau để tạo thành. Các nhà khảo cổ học tin rằng đoạn dây này được dùng để chứa mồi lửa, hoặc là một phần của chiếc túi hay thiết bị khác dùng để chứa mồi lửa tìm thấy bên cạnh nó.

9. Chiếc giường niên đại 200.000 năm làm từ cỏ và tro

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 10.

Tàn tích giường cỏ đã hóa thạch, niên đại 200.000 năm

Những mẫu vật như công cụ, xương đã chặt, hố lửa và tranh vẽ trong hang đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về quá khứ, nhưng các nhà khảo cổ thường khó lật lại được những vết dấu thông thường hơn về đời sống tiền sử. 

Đây là lí do mà phát hiện của những chiếc “giường” thô sơ trong một hang đá tại dãy núi Lebombo gần Nam Phi lại quan trọng đến vậy, khi nó cho ta thấy cách con người ngủ khoảng 227.000 năm trước. 

Những chiếc giường này được làm từ nhiều lớp cỏ đặt trên một lớp tro. Ngoài việc cung cấp một chỗ nằm tiện nghi và cách biệt, chiếc giường này có thể làm côn trùng tránh xa nhờ lớp tro. Những chiếc giường kiểu này thường được đốt để tránh sâu bọ và rồi lại trải một lớp cỏ mới lên trên.

10. Kiến trúc Kỷ Băng hà làm từ xương của 60 con voi ma mút

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 12.

Hàng trăm mảnh xương voi ma mút được tìm thấy tại di chỉ Kostenki 11, Nga

Trước đây, các nhà khoa học đã từng tìm thấy những kiến trúc làm từ xương voi ma mút, thế nhưng không có cái nào trong số đó có thể so với phát hiện gần đây tại thành phố Voronezh, Nga về kích thước. 

Với niên đại khoảng 25.000 năm, nó cũng là công trình cổ nhất thuộc loại này từng được tìm thấy. Kiến trúc này rộng 12,5 mét và được làm từ hàng trăm mảnh xương voi ma mút lông xoăn. Theo các nhà khoa học, kiến trúc này có thể là chỗ trú ngụ cho con người tránh khỏi cái lạnh mùa đông Kỷ Băng hà, và cũng có thể là một chỗ để trữ thức ăn.

11. Băng tan chảy làm lộ ra đường mòn trên núi thời kỳ Viking

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 13.

Bộ xương chó được tìm thấy gồm cả vòng cổ và dây

Găng tay, giày, vài mảnh xe trượt tuyết, và một bộ xương chó vẫn còn gắn với vòng cổ là một phần của những thứ được tìm thấy tại nơi từng là một đường mòn núi được tìm thấy gần đây ở miền trung Na Uy. 

Nằm ở khu vực Lomseggen Ridge, lối đi này đã được sử dụng trong hơn 1.000 năm, với lượng người qua lại đạt đỉnh vào khoảng năm 1000, thuộc thời kỳ Viking. Biến đổi khí hậu đã khiến những dòng sông băng tan chảy, đã làm lộ lối đi này, cũng như một số phát hiện khảo cổ khác.

12. Gà và thỏ được người Anh cổ tôn thờ

Điểm lại những khám phá khảo cổ học ấn tượng nhất năm 2020 - Ảnh 14.

Bộ xương thỏ được tìm thấy ở Hampshire, Anh

Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4, những con gà và thỏ đầu tiên xuất hiện ở nước Anh vào khoảng 2.200 đến 2.300 năm trước đã được coi như các sinh vật tâm linh, chứ không phải thức ăn. Những con vật này khi đó được gắn với các vị thần cụ thể, và phải cho đến cuối thời kỳ La Mã thì chúng mới trở thành các món trên bàn tiệc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại