Điểm đến mới của Nga trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Phi

Hoàng Phạm |

Libya, nơi Nga đã có sự hiện diện quân sự, được cho là lựa chọn khả thi nếu Moscow quyết định rút toàn bộ hoặc một phần lực lượng khỏi Syria.

Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria có thể là một vấn đề gây tranh cãi sau khi phe nổi dậy lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng việc Điện Kremlin muốn duy trì ảnh hưởng ở Địa Trung Hải và châu Phi là điều không thể phủ nhận.

Trong suốt cuộc nội chiến ở Syria, Nga đã hỗ trợ cả về quân sự và ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Assad. Trong quá trình này, Nga thiết lập một căn cứ không quân quan trọng tại Hmeimim và mở rộng căn cứ hải quân Tartus, cả hai đều là những điểm mấu chốt cho hoạt động quân sự của Nga. Tartus là cảng duy nhất của Nga ở vùng biển ấm.

Căn cứ Tartus ở Syria. Ảnh: Planet Labs

Sau khi phe nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ chính quyền Assad, tương lai các căn cứ quân sự của Nga ở Syria trở nên mơ hồ. Các báo cáo cho thấy Nga đã rút một phần lực lượng.

Việc mất các căn cứ này – những mắt xích quan trọng trong chuỗi ảnh hưởng của Nga ở Địa Trung Hải và châu Phi – sẽ là một tổn thất lớn. Nếu muốn duy trì vị thế đã xây dựng được lâu nay trong khu vực, Nga sẽ buộc phải tìm kiếm một lựa chọn thay thế.

Libya, nơi Nga đã có sự hiện diện quân sự, được cho là lựa chọn duy nhất khả thi nếu Moscow quyết định rút toàn bộ hoặc một phần lực lượng khỏi Syria.

Tuy nhiên, việc Nga đột ngột tăng quân số có thể có ảnh hưởng nhất định đối với một Libya đầy biến động trong khi nhiều người đặt câu hỏi về sự hiện diện mạnh mẽ của Nga gần biên giới NATO.

Địa điểm lý tưởng để thay thế các căn cứ ở Syria

“Libya mang lại cho Nga một vị trí rất đặc biệt – một bản đạp cả ở Bắc Phi và Địa Trung Hải, rất lý tưởng để Nga triển khai sức mạnh vào vùng đất yếu của châu Âu và khắp vùng Sahel,” nhà phân tích Anas El Gomati của Viện Sadeq có trụ sở ở Tripoli nhận định.

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh đã được Al Jazeera xác minh cho thấy không có hoạt động xây dựng mới của Nga tại bất kỳ căn cứ không quân nào ở Libya và Moscow cũng không có động thái nào tại Tobruk, cảng nước ấm mà Nga được cho là đã cân nhắc mở rộng sự hiện diện từ trước khi xảy ra chính biến ở Syria.

“Đừng coi nhẹ tiềm năng của Tobruk. Nó chưa bằng Tartus, nhưng đó chính là lý do tại sao Nga muốn có Tobruk. Họ không tìm kiếm những gì đã có sẵn ở đó mà họ nhìn vào những gì có thể xây dựng được ở đó”, ông El Gomati bình luận.

“Hãy nhớ rằng Tartus ban đầu cũng không được như ngày nay. Thêm nữa, Tobruk kết hợp với căn cứ không quân Al Khadim (một căn cứ quan trọng của Nga gần Benghazi) tạo thành một tổ hợp quân sự mạnh mẽ có thể thách thức sườn phía Nam của NATO”, ông El Gomati bình luận thêm.

Máy bay vận tải Ilyushin Il-76TD của Nga tại sân bay Benghazi, Libya ngày 16/9/2023. Ảnh: Getty Images

Việc Nga chưa có động thái mới nào ở Libya có thể là do Moscow vẫn đang đàm phán với các nhà lãnh đạo mới ở Syria và đợi cho đến khi Damascus chính thức có chính phủ mới để làm sáng tỏ tương lai các căn cứ quân sự Hmeimim mà Tartus.

Tuy nhiên, việc mở rộng sự hiện diện của Nga tại châu Phi thông qua các căn cứ ở Syria và Libya là mục tiêu mà Điện Kremlin đã vạch ra từ khoảng năm 2017. Ông Oleg Ignatov, một nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng, đó là một mục tiêu mà “Nga đã chiến đấu để có được” và sẽ không sẵn sàng từ bỏ.

“Nga coi châu Phi là một trong những đấu trường cạnh tranh chính giữa các cường quốc hiện nay” ông Ignatov nói.

Nga, chủ yếu thông qua Quân đoàn châu Phi (trước đây là công ty quân sự tư nhân Wagner) để duy trì sự hiện diện quân sự trên khắp châu Phi.

Hiện tại, Quân đoàn châu Phi đang hỗ trợ các chính phủ ở Mali, Burkina Faso và Niger, tất cả đều đã cắt đứt quan hệ với phương Tây sau các cuộc đảo chính gần đây. Ngoài ra, Quân đoàn châu Phi được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quyền lực của chính phủ Cộng hòa Trung Phi cũng như hỗ trợ quân đội Sudan.

“Ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây ở châu Phi có thể đang suy giảm, nhưng sự hiện diện của các quốc gia khác, như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, lại đang gia tăng. Vì vậy, việc duy trì ít nhất một trong các căn cứ ở Libya hoặc Syria là tuyệt đối cần thiết đối với Moscow”, ông Ignatov nhận định.

Tác động với Libya và mối đe dọa với NATO

Libya đã rơi vào bất ổn kéo dài kể từ năm 2011 và việc tái triển khai lực lượng Nga từ Syria sang quốc gia Bắc Phi này có thể làm thay đổi tình hình.

Libya hiện có 2 chính phủ. Ở phía Đông là Chính phủ ổn định quốc gia (GNS), được hậu thuẫn bởi nhà lãnh đạo tự xưng, chỉ huy quân sự Khalifa Haftar. Ở phía Tây là Chính phủ hiệp định quốc gia được quốc tế công nhận, do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah lãnh đạo.

Cả hai bên đều không chịu nhượng bộ cho đến khi một cuộc bầu cử được tổ chức trên toàn quốc. Cuộc bầu cử ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 nhưng đã thất bại vào phút chót.

Theo nhà phân tích Tarek Megerisi tại đồng Đối ngoại châu Âu, việc thành lập một trung tâm quân sự lớn của Nga ở Đông Libya sẽ trao cho phe Haftar một tiếng nói lớn trong các cuộc đàm phán mà ông có thể từ bỏ mà không gặp phải bất kỳ hậu quả nào.

Hiện tại không có nhiều dấu hiệu cho thấy phía Đông Libya đang chuẩn bị cho một làn sóng tăng quân từ Nga.

“Nhưng nếu Nga tập trung hoàn toàn ở phía Đông Libya, ông Haftar sẽ có thể làm bất cứ điều gì ông ta muốn”, nhà phân tích Megerisi nói, đồng thời cho rằng, các nước phương Tây sẽ tìm cách nhượng bộ Haftar để kéo ông ta ra khỏi ảnh hưởng của Nga.

Ông Haftar sẽ vẫn là mục tiêu trong các cuộc vận động ngoại giao của phương Tây bởi nhiều khả năng ông sẽ mang đến cho Nga, đối thủ địa chính trị của phương Tây, một “nơi trú ẩn an toàn” chỉ cách bờ biển NATO vài trăm hải lý.

“Mối đe dọa với NATO không phải là điều thổi phồng mà nó đã bị đánh giá thấp,” nhà phân tích El Gomati nói.

“Mối đe dọa đó không chỉ là về các căn cứ quân sự mà còn ở chỗ Nga có thể tạo ra các điểm gây áp lực trên các tuyến đường di cư, nguồn cung cấp năng lượng và hành lang thương mại của châu Âu. Vị trí của Libya khiến nơi đây trở thành nền tảng lý tưởng cho chiến tranh hỗn hợp” ông El Gomati nói.

Trong những năm gần đây, mặc dù chính quyền ở Đông Libya đã thiết lập quan hệ đối tác với Nga, nhiều quan chức phương Tây đã gặp Haftar, nhằm “khôi phục” uy tín của ông ta tại phương Tây.

Hồi tháng 8, các chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Phi, các quan chức Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Italy đã gặp ông Haftar. Họ mô tả các cuộc gặp của họ là nhằm thúc đẩy đối thoại nhưng các nhà quan sát cho rằng thực tế, họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Haftar trong việc kiềm chế dòng người di cư bất hợp pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại