Một người đàn ông ngồi giữa hiện trường vụ đánh bom vào trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza, ngày 1/11. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công vào Dải Gaza để đáp trả lực lượng Hamas, Israel cho biết họ đã phá hủy ít nhất 12.000 mục tiêu trên khắp vùng đất hẹp bị bao vây của người Palestine, tạo nên một trong những chiến dịch ném bom dồn dập nhất trong lịch sử hiện đại.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Euro-Med, Israel đã thả hơn 25.000 tấn chất nổ xuống Dải Gaza kể từ ngày 7/10, tương đương hai quả bom hạt nhân. Để hình dung về tác động của lượng thuốc nổ như vậy, có thể so sánh với quả bom hạt nhân Little Boy mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, trong đó chứa 15.000 tấn chất nổ mạnh và phá hủy mọi thứ trong bán kính gần 2km.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều khu dân cư bị san phẳng, với nhiều bệnh viện, trường học, đền thờ và nhà cửa. Các hệ thống thông tin liên lạc và nhà máy xử lý nước trở nên tê liệt.
Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Liên Hợp Quốc về điều phối nhân đạo (OCHA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chính phủ Palestine, tính đến ngày 7/11, các cuộc tấn công của Hamas đã phá hủy ít nhất: 222.000 căn hộ, 278 cơ sở giáo dục, 270 cơ sở y tế, 69 nơi thờ (bao gồm đền và nhà thờ), cùng những phương tiện và cơ sở khác.
Elijah Magnier, một nhà phân tích quân sự về Trung Đông, nói với Al Jazeera rằng việc Israel sử dụng “bom thông minh” ở Dải Gaza là một phần trong chiến lược quân sự rộng hơn nhằm “tấn công chính xác mục tiêu để đạt được nhiều mục tiêu quân sự”.
Việc Israel sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác (PGM) khiến nhiều người hoài nghi rằng những quả bom “thông minh” đó có thể giảm tổn thất cho người và tài sản không liên quan.
Duy trì ưu thế vượt trội của Israel ở khu vực là yếu tố cốt lõi trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Điều này đạt được phần lớn nhờ vào việc Mỹ tài trợ vũ khí cho đồng minh. Ngày 2/11, Mỹ thông qua dự luật cung cấp 14,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel. Từ năm 1976 - 2022, Mỹ cung cấp cho Israel gần 30.000 loại đạn thông minh, bao gồm JDAM, Paveway và SDB.
Tên lửa dẫn đường chính xác (PMG), còn được gọi là bom thông minh, sử dụng hệ thống dẫn đường tiên tiến để tấn công mục tiêu có giá trị cao.
Loại tên lửa này có thể được phóng hoặc thả từ máy bay và phương tiện không người lái. Hệ thống dẫn đường trong vũ khí này có thể được lắp vào bom truyền thống, tức loại rơi tự do và không được dẫn đường, để trở thành vũ khí chính xác.
Hầu hết những quả bom mà Israel thả xuống đều thuộc họ Mk80 do Mỹ thiết kế. Một số là JDAM, tên lửa dẫn đường bằng laser Paveway và bom đường kính nhỏ.
Theo thống kế của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Không quân Israel có 339 máy bay chiến đấu, trong đó có 309 máy bay tấn công mặt đất.
Mỹ gần đây gửi thêm máy bay chiến đấu đến Israel. Các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất có thể mang nhiều loại vũ khí, như tên lửa không đối không và không đối đất.
F-15 Eagles có thể mang theo nhiều loại bom, trong đó có JDAM.
Theo các chuyên gia, hiệu quả của tên lửa dẫn đường chính xác phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chất lượng tin tức tình báo thu thập được. Nếu tin tình báo sai, vũ khí chính xác nhất cũng tấn công nhầm mục tiêu.
Trục trặc kỹ thuật có thể khiến bom thông minh bắn nhầm. Ngoài ra, lỗi của con người có thể dẫn đến việc xác định mục tiêu sai.
Luật nhân đạo quốc tế cấm phá hủy những cơ sở đóng vai trò thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường, như hệ thống cung cấp điện, nước và cơ sở y tế.
Theo Al Jazeera