Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Từ sau giải phóng thủ đô (10/10/1954), Lễ hội gò Đống Đa trở thành quốc lễ. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ vì dân, vì nước.
Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm tại Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội). Đây được xem là lễ hội thu hút nhiều phật tử hành hương, nhiều du khách về dự hội và vãn cảnh bậc nhất miền Bắc.
Sau ba năm tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, lễ hội chùa Hương chính thức trở lại với nhiều điểm mới, chủ đề “an toàn, văn minh thân thiện". Tuy mùng 6 mới chính thức khai hội, BQL Khu Di tích danh thắng Hương Sơn mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết.
Lễ hội chùa Hương thu hút hàng vạn du khách trong ngày khai hội. Ảnh:
Lễ hội đền vua Mai (Nam Đàn, Nghệ An) diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) là lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử trong dân gian Việt Nam.
Hội Gióng đền Sóc được tổ chức sáng mùng 6 hàng năm.
Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng âm lịch với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
Hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng tại di tích Quốc gia đền Hai Bà Trưng với nhiều hạng mục theo nghi lễ nhà nước và địa phương như dâng hương, rước kiệu và tế lễ, cùng với đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng tưởng nhớ chiến công năm xưa của Hai Bà.
Nghi thức cày xuống đồng trong lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ mùng 5 tới mùng 7 tháng Giêng, mang ý nghĩa khuyến nông, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành. Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (Hà Nam) được khôi phục năm 2009, chính lễ vào mùng 7 tháng Giêng.
Lễ hội chợ Viềng thu hút người dân ở ý nghĩa mua bán cầu may. Họp vào nửa đêm mùng 7 nhưng từ chiều nhiều ngả đường đổ về khung chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã kẹt cứng.
Lễ hội chùa Hương được tổ chức trở lại với nhiều điểm mới. Ảnh:
Hội Xuân Yên Tử kéo dài từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch tại khu Di tích lịch sử Yên Tử, Quảng Ninh. Những năm gần đây, hội Xuân Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, phật tử ở trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái mỗi dịp xuân về, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Hội Xuân Yên Tử năm 2023 , ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc như đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử, văn hoá ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Hàng năm, hội Xuân Yên Tử thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái mỗi dịp xuân về.
Hội Lim là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Hội Lim là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh, mang đậm chất dân ca quan họ nổi tiếng. Tại hội Lim, các liền anh, liền chị hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên thuyền, dưới bến.
Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... góp phần làm nên nét đặc sắc của Hội Lim.
Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ khai ấn đền Trần năm 2023 bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.
Sau ba năm tạm dừng để phòng - chống dịch bệnh, lãnh đạo địa phương dự đoán lượng người đông đúc đổ về đền Trần để xin ấn.
Lễ hội Khai ấn đền Trần thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Ảnh:
Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh) là một trong những lễ hội lớn nhất tại miền Bắc, đặc biệt đối với giới kinh doanh, buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay Bà chúa Kho đã trở thành một tập tục của một bộ phận người dân. Lễ hội Bà chúa Kho khai hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Đền Bà chúa Kho thuộc làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Theo truyền thuyết, Bà chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076. Khi Bà qua đời, mộ của bà được đưa về thôn Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) nơi bà sinh ra.
Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) năm 2023 kéo dài suốt từ ngày mùng 4 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch tại khu du lịch núi Bà Đen (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Đây là lễ hội được người dân Tây Ninh đón đợi nhất trong năm. Hội xuân đặc trưng với những nghi thức trang nghiêm bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu - nơi người dân đến cầu nguyện cho một năm mới ấm no, an bình.
Các chương trình nghệ thuật đặc sắc sẽ diễn ra tại núi Bà Đen suốt tháng Giêng.
Đây cũng là dịp để du khách thập phương ngắm nhìn không gian đậm sắc xuân rực rỡ tại núi Bà Đen, tận hưởng không khí nhộn nhịp tươi vui của lễ hội, hòa vào nhịp sống văn hoá tâm linh của người dân Tây Ninh.