Theo đó, những người nhạy cảm với mùi cơ thể thường có mong muốn tránh các nhóm người lạ, và có bản năng bẩm sinh mạnh mẽ tự bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh.
Nghiên cứu cho biết, mối liên quan tưởng chừng khó tin này có thể xuất phát từ bản năng cảm nhận những mùi "lạ", xuất phát từ người bệnh (mang mầm bệnh và vi khuẩn), người nhập cư hoặc người thiểu số.
Cảnh giác với mùi lạ là một bản năng sinh tồn quan trọng, giúp con người tránh các mối nguy sức khỏe, ví dụ như mùi hôi, thối rữa, mùi phân hủy.
Bản năng cảnh giác cũng tới từ các yếu tố kích thích khác, ví dụ như mặt ngoại hình, đạo đức hoặc khác biệt giới tính.
Trong 2 phiếu khảo sát online, những người tham gia trả lời một loạt các câu hỏi để đánh giá "mức độ nhạy cảm với mùi cơ thể" (BODS) cũng như quan điểm chính trị của họ.
Những loại mùi được liệt kê trong phiếu trả lời bao gồm hơi thở, mùi mồ hôi, mùi chân, mùi phân và nước tiểu – của người được hỏi và của người lạ.
Nhóm người ủng hộ ông Trump. Ảnh: Getty
Các câu hỏi còn lại bao gồm vấn đề đạo đức như phá thai, tranh ảnh khiêu dâm, tôn giáo, quy chuẩn đạo đức nói chung, cũng như liệu người tham gia có bầu cho ông Trump hay không.
Kết quả cho thấy, bản phân tích dữ liệu tiết lộ "mối liên hệ chặt chẽ" giữa độ nhạy mùi và thái độ chính trị của người tham gia.
Những người ghét mùi cơ thể ưa chuộng "chủ nghĩa độc đoán cánh hữu", có thái độ "ủng hộ các chính sách nghiêm ngặt đối với những nhóm người ‘lệch lạc’ hoặc đe dọa các giá trị truyền thống" và "có xu hướng bầu cho ông Donald Trump hơn những người khác".
Các nhà khoa học tham gia dự án này viết: "Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ sống trong xã hội đương thời có thể xuất phát từ những bản năng giác quan cơ bản của loài người."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu Khoa học Mở (Royal Society Open Science), thực hiện khi ông Trump và bà Hillary Clinton tranh cử cho ghế tổng thống.
Theo các nhà nghiên cứu, các khám phá mới này đã giúp tìm ra phương án nghiên cứu tâm lí học chính trị trong tương lai.