Điểm 10 thi THPT quốc gia có phải những điểm 10 thực sự?

HUYÊN NGUYỄN |

Ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), Chủ tịch Hội đồng đề thi cho biết: Đây là những điểm 10 thực sự bởi với đề thi đã được chuẩn hoá như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng chúc mừng.

Trả lời báo chí về dư luận xã hội đang bàn tán về những “cơn mưa điểm 10” ông Sái Công Hồng cho biết:

Tôi xin chúc mừng các em đã đạt được điểm 10 vì đó là những điểm 10 thực sự. Những đề thi đã được chuẩn hóa như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao đó là điều rất đáng chúc mừng.

Qua số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, thành, chúng tôi thấy số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn. Ví dụ, môn toán, theo phân tích sơ bộ có 278 điểm 10 nhưng tới 761 điểm 0.

Điều này cho thấy phổ điểm rất đẹp. Những em đạt điểm 10 một môn học chứng tỏ sức học rất tốt và thông minh. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng đề thi, tôi thấy các em có tư duy rất tuyệt vời.

Đặc biệt, ở bài thi môn toán có 1.577 em ở 59 tỉnh, thành điểm từ 1 trở xuống tức là ở mức điểm liệt, cho thấy điểm thấp rất lớn. Nếu các em này thi THPT Quốc gia tức là bị trượt tốt nghiệp.

Khi điểm trung bình của môn toán chỉ là 5,18 thì điểm 10 rất có giá trị và các em rất tuyệt vời. Thống kê sơ bộ, môn toán dưới 5 chiếm xấp xỉ 49.2%.

Vậy là mọi người đánh giá phiến diện đề thi dễ nên điểm cao?

- Thực ra, dư luận đánh giá như vậy là do chúng ta chưa cung cấp đầy đủ thông tin mà chủ yếu các tỉnh thông báo số điểm cao của thí sinh đạt được, còn phổ điểm từng môn chưa phân tích.

Tôi hy vọng các tỉnh phân tích từng môn để thấy rõ điểm thi của thí sinh, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm điểm dưới trung bình, đạt điểm 6, 7, 8. Để từ đó, chúng ta quay trở lại điều chỉnh cách dạy trong những năm tới cho phù hợp hơn.

Ông có hài lòng về kết quả kỳ thi năm nay?

- Với quá trình làm đề thi theo công nghệ của Hoa Kỳ có lịch sử làm đề thi 200 năm, còn chúng ta mới 2 năm, thật khó để so sánh.

Tuy nhiên, chúng ta làm theo quy trình công nghệ đó, bước đầu đề thi phân hóa được thí sinh có dải phổ làm sao cân đều hai phía hoặc không quá cao ở vị trí nào đó và hoàn toàn phân loại được thí sinh.

Tuy nhiên, những năm đầu tiên từ kết quả quy trình này cũng cần phải rút kinh nghiệm, làm bóng và tốt hơn.

Vừa rồi, chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến của độc giả, thầy cô, các em học sinh về đề thi để rút kinh nghiệm trong làm đề thi sang năm có đánh giá và phân loại tốt hơn.

Ông có nhận xét gì về đề thi môn Hóa vì năm ngoái môn này cũng thi trắc nghiệm?

So sánh một môn thi năm nay với năm trước là hoàn toàn khập khiễng. Đây là năm đầu tiên của Việt Nam ra đề thi chuẩn hóa, vừa sức với tất cả các đối tượng học sinh.

Các em học sinh xuất sắc thì kết quả thi phản ánh thực sự xuất sắc, những em học sinh yếu thì thực sự yếu.

Thứ hai, năm nay quy trình ra đề thi khác, và thời gian thi không giống nhau.

Quan trọng của hoạt động đánh giá là đúng năng lực của các em và để tuyển sinh được thì phải phân loại được thí sinh. Muốn đánh giá năng lực thì phải có phổ điểm, có dải từ thấp đến cao.

Chính vì vậy, năm trước thời lượng thi môn Hóa 90 phút, năm nay rút xuống còn 50; năm ngoái 50 câu nhưng năm nay giảm còn 40 câu nhưng vẫn có thể phân loại và đánh giá được năng lực của các em, cũng như làm giảm được áp lực.

Không chỉ thế, với thời gian 50 phút làm 40 câu thì từng câu hỏi, từng cấp độ nó phù hợp với thí sinh, những em xuất sắc thì đạt điểm tối đa. Nếu thời gian càng dài, số lượng câu hỏi không chênh nhau nhiều thì phải ra câu hỏi thật thật khó.

Vì độ khó của câu hỏi phụ thuộc vào thời gian làm bài. Ví dụ ra câu hỏi đề tự luận làm trong 5 - 10 phút/1 câu thì phải khó. Còn cách ra đề kiểu này, chia trung bình thời gian làm bài chỉ hơn 1 phút 1 câu hỏi.

Thứ hai, có thể theo góc nhìn của tôi, năm nay đề thi ra ở chương trình lớp 12 trong phạm vi tương đối hẹp giúp các em ôn thi chắc hơn. Còn mọi năm, đề thi nằm trong toàn bộ chương trình phổ thông.

Và, một điểm nữa, mọi năm chúng ta chỉ ra một đề minh họa nên nguồn tài liệu của các em không nhiều.

Năm nay, Bộ GDĐT cố gắng ra 3 đề (minh họa, tham khảo và thử nghiệm). Tôi muốn nói, Bộ tính toán để làm sao đề vừa sức đối với các em để chúng ta đánh giá đúng năng lực người học.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại