1. Một nhà lãnh đạo cần làm gì để chinh phục mục tiêu, cần phương pháp nào để kích thích những tài năng riêng lẻ trong tập thể phát huy hết giá trị của mình?
Đây chính là đề tài đang được nhà nghiên cứu Juan Manuel Maqueira Marin, thuộc trường đại học danh tiếng Harvard, triển khai.
Khá ngạc nhiên khi Diego Simeone chính là một trong những ví dụ được đưa vào đề tài này.
Juan Manuel Maqueira Marin lấy dẫn chứng về “phương pháp Simeone” như một trong những ví dụ thuyết phục nhất về việc một cá nhân truyền cảm hứng lên tập thể và quan trọng là kích thích những con người trong tập thể ấy phát huy tài năng của bản thân.
Trong diễn giải của mình, Marin gọi cách Simeone làm là “giành lấy những thành công ngắn hạn”. Tức là thay vì tính đường dài, Simone chơi trận nào biết trận đó.
Simeone hẳn cũng không ngờ ông ưu việt và đặc biệt đến mức được nghiên cứu ở Đại học danh tiếng Harvard.
“Nếu hôm nay Atletico thắng, ngày mai chiến công đó sẽ lập tức bị lãng quên và họ lại tập trung cho một trận đấu mới như bình thường”, Marin viết.
Đó là cách để nuôi dưỡng động lực rất tuyệt vời. Các cầu thủ sẽ không bị ru ngủ bởi chiến tích vừa giành được.
Họ luôn ở trong trạng thái khát khao và Simeone đã xây tượng đài của chính mình theo cách rất đơn giản, nhưng ẩn sâu trong nó là một triết lý thậm chí đã được trích dẫn trong đề tài nghiên cứu khoa học của trường đại học Harvard.
2. Thành công của Diego Simeone được cô đọng khá chi tiết trong bài viết mới đây trên tờ World Soccer: “Bí mật đằng sau vinh quang của Simeone”.
Trong bài viết, tác giả nhiều lần nhắc tới khái niệm “Cholismo”, hiểu nôm na là triết lý của El Cholo. Simeone đã thành công đưa bóng đá về với quá khứ - thời điểm mà người ta tập trung phát triển một đội bóng thay vì khuyến khích một cá nhân nào đó đóng vai đầu tàu.
Mùa Atletico Madrid lọt vào chung kết Champions League, giá trị đội hình của Atletico chỉ là 123 triệu euro, kém xa so với 515 triệu euro của Real Madrid.
Truyền động lực – đó là bí mật đầu tiên hé mở ra thành công của Simeone.
Trong cuốn sách “El Efecto Simeone” (hiệu ứng của Simeone) do tác giả Santi Garcia Bustamente viết, ông nói: Simeone không chỉ truyền cho học trò động lực chiến thắng, mà ông thuyết phục họ tin rằng họ có thể thắng và sẽ thắng.
Cùng Estudiantes de La Plata, Deigo Simeone đã vô địch Torneo Apertura 2006.
Cuốn sách nhắc về một ví dụ năm 2006, khi CLB Estudiantes của Simeone chơi trận chung kết Copa với Boca. Simeone đã nói: “Tôi nói với tất cả các CĐV rằng, nếu bạn không tin Estudiantes sẽ thắng, tốt nhất đừng đến sân”.
Trong trận đấu này, Simeone giao cho hậu vệ Alayes nhiệm vụ kèm siêu sao Palacio bên phía đối thủ. Đó là nhiệm vụ hơi quá tầm đối với Alayes.
“Tôi không nhớ chính xác đã nói những gì với Alayes, nhưng tôi nhìn vào mắt cậu ấy và nói rằng tôi chắc chắn Alayes sẽ làm được. Tôi nói rằng, nếu cậu bắt chết Palacio, cả Argentina sẽ nhớ tên cậu”.
Rốt cuộc Alayes chơi một trận đấu tuyệt vời, cho dù tên tuổi của anh vẫn không được nhắc tới nhiều.
Sự công bằng trong cách đối xử với các học trò cũng là bí quyết giúp Simeone thành công. “Trước mùa bóng tôi luôn họp các cầu thủ và hỏi họ: Các cậu muốn chơi một mùa bóng thế nào?”.
“Một là cậu thi đấu tất cả các trận đấu trong mùa và CLB sẽ xếp giữa BXH, bị loại khỏi tất cả các giải đấu lớn.
Hai là cậu chơi 20 trận đấu, ghi khoảng 8 bàn thắng và chúng ta vô địch. Họ luôn chọn gợi ý thứ 2. Nhờ đó, nội bộ Atletico không bao giờ có chuyện ghen tị với nhau”.
Simeone luôn đối xử với các học trò như nhau.
“Khi họp, chúng tôi ngồi trên một chiếc bàn dài. Tất cả đều nhìn thấy đồng đội của mình, thẳng vào mắt họ. Không ai có thể giấu giếm tâm tư gì. Tất cả đều sòng phẳng đưa ra ý kiến”.
Triết lý cuối cùng được nhắc tới trong cuốn sách “El Efecto Simeone” cũng chính là ví dụ lọt vào đề tài nghiên cứu của đại học Harvard: Chiến lược chơi trận nào biết trận đó.
Mỗi trận đấu với Simeone, bất kể là đối thủ nào, đều được đề cao như trận chung kết. “Tôi luôn nói với các học trò: Nếu cậu ngủ gật, cậu bị loại. Nếu cậu coi mình là nhân vật chính của trận đấu, cậu bị loại.
Nếu cậu nói quá nhiều về vai trò của mình trong trận đấu trước, cậu bị loại. Và như vậy, chúng tôi có một đội hình luôn tập trung cho mỗi trận đấu”.
Còn một chi tiết mà không nhiều người biết về Simeone: Ông không phải mẫu HLV tôn thờ bóng đá phòng ngự phản công. Là một người Argentina, Simeone vốn dĩ ưa thích bóng đá tấn công hơn bất kỳ ai.
Thời còn dẫn dắt Estudiantes, Simeone thường xuyên ra sân với sơ đồ 3-3-3-1, với bộ 3 tấn công siêu đẳng Ariel Ortega - Radamel Falcao và Alexis Sanchez. Simeone thừa nhận, ông từng bị ám ảnh với bóng đá tấn công.
Tuy nhiên khi sang Atletico Madrid, tình thế đã thay đổi ông. Simeone hiểu rằng, nếu chơi tấn công với Real và Barca, thất bại là điều khó tránh khỏi.
Và ông đã thay đổi bản thân cho hợp với hoàn cảnh. Đây cũng chính là một trong những cá tính nổi bật nhất của vị HLV người Argentina: Sự thích nghi cực nhanh với hoàn cảnh.
Simeone có tới… 4 người thầy
Làm một HLV giỏi có nghĩa là bạn sẽ luôn bị ám ảnh bởi triết lý của một HLV nào đó đi trước.
Tuy nhiên với Simeone, ông có tới 4 hình mẫu để học hỏi và đã chắt lọc tất cả những gì hay nhất của cả 4 HLV đó.
Ông học khả năng lãnh đạo của Daniel Passarella, cách truyền động lực của Alfio Basile, khả năng đọc trận đấu của Carlos Bilardo và phương pháp tập luyện của Marcelo Bielsa.