Dịch tả lợn châu Phi càn quét đàn lợn Trung Quốc

Bình Giang |

Những con lợn của ông Sun Dawu bắt đầu chết vì virus lạ từ tháng 12 năm ngoái. 4 tháng sau, tất cả 20.000 con lợn trong trang trại cũng chết hết.

Trong số đó, 15.000 con chết vì bệnh, còn 5.000 con bị tiêu hủy để phòng ngừa.

“Lúc đầu chỉ có vài con chết mỗi ngày, sau đó là vai trăm, và cuối cùng là 800 con chết chỉ trong 1 ngày”, ông Sun, một nông dân nuôi lợn ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, kể.

Bệnh tả lợn châu Phi (ASF) đang gây điêu đứng cho ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc với quy mô lớn nhất thế giới. Ngân hàng Rabobank của Hà Lan, một tổ chức cung cấp tín dụng nông nghiệp toàn cầu, ước tính số lượng lợn của Trung Quốc sụt giảm 1/3 trong năm 2019, với tổng số thiệt hại 200 triệu con. Con số đó tương đương đàn lợn của cả Mỹ và châu Âu gộp lại.

Virus cúm lợn châu Phi vô hại với người nhưng khiến lợn chết, và cho đến nay chưa có thuốc hay vắc-xin phòng bệnh này.

Xuất phát từ châu Phi, ASF lan sang đông Âu và Nga trước khi đến Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Từ đó, bệnh đã lây lan đến nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam và Campuchia.

Tháng 3 năm nay, chính phủ Trung Quốc nói rằng đã “kiểm soát tốt” dịch bệnh, khiến ASF không lây lan nhanh như trước đây.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO), chính quyền trung ương Trung Quốc đã có những bước đi đúng đắn nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nhưng quy mô đợt dịch này có thể lớn hơn thống kê chính thức. Một số nông dân cho biết nhiều địa phương không thừa nhận có dịch bệnh này ở địa bàn của họ.

Ông Sun nói rằng kiểm tra ban đầu do quan chức tỉnh tiến hành ở Hà Bắc cho kết quả âm tính với ASF. Nhưng sau khi ông đăng ảnh lợn chết lên mạng, Trung tâm phòng chống bệnh của nước này đã kiểm tra lại và xác nhận có virus tả lợn châu Phi ở địa phương.

Cũng ở Hồ Bắc, người nông dân Zhang Haixia đã chứng kiến 600 con lợn của bà chết hết. Bà nói rằng nguyên nhân lợn chết được quan chức công bố là do dịch cúm lợn thông thường.

“Quan chức địa phương sợ chịu trách nhiệm. Họ dọa chúng tôi rằng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu báo cáo lên cấp chính quyền cao hơn. Họ sợ mất việc vì dịch này”, bà Zhang nói.

Đại diện FAO cảnh báo phải mất nhiều năm mới có thể xóa sổ hoàn toàn ASF. “Tôi không chắc chúng ta có thể nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát vì chúng tôi biết nó phức tạp như thế nào. Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy phải mất mấy năm mới khống chế được”, ông Vincent Martin, đại diện FAO tại Trung Quốc, nói.

Một trong nhưng vấn đề chính mà Trung Quốc phải đối mặt khi chống chế ASF là ngành công nghiệp lợn không tập trung. Hàng ngàn trang trại quy mô nhỏ có thể không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học đúng cách để khống chế dịch lây lan.

Một phức tạp khác là virus này có thể sống sót trong thịt lợn trong nhiều tháng, nghĩa là nó có thể tái tấn công đàn lớn theo cách thức tình cờ nào đó.

Không chỉ các nông dân nuôi lợn bị ảnh hưởng. Đại dịch cũng gây ra tác động kinh tế vĩ mô. Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.

Theo đánh giá của chính phủ, giá thịt lợn sẽ tăng cao kỷ lục trong nửa cuối năm 2019 vì cầu vượt cung.

Các nhà phân tích cho rằng sẽ không có đủ thịt lợn trên thế giới để bù đắp thiếu hụt từ nguồn cung Trung Quốc và người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang loại thịt khác để bù đắp.

Báo cáo của Rabobank dự đoán một sự chuyển dịch “chưa từng thấy” trong chuỗi cung cấp protein toàn cầu đến Trung Quốc để bù đắp thiếu hụt này.

Các nhà sản xuất thịt lợn ở châu Âu và Mỹ đã bắt đầu tăng cường chuyển hàng đến Trung Quốc, dù cho thịt lợn Mỹ phải hứng chịu mức thuế 62% do tác động của chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại