Đi vợt "rồng đất", người dân Hải Dương kiếm cả trăm triệu/ngày

Bảo Bình |

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa rươi, người dân Tứ Kỳ (Hải Dương) và một số vùng khác lại hồ hởi đi vớt loài "rồng đất" đem lại thu nhập "khủng".

Loài đặc sản kỳ lạ và cách đánh bắt đặc biệt

Những năm gần đây, rươi đã trở thành một món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Nó còn được gọi là loài "rồng đất".

Rươi được chế biến thành các món vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng như chả rươi, rươi nấu măng, rươi rán, rươi kho, lẩu rươi, mắm rươi,… Mỗi món đều mang một vị hấp dẫn rất riêng làm say lòng thực khách.

Đặc biệt, loài này chỉ sống trong môi trường sạch, không hóa chất nên người dân càng yên tâm khi thưởng thức.

Theo ghi nhận trên báo Nông thôn Việt Nam, rươi chỉ nổi ở những cánh đồng vùng nước lợ, nơi thuỷ triều lên xuống của các con sông chảy qua các con hói, lạch vào đồng.

Vào trong cánh đồng, nó cũng chỉ có ở những vùng biển, thửa ruộng gần con nước lên xuống. Những nhà có ruộng vùng này, họ đắp bờ ruộng cao lên quá mặt nước và tháo cho nước chảy qua một chỗ, đồng thời dùng lưới nhỏ hứng rươi. Ở những vùng đất chung thì mọi người cùng nhau dùng vợt để vớt.

Ở các khúc hói, lạch, mỗi khúc một lại có một "trộ" rươi, được người ta ngăn lại đón rươi theo vùng nước. Các "trộ" rươi này được người ta thầu khoán với hợp tác xã. Thường đây là những chỗ có được nhiều rươi nhất.

Rươi thích nhiệt độ lạnh từ 1-8 độ C, người ta phải dùng đá lạnh mới tan ra để bảo quản rươi tươi sống.

Rươi ở sâu trong lòng đất và khi nước lên ngập đầm, ngập bãi thì rươi sẽ đua nhau chui lên. Con rươi rất dài, khi chui lên khỏi mặt bùn sẽ bị đứt và mọc đầu.

Rươi có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình… Song rươi ở vùng Tứ Kỳ (Hải Dương) được đánh giá có chất lượng dinh dưỡng cao nhất, nhiều sữa và ngọt thịt nhất nên được lái buôn rất săn đón.

Khi đến mùa thu hoạch, con rươi cái có màu xanh nhạt, con đực có màu trắng sữa và có kích thước lớn hơn.

Rươi thường xuất hiện vào mùa xuân hè, khoảng tháng 4, tháng 5 và và mùa thu đông, tháng 9 đến thág 12. Tuy nhiên rươi có số lượng lớn chủ yếu vào tháng 9 đến tháng 11. Sự xuất hiện của rươi gắn liền với hoạt động sinh sản và các yếu tố thuỷ triều.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi rươi nhiều năm thì rươi xuất hiện nhiều trước đỉnh triều từ 2-3 ngày, hoặc khi trời âm u, có mưa rươi rả rích.

Đi vợt rồng đất, người dân Hải Dương kiếm cả trăm triệu/ngày - Ảnh 1.

Rươi theo dòng chảy sẽ được dồn lại tại khu vực trũng của đầm. Sau đó người dân tiến hành đánh bắt

Thu nhập khủng từ "lộc trời"

Vào mùa rươi năm trước, theo tiết lộ của bà Oanh - chủ cơ sở buôn bán rươi với PV báo điện tử Trí thức trẻ thì 1 kg rươi nhập vào tại cơ sở của bà có giá dao động từ 350.000đ - 500.000đ/1kg đối với rươi nhỏ.

Đối với rươi to, chất lượng hơn thì có giá từ 400.000đ - 520.000đ/1kg, còn đối với rươi xuất ra thị trường các tỉnh và nước ngoài thì giá sẽ cao hơn.

Theo đó, với việc đầu tư thu mua và phân phối rươi như trên, mỗi ngày bà Oanh có thể thu về hàng chục triệu đồng.

Không ngần ngại tiết lộ về lợi nhuận thu về từ loài "rồng đất", bà Oanh cho biết, mỗi năm cơ sở của bà thu mua và xuất ra thị trường hàng chục tấn rươi. Số tiền thu về lên đến hàng tỷ đồng.

Đi vợt rồng đất, người dân Hải Dương kiếm cả trăm triệu/ngày - Ảnh 2.

Những hộp rươi được đóng vào thùng xốp

Còn với những hộ dánh bắt rươi thì vào những ngày rươi đậm có thể thu hoạch được cả tấn, không thì cũng khoảng 5,7 tạ mỗi ngày với những đầm có diện tích lớn.

Mỗi 1kg rươi được bán tại đầm (chưa qua tay người bán buôn) có giá dao động từ 300.000đ đến 800.000đ/kg, tùy thuộc vào từng thời điểm, cũng như chất lượng rươi to, rươi nhỏ để điều chỉnh giá bán.

Với mức giá trên, nhiều gia đình có thể thu về hàng trăm triệu mỗi ngày.

Đi vợt rồng đất, người dân Hải Dương kiếm cả trăm triệu/ngày - Ảnh 3.

Nước được tháo vào đầm rươi theo thủy triều lên, sau đó được tháo qua một hệ thống cống khác để bắt rươi

Tuy nhiên, năm nay, rươi có dấu hiệu giảm sản lượng so với các năm trước nên giá thành cũng được đẩy lên cao hơn. Giá bán buôn tại đầm dao động từ trên 400.000đ - 550.000đ/kg.

Vì vậy, dù mất mùa hơn mọi năm nhưng thu nhập của các chủ đầm rươi không giảm nhiều. Có hộ gia đình thu nhập lên đến nửa tỷ đồng 1 mùa thu hoạch "lộc trời".

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g rươi có 81.9g nước, 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo, không hề thua kém giá trị dinh dưỡng khi đem so với thịt bê non (trong 100g thịt bê nạc có 78.2g nước, 20g protid, 0.5g lipid, cung cấp được 87calo).

Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…

Tuy nhiên, đạm trong rươi rất dễ gây dị ứng, bởi vậy những người có cơ địa dị ứng hoặc đã từng dị ứng khi ăn hải sản không nên ăn rươi.

Cạnh đó, những người đã từng một lần bị ngộ độc rươi, không bao giờ nên ăn tiếp món này lần hai. Vì ngộ độc lần sau bao giờ cũng nặng và nguy hiểm hơn lần trước, rất nguy hiểm.

Cũng vì rươi giàu đạm, nên bà bầu không nên đụng tới món này vì có thể gây khó tiêu, sình bụng, không có lợi cho tiêu hóa. Ảnh hưởng không tốt đến em bé.

Với trẻ em, hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa hoàn chỉnh, cũng tránh cho bé ăn một lúc nhiều rươi. Nếu muốn, chỉ nên cho bé ăn chút một để thử phản ứng của cơ thể bé với món ăn vừa ngon vừa nguy hiểm này.

Theo PL TPHCM

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại