Sứ mệnh mặt trăng của Nga sau gần nửa thế kỷ đã thất bại sau khi tàu vũ trụ Luna-25 của nước này mất kiểm soát và đâm thẳng vào mặt trăng.
Một tên lửa Soyuz 2.1 mang theo Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách thủ đô Moscow 5.550 km về phía Đông, lúc 2 giờ 11 phút sáng 11-8 (theo giờ Moscow). Nó đi vào quỹ đạo của mặt trăng hôm 16-8 và dự định hạ cánh mềm vào ngày 21-8.
Tuy nhiên, Roscosmos xác nhận họ gặp "tình huống bất thường" khi cố gắng đưa Luna-25 vào quỹ đạo lúc 11 giờ 10 phút hôm 19-8 (giờ GMT). Sau đó, lúc 11 giờ 57 phút, họ mất liên lạc với tàu vũ trụ này.
"Thiết bị đi vào quỹ đạo không thể đoán trước và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt mặt trăng" - Roskosmos tuyên bố, đồng thời cho biết đã thành lập uỷ ban điều tra sự cố.
Các nỗ lực không gian của Nga diễn ra vào thời điểm nước này đang đối mặt với các vấn đề địa chính trị cả trong lẫn ngoài nước. Ảnh: Reuters
Roskosmos cũng chia sẻ một số thông tin sơ bộ: "Lực đẩy được giải phóng để đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo trước khi hạ cánh. Trong quá trình vận hành, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên trạm tự động, khiến nhiệm vụ điều động không thể thực hiện".
Ngoài ra, trong hai ngày 19 và 20-8, Nga cố gắng xác định vị trí của Luna-25 và tái thiết lập liên lạc nhưng không thành công.
Tàu vũ trụ Luna-25, nặng 800 kg, sẵn sàng làm nên lịch sử với cú hạ cánh mềm xuống cực Nam của mặt trăng, một thành tích chưa từng đạt được trước đây. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
Vào tháng 6 năm nay, Giám đốc Roscosmos Yuri Borisov thừa nhận những rủi ro của sứ mệnh Luna-25 và ước tính cơ hội thành công vào khoảng 70%.
Sứ mệnh Luna-25 mang ý nghĩa quan trọng đối với Nga nhằm mục đích phát triển di sản chương trình Luna từ thời Liên Xô. Các nỗ lực không gian của Nga diễn ra vào thời điểm nước này đang đối mặt với các vấn đề địa chính trị cả trong lẫn ngoài nước.