1. "Nếu quay lại, tôi vẫn sẽ làm những điều tôi đã làm. Tôi luôn tin vào những cảm xúc và những cảnh tượng kỳ vĩ. Và nếu không có những phép màu ấy, sẽ không còn là Real Madrid nữa. Cảm ơn triết lý quý giá này. Giờ là lúc tôi rời CLB giàu có nhất thế giới".
Đó là những gì Florentino Perez đã nói vào tháng Hai năm 2006, khi ông công bố quyết định từ chức chủ tịch Real Madrid, CLB mà ông chắc chắn sẽ gắn nó như một hình xăm trong tim mình suốt đời.
Chỉ cách đó sáu năm thôi. Perez bước vào cuộc tranh cử chủ tịch Real lần thứ hai trong đời (lần đầu ông thất bại, năm 1995) trước một đối thủ nặng ký. Lorenzo Sanz, vị chủ tịch đương nhiệm khi ấy tự tin rằng hai chức vô địch Champions League 1998 và 2000 đủ sức nặng để các lá phiếu không thể chạy về phía ai khác.
Nhưng vấn đề mà Perez đưa ra lại là mối nguy tài chính của CLB. Perez nhìn Real như một tài sản, bằng con mắt của một tài phiệt chứ không phải kiểu một chính trị gia nửa mùa. Năm 1995 ông cũng từng đưa ra vấn đề tương tự và phải chăng, điều đó càng khiến Sanz chủ quan hơn.
Nhưng Perez đã đánh động được các CĐV, những người bắt đầu hiểu rằng để tồn tại suốt thời Sanz như một thế lực, Real đã phải bán khá nhiều bất động sản của mình và trong cuộc đua thương hiệu toàn cầu, Real đang có tốc độ quá chậm chạp so với một loạt những CLB lớn của Anh quốc đang bắt đầu vào kỷ nguyên vàng của Premier League. Và họ chọn Perez, như chọn một định mệnh cho mình.
Tất nhiên, ai đó sẽ nhớ ra rằng Perez đã hứa sẽ mang lại những siêu sao cho các CĐV Real và động thái tiếp cận Figo của ông khiến họ thỏa mãn vô cùng nên đã dẫn tới việc những lá phiếu được đổ về phía Perez.
Nhưng đó có lẽ chỉ là một phần thưởng cho những ai đã ủng hộ Perez mà thôi. Bao nhiêu đời nay rồi, mỗi chủ tịch Real hay Barca đều có truyền thống tặng cho CĐV một siêu hợp đồng ở ngay năm đầu nhiệm kỳ của mình.
Nhưng có lẽ, chúng ta cần nhớ, khi Perez đến, Real chưa phải là CLB giàu có nhất thế giới, với những món nợ mà Sanz để lại thực sự khiến các CĐV phải bàng hoàng. Còn khi ông ra đi, năm 2006, Real là CLB giàu nhất thế giới. Đó cũng là năm Barca có được chức vô địch Champions League thứ hai trong lịch sử của mình, với Rijkaard, và Ronaldinho.
Perez đã không chọn Ronaldinho mà thay vào đó là Beckham, để hoàn thiện cái mà ông gọi là xúc cảm và cảnh tượng kỳ vĩ, là những phép màu kiểu Real. Đó là lý do để Joan Laporta, tân chủ tịch Barca thời bấy giờ, lựa chọn Ronaldinho, người làm gạch nối cảm hứng vĩ đại nhất để đưa Barca vào một bước ngoặt của một kỷ nguyên vĩ đại.
Sai lầm của người này đôi khi là cơ hội của kẻ khác. Nhưng Perez không sai lầm với Beckham. Nhờ Beckham, Real thêm sức mạnh thương mại để trở nên giàu có nhất thế giới. Lúc ấy, Barca vẫn chưa thoát ra khỏi những bức bách tài chính, đặc biệt là sau những chi tiêu như bất chấp của Josep Lluis Nunez, với những món hàng Hà Lan vốn dĩ là vệt màu nhợt nhạt cuối cùng của ngưỡng vọng về thánh Johan.
Nhờ Beckham, Real Madrid thêm sức mạnh thương mại để trở nên giàu có nhất thế giới.
Với Beckham, galacticos trở nên hoàn hảo về nhân sự, hình ảnh cũng như chất lượng, dù rằng galacticos với Beckham và Ronaldo (béo) ấy không mang lại cho Real thêm một Champions League nào. Và nhắc tới Galacticos, người ta cứ gán cho nó là của Perez, và cũng mặc định thành tựu của ông trong cuộc chạy đua danh hiệu cũng chỉ nhờ vào khôn khéo dùng tiền tạo nên galacticos.
2. Thực chất, người ta chỉ đặt tên khái niệm galacticos dưới thời Perez mà thôi. Còn về bản chất, các đời chủ tịch của Real đều chạy theo tiếng gọi siêu sao ấy. Từ vết dấu của Santiago de Bernabeu cho tới Lorenzo Sanz, những người giỏi nhất thế giới luôn được mặc định là phải về Real.
Hãy nhìn vào đội hình Real vô địch Champions League năm 2000 ta sẽ hiểu. Ở đó có một Anelka đắt giá, một McManaman đang nổi như cồn ở Anh và một Roberto Carlos đã là đình đám của Selecao và World Cup.
Vậy thì chúng ta hãy đặt ra dấu hỏi cho cái gọi là galacticos này. Trừ huyền thoại Santiago de Bernabeu ra, các chủ tịch đều chạy đua với các siêu sao nhưng tại sao chỉ có Perez là thành công nhất? Có lẽ, ông có cái nhãn quan nhìn người tinh tường hơn tất cả, đặc biệt là Calderon, người tiền nhiệm đã đắm đuối cả nhiệm kỳ mà không thể tạo nên một galacticos nào cho ra hồn.
Cái giỏi của Perez là ở chỗ đó. Từ mẩu khăn ăn chuyền tay qua cho Zidane cho đến bữa tối ở Lyon với gia đình Benzema; từ những trò chuyện riêng tư với Cristiano Ronaldo cho tới lời cam kết với Mbappe mới đây, Perez như một con chim ưng có biệt nhãn với những con mồi. Con chim ưng ấy cứ đứng lặng yên trên vách núi nhưng khi nó đã chao cánh, Real sẽ có một ngôi sao tuyệt vời.
Sức ép cạnh tranh không cho phép Perez thành công với cả James Rodriguez lẫn Ronaldo.
À, thì James Rodriguez cũng đang trên đường rời Real thì sao? Và trước đó là Di Maria nữa. Họ là thất bại của ông trong những ngày đi săn không ưng ý và toàn tâm ư? Chẳng phải. Họ đủ tầm là siêu sao nhưng trước sức ép cạnh tranh đến nghẹt thở ở Real, họ không còn đất để phát tiết. Họ ra đi, chắc chắn Perez cũng vô cùng nuối tiếc. Nhưng chuỗi thời gian không cho phép ông chờ đợi bao giờ.
Vậy thì vượt qua cả Lorenzo Sanz và lấn át hoàn toàn so với Calderon trước đó, ai xứng đáng là địch thủ của Florentino Perez đây? Tất nhiên, chủ tịch Santiago de Bernabeu còn là tượng đài sừng sững nhưng bóng đá của thập niên (19)50s khác xa với bóng đá công nghiệp của thế kỷ 21 này. Và nếu chúng ta giả định lịch sử chỉ có 20 năm trở lại đây, có lẽ, địch thủ xứng tầm của Perez chỉ có 1.
Đó là Joan Laporta của Barcelona, người không kém cạnh Perez cả về thành tích lẫn biệt nhãn. Trước Laporta, Barca thất bại trước Real trong các cuộc đua danh hiệu tới 5 năm liền. Kể từ Laporta, Real chạy đua miệt mài và mới thực sự san bằng được khoảng cách danh hiệu (cao quý) so với Barca ở mùa Hè vừa qua, khi Zidane bảo vệ thành công chức vô địch Champions League.
Người ta từng nói Perez điên rồ khi sa thải Del Bosque và người ta cũng từng kinh ngạc khi Laporta thay thế Rijkaard bằng Pep Guardiola. Sự lựa chọn của Perez sau Del Bosque có thể là sai lầm nhưng sự lựa chọn của Laporta sau Rijkaard là chuẩn xác.
Pep không chỉ mang lại danh hiệu, không chỉ giúp bồi đắp thương hiệu, mà Pep mang lại cả những xúc cảm kỳ vĩ, một dấu ấn lịch sử đậm nét nhất và sâu sắc nhất cho Barcelona.
May ra chỉ có Laporta mới là địch thủ xứng tầm của Perez trong vòng 20 năm trở lại đây.
3. Tiếc là Laporta không còn ở cương vị của mình, để đấu với Perez một phen trong một trận kinh điển nhất của hai vị chủ tịch lẫy lừng nhất 20 năm trở lại đây. Chính họ đã góp phần cực lớn thay đổi toàn diện bộ mặt bóng đá hiện đại, đặc biệt là trong thương mại, chuyển nhượng và cách xác định giá trị những con người tham gia những cuộc chơi lẫy lừng.
Nếu lịch sử chỉ là 20 năm, địch thủ xứng tầm nhất của Perez là Laporta. Nhưng Laporta dừng lại rồi (hay tạm thời) còn Perez vẫn tiến. Và bởi thế, địch thủ của Perez bây giờ chính là ông, và huyền thoại Santiago de Bernabeu. Ông phải vượt qua được vị chủ tịch đã được gắn tên mình cho sân vận động của CLB.
"Chúng ta đã tạo ra một đội bóng vĩ đại nhưng có thể tôi đã truyền đạt sai cho họ nên họ bắt đầu ảo tưởng. Chúng ta ảo tưởng rằng việc vô địch Liga là chuyện bình thường. Chúng ta tự tin quá mức tới độ coi mình là số 1. Và hôm nay, ảo tưởng ấy phản kích lại chính chúng ta khiến chúng ta không chiến thắng nữa. Chúng ta cần chấm dứt ảo tưởng về mình và vì thế, tôi phải ra đi".
Đó cũng là lời Perez nói 11 năm trước, khi ông từ chức, một lời nhận trách nhiệm nhưng cũng là một cảnh tỉnh.
Perez nhiệm kỳ này tỉnh táo hơn Perez nhiệm kỳ đầu rất nhiều. Nhưng cũng sẽ đến lúc ông phải ra đi, với những lời tương tự. Đó đã là quy luật bởi chẳng có gì là vĩnh cửu. Nhưng từ nay cho tới khi quy luật của tự nhiên kia được thực thi, Perez vẫn còn một nhiệm vụ phải làm: chinh phục địch thủ vĩ đại nhất đời mình, Santiago de Bernabeu thần thánh…