
Hiện tại có 257 con trâu gồm cả nghé, đã có 60 con nghé được sinh trong năm nay. Hàng năm sẽ có giáo sư, y bác sĩ ở Đại học Nông Nghiệp đến khám, lấy máu và phân để xét nghiệm, tiêm phòng cho đàn trâu.

Đàn trâu được chăn thả ngay bãi bồi sông Hồng xung quanh khu vực chân cầu Vĩnh Tuy. Nguồn thức ăn chính và duy nhất là cỏ và nước sông Hồng. Vì ngay gần sông nên rất thuận lợi cho việc trâu tắm và uống nước.

Đều đặn mỗi ngày, từ 6h sáng đến 6h tối đàn trâu lại được rong đi kiếm ăn. Dù trời nắng hay mưa cũng không bỏ hôm nào, chỉ những con yếu kém thì cho ở nhà, thuê người cắt cỏ cho ăn chứ cả đàn thì không thể vì sẽ chết đói mất, bà Hải chia sẻ.

Vì đàn trâu lớn nên hai vợ chồng phải thuê thêm 3 người thợ đi chăn với mức lương 4 triệu đồng/tháng,được trợ cấp ăn ở. Bác Trần Văn Hùng (53 tuổi), người đã làm công việc mục đồng này được 1 năm chia sẻ: “Trâu đi theo đàn nên chỉ cần điều khiển được con đầu đàn là cả đàn sẽ nghe theo. Nhưng cũng có lần, trâu đi lạc đàn rồi ngã xuống giếng mà chết”.

Vào mùa đông, mọi việc khó khăn hơn cả đối với đàn trâu và người nuôi. Nhiều hôm đàn trâu phải đi kiếm ăn xa nhà, có lần cả đi cả về hơn 15km mới tìm chỗ có cỏ để cho đàn trâu ăn. Ngay đợt rét kỷ lục vào tháng 1 năm 2016 đã có 25 con nghé đã chết vì không chịu được cái giá lạnh.

Trâu sẽ được bán cho siêu thị, nhà hàng và các hộ dân trong làng hay người ở nơi khác có nhu cầu được giới thiệu đến. Mỗi con to bán ra được khoảng 25 đến 30 triệu đồng, con bé bán được từ 10-15 triệu đồng. Cả đàn hơn 200 con bây giờ đều từ cặp trâu đầu tiên sinh sản ra mà có chứ không phải nhập thêm con nào ở ngoài.

Ngoài việc chăn trâu, hai vợ trồng bác Tiến-Hải còn trồng bưởi, chăn gia súc đủ loại. Cũng chính vì thế mà cuộc sống của gia đình thoát khỏi cảnh khốn khó và ngày một sung túc hơn.